Không được bán tại chỗ, hàng quán tìm cách xoay xở

Từ kinh nghiệm của các đợt dịch trước, nhiều chủ quán ăn tại TP.HCM nhanh chóng chuyển hướng kinh doanh nhằm thích ứng với dịch.

Từ 0 giờ ngày 31-5, TP.HCM thực hiện giãn cách xã hội toàn TP theo Chỉ thị 15 của Thủ tướng và theo Chỉ thị 16 đối với quận Gò Vấp và phường Thạnh Lộc (quận 12).

Trước đó, từ 0 giờ ngày 22-5, UBND TP.HCM cũng yêu cầu tạm dừng hình thức phục vụ tại chỗ đối với các hộ gia đình hoạt động cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, kinh doanh thức ăn đường phố; tăng cường hình thức bán hàng mang về, đặt hàng và thanh toán trực tuyến.

Các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống đã chuyển hướng kinh doanh để phù hợp với tình hình dịch bệnh. Việc nhanh chóng chuyển đổi hình thức bán hàng giúp nhiều quán ăn nhỏ tại TP.HCM vượt qua khó khăn trước mắt.

Chuyển sang bán online hoặc đóng cửa

Để duy trì hoạt động kinh doanh mà vẫn đảm bảo an toàn phòng chống dịch COVID-19, nhiều chủ quán chủ động áp dụng và đề nghị nhân viên, shipper tuân thủ các biện pháp 5K.

Theo ghi nhận của PV, trên đường Bắc Hải (quận Tân Bình, TP.HCM) trước đây nổi tiếng với chuỗi quán ăn san sát thì nay rất vắng vẻ. Bên cạnh một số hàng quán đóng cửa, một số quán ăn vẫn tiếp tục mở cửa và có dán biển thông báo “Chỉ bán mang về”, “Có bán mang về”, “Bán online qua các app”...

Quán cơm của chị Phượng chuyển sang bán online theo yêu cầu của TP để phòng chống dịch COVID-19. Ảnh: NGỌC LÀI

Quán cơm của chị Phượng chuyển sang bán online theo yêu cầu của TP để phòng chống dịch COVID-19. Ảnh: NGỌC LÀI

Quán bánh canh của anh Công ngoài bán mang về còn bán qua app đặt đồ ăn. Ảnh: NGỌC LÀI

Quán bánh canh của anh Công ngoài bán mang về còn bán qua app đặt đồ ăn. Ảnh: NGỌC LÀI

Chị Nguyễn Thị Trúc Phượng, chủ quán cơm bình dân trên đường Bắc Hải, cho biết với kinh nghiệm từ những đợt dịch trước, ngay khi có thông báo chỉ được phép bán mang về, quán đã chuyển qua bán online. Hiện tại, thu nhập của quán chủ yếu dựa vào đơn hàng từ các ứng dụng đặt đồ ăn online và bán cho khách mang về.

“Mặc dù quán tôi đã nhanh chóng chuyển hướng kinh doanh theo yêu cầu của TP nhưng lượng khách chủ yếu là mua qua các app, khách mua mang về ít. Dù doanh thu của quán giảm đến 50% nhưng chúng tôi vẫn cố gắng duy trì được, vì tình hình chung cả thôi” - chị Phượng nói.

Cũng kịp thời chuyển sang bán online nên quán bánh canh của anh Lê Công ở cư xá Phú Lâm (phường 13, quận 6) vẫn mở cửa trong khi các hàng quán quanh đó đã đóng cửa im ỉm.

Anh Công cho biết sau khi có thông báo của TP yêu cầu tạm dừng phục vụ tại chỗ và thực hiện giãn cách xã hội toàn TP, quán anh đã nhanh chóng chuyển sang bán mang về và bán qua các app. Thu nhập của quán có giảm nhưng vẫn trụ được, anh vẫn phải cố gắng để có tiền trả chi phí thuê mặt bằng, điện, nước…

“Quán tôi vậy mà còn đỡ, chứ một số hàng quán gần đây phải đóng cửa vì không liên kết bán qua các app. Theo kinh nghiệm của tôi từ đợt dịch trước thì lúc này, thu nhập chính của các quán chủ yếu từ bán online” - anh Công cho biết.

