Không đọc được ý định của ông Putin, Tướng tình báo quân đội Pháp mất chức
Giám đốc tình báo quân sự của Pháp sẽ rời khỏi chức vụ của mình sau khi Paris không dự đoán chính xác rằng Nga sẽ tiến hành chiến dịch quân sự quy mô vào Ukraine
Theo AFP, tướng Eric Vidaud, người mới nhậm chức Cục trưởng Cục Tình báo Quân đội Pháp (DRM) chỉ từ mùa hè năm ngoái, sẽ ngay lập tức từ chức.
Nguồn tin xác nhận một báo cáo trên trang web L’Opinion trích dẫn cuộc điều tra nội bộ của Bộ Quốc phòng Pháp chỉ trích Vidaud “không dự đủ các cuộc họp giao ban” và “không nắm vững các vấn đề”.
Trong những tháng trước khi Tổng thống Nga Vladimir Putin triển khai chiến dịch quân sự tại Ukraine vào ngày 24.2, đánh giá của Pháp trái ngược với dự đoán của các đồng minh như Mỹ và Anh, những nước nói rằng một cuộc tấn công quân sự nghiêm trọng sắp xảy ra.
Các nhân vật cấp cao trong chính phủ của Emmanuel Macron khẳng định không có dấu hiệu về một cuộc động binh quy mô toàn diện và Tổng thống Pháp đã duy trì hoạt động ngoại giao đến phút cuối cùng, gặp trực tiếp ông Putin tại Điện Kremlin và cố gắng thiết lập một cuộc gặp thượng đỉnh với Tổng thống Mỹ, Joe Biden.
Vấn đề này đặc biệt nhạy cảm vì Macron đã phải ngưng vận động cho cuộc bầu cử tổng thống vào tháng 4 để tập trung vào đối phó với nguy cơ chiến tranh, nhưng nhằm mục đích đánh bóng hình ảnh của ông với tư cách là một chính khách toàn cầu. Nhưng giờ sự việc ra thế này thì uy tín của ông Macron trong mắt các cử tri chẳng những tăng lên mà còn giảm sút.
Vào đầu tháng 3, tướng hàng đầu của Pháp, Thierry Burkhard, thừa nhận trong một cuộc phỏng vấn với tờ Le Monde rằng có sự khác biệt trong các phân tích giữa Pháp và Mỹ về những gì sẽ xảy ra ở Ukraine.
Burkhard thừa nhận: “Người Mỹ nói rằng người Nga sẽ tấn công và họ đã đúng. Các cơ quan của chúng ta nghĩ rằng cuộc tiến quân vào Ukraine sẽ có một cái giá khủng khiếp và người Nga có những lựa chọn khác để đạt được mục tiêu của họ".
Trên thực tế, Mỹ có thông tin tình báo chất lượng cao về sự chuẩn bị của Nga và đưa ra quyết định chưa từng có là công khai thông tin nhằm gây áp lực lên Putin từ vài tuần trước cuộc tiến quân.
Alexandre Papaemmanuel, giáo sư tại Viện Nghiên cứu Chính trị (IEP) ở Paris và là một chuyên gia về tình báo, cho biết Washington đã áp dụng một chiến thuật mới trong việc sử dụng thông tin tình báo để cố gắng gây sức ép với một nhà lãnh đạo nước ngoài.
Ông cho biết Pháp giờ này đã nhận thức rõ rằng tình báo của mình đã thất bại lần này, mặc dù ông nói thêm rằng Cục Tình báo Quân đội DRM không phải là cơ quan tình báo duy nhất ở Pháp phải chịu trách nhiệm.
Le Monde cho biết DRM thường bị cơ quan tình báo đối ngoại hùng mạnh của Pháp, Tổng cục An ninh Đối ngoại (DGSE) cho đứng ngoài lề.
Nhưng Papaemmanuel phân tích: “Lời cảnh báo dành cho toàn bộ tổ chức tình báo. Các vị phải trở nên hiệu quả và đáp ứng được tất cả các mối đe dọa".
Một nguồn tin quân sự cho biết vai trò chính của DRM là cung cấp thông tin tình báo về các hoạt động chứ không phải về ý định. Các thông tin của họ đã kết luận rằng Nga “có đủ phương tiện để tiến quân vào Ukraine và những gì đã xảy ra cho thấy điều đó là đúng”, nguồn tin cho biết.
Le Monde cho biết cuộc chiến ở Ukraine đã bộc lộ sự khác biệt giữa các cơ quan tình báo của Pháp với của Anh và Mỹ, những cơ quan có ngân sách lớn hơn và nhiều không gian luật hơn trong việc thực hiện theo dõi.
“Ngay cả khi sự phụ thuộc vào tình báo Anglo-Saxon đã tồn tại từ lâu, đặc biệt là trong cuộc chiến chống khủng bố và trong không gian, cuộc chiến ở Ukraine đã làm sáng tỏ điều đó một cách thô thiển”, tờ báo hàng đầu Pháp kết luận.