Không được cầm tay lái sau khi uống rượu bia
Với 408/450 ĐBQH tán thành (84,3%), toàn bộ Luật Phòng chống tác hại của rượu, bia đã được Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV thông qua vào sáng 14/6, trước phiên bế mạc. Như vậy, khác với trước đây, pháp luật chỉ cấm người điều khiển phương tiện giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt mức quy định của pháp luật. Còn theo Luật Phòng chống tác hại của rượu, bia sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2020 này, nghiêm cấm người “điều khiển phương tiện giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn”.
Điều này cũng đồng nghĩa với việc nếu người điều khiển phương tiện tham gia giao thông chỉ cần “trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn” là đã vi phạm pháp luật, phải chịu sự chế tài của luật pháp. Theo dõi các phiên thảo luận của Quốc hội tại kỳ họp vừa qua cho thấy, sau nhiều tranh luận và cân nhắc, cuối cùng đề nghị của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã được đa số ĐBQH đồng thuận. Qua đó thể hiện quyết tâm của cơ quan lập pháp trước vấn nạn nhiều người điều khiển phương tiện tham gia giao thông sau khi uống rượu, bia đã gây ra những vụ tai nạn thương tâm, để lại nỗi đau chung cho gia đình và xã hội. Đây là quy định cực kỳ nghiêm khắc, tiến bộ và mang tính cảnh báo về mặt xã hội, khẳng định quan điểm nhất quán và tính quyết liệt của Quốc hội trong phòng ngừa tai nạn giao thông (TNGT) do sử dụng rượu, bia gây ra.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Việt Nam đứng thứ 2 trong khu vực Đông Nam Á về số người chết do va chạm trên đường, với tỉ lệ 26,1/100.000 người. Việt Nam cũng là quốc gia luôn có mặt ở top đầu về số người chết do TNGT liên quan đến rượu bia. Thống kê cho thấy, trong năm 2018 cả nước có hơn 24.970 người thiệt mạng vì TNGT. Còn vấn đề rượu, bia thì Việt Nam được ví “là một cường quốc về sử dụng rượu, bia”; đứng thứ hai khu vực Đông Nam Á, thứ 10 châu Á và thứ 29 trên thế giới về tiêu thụ rượu, bia (theo Bộ Y tế). Và rượu bia và TNGT dường như có liên quan mật thiết với nhau.
Tại các bệnh viện, đa số những nạn nhân nhập viện do TNGT bởi sử dụng rượu, bia hoặc trước đó có sử dụng rượu, bia rồi điều khiển phương tiện tham gia giao thông. Cũng theo công bố của WHO, ít nhất 40% số nạn nhân TNGT do người điều khiển phương tiện vi phạm nồng độ cồn gây ra. Còn theo Ban An toàn giao thông Phú Yên, những năm gần đây, mặc dù số TNGT có giảm ở cả 3 mặt nhưng bình quân mỗi năm toàn tỉnh xảy ra trên dưới 150 vụ TNGT, gây thương vong cho trên 200 người. Riêng 5 tháng đầu năm 2019, xảy ra 68 vụ, làm chết 22 người, bị thương 57. Hầu hết các vụ TNGT đều xảy ra ở lứa tuổi lao động và xuất phát từ nguyên nhân chủ quan của người tham gia giao thông, trong đó trên 50% số vụ liên quan đến rượu bia.
Mặc dù quy định xử phạt vi phạm nồng độ cồn đã được đưa vào Luật Giao thông đường bộ hiện hành, tuy nhiên tính răn đe và hiệu quả mang lại không cao do thói quen uống rượu bia của người dân khá phổ biến. Đặc biệt vào mỗi dịp lễ, Tết, những kỳ nghỉ dài ngày là cơ hội để nhiều người, nhất là thanh niên tụ tập “chén tạc chén thù”. Và tất nhiên, hậu quả của những cuộc nhậu “không say không về” đó là những hành vi khó kiểm soát do đã say xỉn điều khiển phương tiện tham gia giao thông dẫn đến những tai nạn thương tâm. Theo Phòng Cảnh sát giao thông Công an Phú Yên, tình trạng người điều khiển phương tiện vi phạm nồng độ cồn xảy ra khá nhiều, đặc biệt là trên các tuyến đường gần các nhà hàng, quán ăn. Hầu hết người vi phạm đều viện lý do gặp bạn bè, tiệc tùng nên “quá chén”. Từ đầu năm 2019 đến nay, lực lượng cảnh sát giao thông đã phát hiện và xử lý hàng trăm trường hợp vi phạm nồng độ cồn khi điều khiển phương tiện lưu thông trên đường.
Vì vậy, với quy định nghiêm khắc có tính răn đe của Luật Phòng chống tác hại của rượu bia vừa được Quốc hội thông qua, hy vọng sẽ làm giảm đáng kể số người vi phạm và số vụ TNGT trong thời gian tới. Từ nay đến ngày luật này có hiệu lực thi hành là hơn 6 tháng, các cơ quan chức năng, trực tiếp là Bộ Công an cần tham mưu Chính phủ sửa đổi, bổ sung quy định về xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, trong đó cần tăng chế tài, xử phạt nghiêm các trường hợp sử dụng rượu bia, ma túy và các chất kích thích khác khi điều khiển phương tiện giao thông. Các cấp, các ngành tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền, giáo dục, phổ biến pháp luật để nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi tham gia giao thông của cộng đồng, đặc biệt là với thanh niên. Tất cả mọi người, dù là tài xế xe tải, xe khách hay mô tô, xe máy, xe đạp điện… không được cầm tay lái sau khi đã uống rượu bia.
Chỉ có làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục và có chế tài nghiêm khắc thì người điều khiển phương tiện tham gia giao thông mới không dám vi phạm, luật này mới thực sự đi vào cuộc số