Cũng như quán ăn của chị Phượng, anh Công, nhiều hàng quán nhỏ tại TP.HCM đã chọn bán thêm kênh online. Trước quầy thức ăn của quán, ngoài tấm biển “Chỉ bán mang về”, chủ quán còn đăng ký liên kết các app đặt đồ ăn online để có thêm nhiều kênh bán hàng.

Shipper phải đứng giãn cách, đeo khẩu trang…

Quán cơm bình dân của chị Phượng trên đường Bắc Hải bán từ 8 giờ đến 20 giờ mỗi ngày, lượng shipper đến quán đông nhất vào các khoảng thời gian từ 11 giờ đến 14 giờ và từ 16 giờ đến 19 giờ. Để quán duy trì hoạt động thì nhân viên phải tuân thủ nghiêm các yêu cầu phòng chống dịch từ trước khi bước vào quán làm việc như rửa tay sát khuẩn, đeo khẩu trang, giữ khoảng cách...

Trực tiếp tiếp xúc với khách và shipper nên các nhân viên luôn tuân thủ việc đeo bao tay, khẩu trang và thường xuyên rửa tay sát khuẩn.

Vừa chuẩn bị cơm cho shipper và khách mang đi, chị Phượng luôn miệng nhắc nhở: “Mấy anh chị vui lòng đứng cách nhau khoảng 2 m và đeo khẩu trang giúp em”.

Một shipper có mặt tại quán chia sẻ: “Những ngày qua, tôi nhận được nhiều đơn đặt đồ ăn online hơn trước. Giờ cao điểm, chúng tôi chạy đến nhiều cửa hàng khác nhau và đều được chủ quán yêu cầu đảm bảo các biện pháp phòng dịch như đứng chờ đúng khoảng cách, đeo khẩu trang, rửa tay”.

Cũng theo anh Công, việc bán hàng hiện nay không chỉ mình mà khách đều phải tuân thủ các biện pháp phòng chống dịch. Các shipper, khách mua về đều được yêu cầu đứng chờ theo hướng dẫn của quán, đảm bảo giãn cách.

“Tôi thấy những lúc này, không chỉ những người kinh doanh gặp khó khăn mà chính quyền và nhiều cơ quan chức năng cũng phải hoạt động hết công suất để phòng chống dịch. Vì vậy, để phòng dịch tốt, mọi người cùng chia sẻ, chịu khó khăn một chút mà tốt cho cả cộng đồng, chứ mà để dịch bệnh lây lan thì bán online cũng không xong, chết đói” - anh Công cho biết.•

Không bán online, thu nhập giảm 70%

Tôi cũng lớn tuổi và như nhiều chủ quán khác không biết bán online nên thu nhập giảm sút rất nhiều. Quán tôi đã bán được hơn 10 năm nhưng bây giờ thu nhập chỉ còn trông chờ vào khách hàng quen biết, mua mang về.

Tôi cũng tìm hiểu để liên kết các app đặt đồ ăn trên mạng nhưng lo ngại chiết khấu cao, bán không có lời lãi bao nhiêu. Nếu mình tăng giá thì cũng khó bán cho khách, nhất là trong dịp này. Tôi có hỏi dò quanh thì được biết những quán có bán online thu nhập giảm khoảng 30%-50%, còn như quán tôi thì giảm đến 70%. Đợt dịch trước, chủ nhà đã tạo điều kiện giảm tiền thuê nhà, không biết đợt này thế nào nên cũng rất lo.

ĐỖ TH LIU, bán quán cháo gà ở phường 6, quận Tân Bình, TP.HCM

Nguồn PLO: https://plo.vn/ban-doc/khong-duoc-ban-tai-cho-hang-quan-tim-cach-xoay-xo-989279.html