Không đùn đẩy, 'đá quả bóng trách nhiệm' trong giải quyết khó khăn cho doanh nghiệp
Chiều 25/5, Ủy ban nhân dân tỉnh Cao Bằng tổ chức Hội nghị đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ cải cách hành chính, khắc phục hạn chế trong môi trường đầu tư-kinh doanh năm 2022, triển khai nhiệm vụ và giải pháp khắc phục hạn chế trong năm 2023.
Các ý kiến phát biểu thảo luận tại hội nghị đã đề cập một vấn đề ảnh hưởng đến niềm tin của doanh nghiệp với chính quyền địa phương, đó là có kiến nghị của doanh nghiệp chưa thực sự được rốt ráo giải quyết đến tận cùng của vấn đề. Sự phối hợp của các sở, ngành địa phương trong giải quyết khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp hiệu quả chưa cao. Doanh nghiệp khó tiếp cận đất đai để thực hiện các dự án.
Do đó, cần khắc phục tình trạng “đá quả bóng trách nhiệm” và thiếu rốt ráo, giải quyết đến tận cùng khó khăn, vướng mắc, kiến nghị của doanh nghiệp.
Đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Cao Bằng chia sẻ thực trạng, tại Cao Bằng chưa có quỹ đất “sạch” để thực hiện các dự án. Các khu, cụm công nghiệp đang xây dựng, tiến độ chậm do vướng giải phóng mặt bằng.
Đại diện Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Cao Bằng chia sẻ một số khó khăn, vướng mắc, đặc biệt là vấn đề tiếp cận đất đai khiến nhiều doanh nghiệp “nản chí”, chậm trễ cơ hội đầu tư. Đồng thời, đề nghị chính quyền tỉnh Cao Bằng xem xét, sớm giải quyết thấu đáo các kiến nghị liên quan đến quyền lợi hợp pháp, ảnh hưởng sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp mà các doanh nghiệp đã trình bày tại hội nghị tiếp xúc cử tri chuyên đề với đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh Cao Bằng tổ chức tháng 4/2023.
Trước đó, các báo cáo trình bày tại hội nghị đã chỉ ra một số vấn đề tồn tại, hạn chế trong cải cách hành chính công, giải quyết thủ tục hành chính và môi trường đầu tư, kinh doanh tại Cao Bằng.
Qua khảo sát ý kiến người dân cho thấy, còn phát sinh chi phí không chính thức trong thực hiện thủ tục hành chính công, nhất là thủ tục công liên quan lĩnh vực đất đai.
Người dân còn phải xếp hàng, chờ đợi lâu trong quá trình giải quyết một số thủ tục hành chính. Vẫn còn không ít thủ tục hành chính quá hạn giải quyết.
Người dân mong muốn chính quyền cần cải thiện tinh thần, thái độ làm việc với dân của một bộ phận công chức, viên chức. Một bộ phận công chức, viên chức có thái độ gây bức xúc cho người dân, doanh nghiệp.
Qua khảo sát, lấy ý kiến cộng đồng doanh nghiệp, còn nhiều vấn đề tồn tại gây khó khăn, trở ngại, gia tăng chi phí của doanh nghiệp trong sản xuất, kinh doanh.
Doanh nghiệp phải chờ hơn 3 tháng mới hoàn thành các thủ tục đăng ký để đi vào hoạt động. 52% doanh nghiệp gặp vướng mắc, từ bỏ, hoặc trì hoãn hoạt động sản xuất, kinh doanh do khó khăn trong tiếp cận đất đai.
Sự quan tâm hỗ trợ của chính quyền đối với doanh nghiệp còn hạn chế. Tỉnh chủ yếu quan tâm giải quyết vướng mắc cho doanh nghiệp lớn, chưa quan tâm giải quyết khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, và cần quan tâm giải quyết, khắc phục vấn đề “lợi ích nhóm” trong đấu thầu công trình, dự án.
Một số sở, ngành, địa phương chưa tích cực, quyết liệt giải quyết thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền cho doanh nghiệp. Công tác hỗ trợ doanh nghiệp sau khi cấp phép đầu tư còn hạn chế.
Do đó, mặc dù có một số cải thiện và tiến bộ, nhưng trong năm 2022, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh của Cao Bằng xếp 63/63 tỉnh, thành phố; Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công (PAPI) xếp 63/63 tỉnh, thành phố.
Phát biểu ý kiến tại hội nghị, đồng chí Hoàng Xuân Ánh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Cao Bằng khẳng định, thực hiện tốt các nội dung, chỉ số đánh giá công tác cải cách hành chính, giải quyết thủ tục hành chính và nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh sẽ mang lại lợi ích cho người dân và doanh nghiệp. Do đó, đề nghị các sở, ngành, địa phương cần nghiêm túc, quyết liệt thực hiện các nội dung trong kế hoạch cải cách hành chính và khắc phục hạn chế trong môi trường đầu tư-kinh doanh tại Cao Bằng.
Thẳng thắn đánh giá, nhìn nhận vấn đề, đồng chí Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Cao Bằng cho rằng, nhiều sở, ngành, địa phương giải quyết ý kiến kiến nghị của người dân, doanh nghiệp chậm, chưa kịp thời thông báo đến người dân và doanh nghiệp những vướng mắc (nếu có) trong giải quyết kiến nghị. Do đó, các địa phương, sở ngành cần chấn chỉnh nội dung này.
Về vấn đề, hiện tượng cán bộ, công chức, viên chức né tránh, đưa đẩy trách nhiệm còn không ít; có cán bộ, công chức, viên chức thiếu tinh thần trách nhiệm, gây phiền hà, sách nhiễu người dân, doanh nghiệp; các sở, ngành, địa phương cần tiếp tục quán triệt, tăng cường kiểm tra, nâng cao kỷ luật, kỷ cương, tinh thần trách nhiệm của cán bộ, công chức trong thực thi công vụ, tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp giải quyết các thủ tục hành chính, khắc phục hạn chế trong môi trường đầu tư kinh doanh, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển và đẩy mạnh thu hút đầu tư vào Cao Bằng.