Không đùn đẩy, né tránh trách nhiệm

Né tránh, che giấu khuyết điểm, khi có khuyết điểm thì thiếu trách nhiệm, không tự giác nhận lỗi sai của bản thân… là những biểu hiện rõ ràng của sự suy thoái và cần phải loại bỏ.

Cách đây khoảng 2 năm, tại Đảng bộ nơi tôi đang sinh hoạt diễn ra câu chuyện “vô tiền, khoáng hậu” khi một bí thư chi bộ được giới thiệu tái cử nhiệm kỳ 2022-2025 đã bị “trượt” khi bỏ phiếu. Theo thông tin mà tôi nghe được thì nguyên do của sự việc là vì cán bộ này không tự giác nhận trách nhiệm của bản thân, luôn đổ lỗi cho cấp dưới, có công thì nhận nhưng có lỗi thì phủi tay. Sau sự kiện đó, đảng viên này được điều động sang đơn vị khác và dĩ nhiên là hạ chức vụ (từ cấp trưởng xuống cấp phó). Những tưởng đây là một bài học nghiêm khắc để đảng viên này rút kinh nghiệm và khắc phục thì thực tế lại không phải vậy. Trong lần tiếp xúc gần đây, một lần nữa tôi được trực tiếp chứng kiến hành động đùn đẩy, né tránh trách nhiệm của đảng viên này. Khi được cơ quan có thẩm quyền kiểm tra và chỉ ra lỗi sai trong công tác, thay vì dũng cảm, thẳng thắn nhận trách nhiệm thì đồng chí này lại đổ lỗi cho người này, người kia (dù trách nhiệm chính, trực tiếp thuộc về mình). Điều này đã gây bức xúc cho không ít người. Thực tế, trong toàn Đảng hiện nay vẫn tồn tại không hiếm những trường hợp như vậy.

Vậy đâu là nguyên nhân dẫn đến việc một số đảng viên không thẳng thắn nhận khuyết điểm của chính mình? Câu trả lời là do những cán bộ này chưa thấm nhuần tính đảng, vẫn mang nặng chủ nghĩa cá nhân. Thay vì đặt lợi ích của tập thể lên trên lợi ích của cá nhân thì những người này lại hành động ngược lại. Nguy hiểm hơn, những cán bộ đùn đẩy, né tránh trách nhiệm lại thường đi đôi với năng lực công tác thấp. Và cũng chính vì năng lực công tác thấp, trình độ hạn chế nên mới dẫn đến sai phạm trong quá trình thực hiện nhiệm vụ. Những cán bộ dạng này sợ bị kiểm điểm, sợ bị xử lý, sợ bản thân “có vết” sẽ không được quy hoạch, bổ nhiệm, cất nhắc lên các vị trí cao hơn… Vậy nhưng thay vì học tập, nâng cao năng lực, trình độ của bản thân để không mắc phải sai lầm thì họ lại chọn cách đổ lỗi cho cấp dưới, đổ lỗi cho người khác. Thậm chí, khi bị phê bình thì nảy sinh thái độ hậm hực, cay cú, tự ái. Về mặt hậu quả, dưới góc độ cá nhân, điều này làm cho chính đảng viên bị mất uy tín. Ở khía cạnh tập thể, những cán bộ đùn đẩy, né tránh trách nhiệm là nhân tố gây mất đoàn kết, tạo ra sự mâu thuẫn, bất đồng trong nội bộ, khiến cho hiệu lực, hiệu quả lãnh đạo, chỉ đạo của tổ chức không được như mong muốn.

