Không được bồi thường vì hết thời hiệu: Ai thấu cho nỗi khổ của người bị oan!
Một người mang thân phận bị can 38 năm đã chịu nhiều đắng cay, tủi nhục; họ cần được đối xử công bằng. Các cơ quan tiến hành tố tụng có thể linh hoạt hơn để việc thực thi và áp dụng luật thấu lý đạt tình.
Ông Trịnh Dân Cường (ngụ quận 6, TP.HCM) kiện VKSND quận 6 để yêu cầu xin lỗi công khai và bồi thường thiệt hại do cơ quan này đã phê chuẩn lệnh bắt, khởi tố khiến ông bị giam oan 21 tháng 4 ngày.
Ông Cường cũng yêu cầu cơ quan này ra quyết định đình chỉ điều tra đối với ông. Gần 40 năm ông chờ đợi nhưng đến nay ông vẫn chưa được nhận quyết định này.
VKS quận 6 đã từ chối bồi thường cho ông. VKS viện dẫn Điều 19 Nghị quyết 388/2003 của Ủy ban thường vụ Quốc hội và Điều 5 Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước năm 2009, đồng thời cho rằng bản án phúc thẩm năm 1990 của Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại TP.HCM (nay là TAND Cấp cao tại TP.HCM) đã xác định ông bị oan... để không chấp nhận yêu cầu của ông do "đã hết thời hiệu yêu cầu bồi thường".
Có thể, những căn cứ mà VKS đưa ra để chứng minh đã hết thời hiệu để ông Cường yêu cầu bồi thường là không sai.
Tuy nhiên, xét về nguyên tắc nhân đạo trong pháp luật hình sự, nếu lấy lý do đã hết thời hiệu mà từ chối giải quyết các yêu cầu của ông Cường là không công bằng đối với ông. Bởi lẽ thực tế ông Cường đã bị bắt giam oan 21 tháng 4 ngày; đã và đang mang thân phận bị can suốt 38 năm qua; hiện vẫn chưa được bù đắp tổn thất sức khỏe và tinh thần.
Xét hoàn cảnh của ông Cường, những tháng ngày sau khi được trả tự do, ông Cường lái xe ôm, đạp xích lô; cuộc sống rất khó khăn, không còn sức lao động. VKS quận 6 cũng đã xác minh và nhận thấy hoàn cảnh của ông đúng là như vậy.
Ông Cường là người dân, mà không phải người dân nào cũng có thể nắm rõ các quy định và quy trình pháp luật tố tụng, đặc biệt là các quy định liên quan đến vấn đề bồi thường thiệt hại do bị oan trong tố tụng hình sự. Do đó, nhiều trường hợp đã chậm trễ trong yêu cầu bồi thường cũng như các yêu cầu pháp lý khác để bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình. Đơn cử như vụ ông Nguyễn Văn Hải ở Tiền Giang khi xưa bị oan tội giết người, cũng do không hiểu quyền của mình mà chậm yêu cầu rồi mất luôn quyền được xin lỗi và bồi thường oan. Báo Pháp Luật TP.HCM từng phản ánh trường hợp của ông Hải.
Trong khi đó, cơ quan tiến hành tố tụng chắc chắn biết rõ quy định pháp luật và cần có hướng dẫn để ông Cường tiến hành các thủ tục cần thiết. Văn bản pháp luật về bồi thường cho người bị thiệt hại trong hoạt động tố tụng hình sự có hiệu lực tại thời điểm ông Cường được xác định bị oan là Nghị quyết 388/2003 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Nghị quyết này quy định cơ quan tiến hành tố tụng phải chủ động xin lỗi, cải chính công khai chứ không phải chờ người bị oan yêu cầu và phải tự đi thu thập tài liệu, chứng cứ.
Đối với trường hợp của ông Cường, phía Công an quận 6 không thi hành quy định theo mục 3 chương II Thông tư liên Bộ Công an - VKSND Tối cao số 427 ngày 28-6-1963 quy định tạm thời một số nguyên tắc về quan hệ công tác giữa VKSND Tối cao và Bộ Công an để ra quyết định đình chỉ bị can đối với ông mà cho rằng thời điểm đó quyết định trả tự do là quyết định cao nhất. Còn VKS quận 6 cho rằng ông Cường xác định là bị oan từ bản án phúc thẩm nhưng ông không có yêu cầu bồi thường nên đã hết thời hiệu. Và cuối cùng là đến nay ông Cường vẫn chưa được nhận quyết định đình chỉ bị can. Việc không được minh oan đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống, sức khỏe, tương lai, hạnh phúc của ông Cường.
Xét cho cùng, pháp luật nhằm bảo vệ quyền lợi chính đáng cho công dân. Cơ quan chức năng tiến hành tố tụng là người thực thi pháp luật để vận hành pháp luật vào đời sống, giải quyết các vấn đề phát sinh trong đời sống. Một người mang thân phận bị can 38 năm đã chịu nhiều đắng cay, tủi nhục. Các cơ quan tiến hành tố tụng có thể bàn bạc thống nhất, linh hoạt hơn để việc thực thi và áp dụng pháp luật thấu tình đạt lý, tránh một người bị oan tiếp tục "oan lần hai" cứng nhắc theo luật định.
Nên chăng VKS quận 6 cần đề xuất, kiến nghị với cấp có thẩm quyền; rồi sau đó có thể đứng ra thay mặt nhà nước xin lỗi vì đã làm oan ông Cường 38 năm trước để ông Cường có chút niềm an ủi về tinh thần; đồng thời VKS đề xuất cấp trên xem xét để tìm kiếm cách thức bù đắp thiệt hại cho ông Cường, nhằm giải quyết những khó khăn mà ông đã gánh lấy từ lúc bị oan đến tận bây giờ.