Điều lệ Đảng quy định rõ: Đảng viên có nhiệm vụ thường xuyên tự phê bình và phê bình, trung thực với Đảng. Là đảng viên, là con người thì “nhân vô thập toàn”. Bất cứ ai cũng có thể mắc phải sai lầm, khuyết điểm nhưng vấn đề ở đây là nguyên nhân, động cơ, mục đích phát sinh sai phạm là gì và cách thức đối diện, sửa chữa những điều này như thế nào. Bàn về đạo đức cách mạng, sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Chúng ta không sợ sai lầm, chỉ sợ phạm sai lầm mà không quyết tâm sửa chữa. Muốn sửa chữa cho tốt thì phải sẵn sàng nghe quần chúng phê bình và thật thà tự phê bình. Không chịu nghe phê bình và không tự phê bình thì nhất định lạc hậu, thoái bộ. Lạc hậu và thoái bộ thì sẽ bị quần chúng bỏ rơi. Đó là kết quả tất nhiên của chủ nghĩa cá nhân”.

Sức mạnh của Đảng bắt nguồn từ việc mỗi đảng viên luôn trung thành, trung thực, ngay thẳng, dám nhận trách nhiệm trước sai lầm của bản thân. Thực tế, trong sự nghiệp lãnh đạo cách mạng của mình, Đảng ta cũng có lúc mắc phải sai lầm. Xin dẫn lại câu chuyện liên quan đến cải cách ruộng đất, nhiều đồng chí trong Ban chỉ đạo cải cách ruộng đất đã nhận trách nhiệm về mình và chịu xử lý nghiêm như: Tổng Bí thư Trường Chinh xin từ chức, đồng chí Hoàng Quốc Việt thôi Ủy viên Bộ Chính trị, đồng chí Hồ Viết Thắng ra khỏi Ban Chấp hành Trung ương Đảng… Gần đây, với trách nhiệm người đứng đầu khi để cấp dưới sai phạm, không ít cán bộ cấp cao của Đảng, Nhà nước cũng đã xin từ chức và được Trung ương đồng ý. Nhắc lại để thấy, việc thành thật, tự giác, thẳng thắn nhận trách nhiệm đối với những sai lầm, khuyết điểm của bản thân là điều vô cùng quan trọng. Đó là biểu hiện của bản lĩnh, của đạo đức cách mạng, của lòng tự trọng và sự trung thực. Đồng thời, tự giác nhận khuyết điểm cũng là một “liều thuốc” để mỗi đảng viên không ngừng hoàn thiện chính mình, chủ động khắc phục, sửa chữa những lỗi sai; là chất keo để kết dính, củng cố đoàn kết nội bộ.

Trong quy định về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp, Ban Bí thư yêu cầu mỗi đảng viên “khi có khuyết điểm phải nhận khuyết điểm và phải có kế hoạch sửa chữa”, “không tranh công, đổ lỗi, né tránh, đùn đẩy trách nhiệm, khuyết điểm cho người khác”, “cán bộ có chức vụ càng cao càng phải gương mẫu”. Dám nhận khuyết điểm là hành động dũng cảm, thể hiện bản lĩnh, tư cách của người đảng viên chân chính, là điều kiện để Đảng ngày càng vững mạnh hơn. Ngược lại, những đảng viên “tranh công, đổ tội” là mầm mống bất ổn, làm suy yếu sức mạnh của Đảng, cần phải nghiêm khắc chấn chỉnh, thậm chí là xử lý. Cuối cùng, xin nhắc lại lời dạy của Bác: “Nếu mỗi cán bộ, mỗi đảng viên làm việc đúng hơn, khéo hơn, thì thành tích của Đảng còn to tát hơn nữa. Cán bộ và đảng viên làm việc không đúng, không khéo thì còn nhiều khuyết điểm. Khuyết điểm nhiều thì thành tích ít. Khuyết điểm ít thì thành tích nhiều. Đó là lẽ tất nhiên. Vì vậy, ngay từ bây giờ, các cơ quan, cán bộ, đảng viên, mỗi người mỗi ngày phải thiết thực tự kiểm điểm và kiểm điểm đồng chí mình. Hễ thấy khuyết điểm phải kiên quyết tự sửa chữa và giúp đồng chí mình sửa chữa. Có như thế, Đảng mới chóng phát triển, công việc mới chóng thành công”.

Anh Tú

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/542/158076/khong-dun-day-ne-tranh-trach-nhiem