Không được chủ quan khi COVID-19 đang bùng phát trở lại ở nhiều nước
COVID-19 đang bùng phát trở lại ở Trung Quốc và một số quốc gia, nên Việt Nam cần hết sức cẩn trọng vì chúng ta vẫn đang đối mặt với nguy cơ bùng phát dịch
Ngày 15/6, các đại biểu Quốc hội tiếp tục phiên thảo luận trên hội trường về tình hình kinh tế xã hội và ngân sách Nhà nước. Sau một ngày thảo luận về nội dung này hôm 13/6, đã có 40 đại biểu phát biểu ý kiến, 9 đại biểu tham gia tranh luận, 59 đại biểu đăng ký nhưng chưa đến lượt phát biểu. Phó thủ tướng Vũ Đức Đam và Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường, Bộ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện đã tham gia phát biểu.
Điều hành phiên thảo luận, Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nhận định phát biểu của các đại biểu Quốc hội khá sôi nổi, chất lượng, tranh luận rất thẳng thắn, mang tính xây dựng. Tuy nhiên, cũng có ý kiến trùng nhau. Để các đại biểu có thể phát biểu hết, Đoàn Chủ tịch đề nghị trong ngày 15/6, các đại phát biểu không quá 5 phút, tranh luận không quá 2 phút. Các bộ trưởng tham gia phát biểu không quá 7 phút, cố gắng tập trung vào các nội dung còn ít được đề cập để thảo luận toàn diện, đầy đủ và có chất lượng.
Đề xuất lắp đặt camera ở đường mòn, lối mở chống COVID – 19
Một vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm, phát biểu đó là công tác tiếp tục chống dịch COVID -19. Các đại biểu bày tỏ lo ngại nếu mở cửa trở lại cho khách từ nước ngoài đến Việt Nam sẽ có thể mang theo mầm bệnh vào nội địa.
Đại biểu Nguyễn Lân Hiếu (An Giang) dẫn chứng sự bùng phát COVID -19 trở lại ở Trung Quốc và một số quốc gia, đề nghị cần hết sức cẩn trọng vì chúng ta vẫn đang đối mặt với nguy cơ bùng phát dịch, cần tiến hành biện pháp để khẳng định nguy cơ ở Việt Nam không thể dữ dội như các nước khác, cần làm nghiên cứu miễn dịch cộng đồng để khẳng định sự an toàn ở Việt Nam hay quy trình nhập cảnh khách quốc tế vào phải hết sức chặt chẽ, tuân theo quy định kiểm dịch, phối hợp với các nước làm xét nghiệm kháng thể cho các khách muốn nhập cảnh để khách không mang dịch vào nội địa.
Cùng quan điểm trên, đại biểu Nguyễn Tạo (Lâm Đồng) cũng cho rằng cần cảnh giác với việc dịch COVID -19 có thể quay trở lại, không được lơ là, chủ quan trong công tác chống dịch.
Đại biểu Dương Ngọc Hà (Hà Giang) nêu trong thời gian giãn cách xã hội, công tác cách ly, quản lý đường biên giới ở các tỉnh miền núi phía Bắc như Hà Giang khó khăn, phức tạp. Bà cho rằng các khu vực này địa hình hiểm trở, giao thông khó khăn, cán bộ tuyến đầu chống dịch phải rải quân ở các đường mòn, lối mở, cửa khẩu.
Đại biểu đề xuất trong công tác quản lý, giám sát cần được đầu tư thêm camera quan sát tại các khu vực trọng yếu, trọng điểm, hay xây dựng các chốt cứng cho biên phòng ở đường biên sẽ tiết kiệm được sức người, sức của. Bên cạnh đó, quốc lộ 279 đi qua 10 tỉnh miền núi, có vị trí quan trọng, chiến lược.
Dự án được triển khai phê duyệt rất lâu nhưng chưa hoàn thành. Đại biểu kiến nghị Chính phủ sớm giải ngân vốn cho kế hoạch đầu tư công trung hạn 2016-2020 để thực hiện 24 dự án trong đó có dự án này.
Đề nghị xử lý nghiêm việc trục lợi từ hỗ trợ phòng chống COVID-19
Đại biểu Tô Văn Tám (Kon Tum) cho rằng cần phân tích, đánh giá sâu thêm về chất lượng tăng trưởng GDP và tính bền vững, cụ thể như vấn đề cần phân tích như giải quyết việc làm, môi trường, năng suất lao động, sử dụng hiệu quả vốn đầu tư công…
Thứ hai, đại biểu Kon Tum nhắc đến vấn đề trục lợi từ những biện pháp, gói hỗ trợ phòng chống dịch Covid-19. Ông Tám đề nghị xử lý nghiêm khắc các hành vi này.
Thu hút doanh DN ngoài nhưng không bỏ quên DN trong nước
Đại biểu Bùi Thanh Tùng (Hải Phòng) đánh giá thời điểm sau dịch, cả nước cần ưu tiên cao việc khôi phục phát triển kinh tế, nhất là các dự án đầu tư công, đầu tư của doanh nghiệp. Mặc dù các doanh nghiệp (DN) nước ngoài, đa quốc gia trong thời gian quan được “trải thảm đỏ”, nhưng các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong nước vẫn vướng mắc bởi các thủ tục phức tạp, kéo dài. Do đó, đại biểu đề nghị quan tâm thu hút DN nước ngoài nhưng không bỏ quên doanh nghiệp trong nước.
"Dọn tổ cho đại bàng, thì cũng nên rắc thóc cho chào mào, chim sẻ" - đại biểu nêu trực trạng nhiều doanh nghiệp mất trung bình 3-4 năm cho việc chạy lòng vòng và bước qua các thủ tục này khiến họ cảm thấy hụt hơi, nản chí. Qua đó, ông nhấn mạnh cần tạo niềm tin về sự công bằng cho cộng đồng doanh nghiệp trong nước, góp phần nhanh chóng khôi phục nền kinh tế.
Ủng hộ các chính sách hỗ trợ tín dụng cho các đối tượng ảnh hưởng bởi dịch COVID - 19, đại biểu Bùi Thanh Tùng đề nghị Chính phủ nghiên cứu, mở rộng nhóm được hưởng hỗ trợ như học sinh, sinh viên, hộ có mức sống trung bình, thu nhập thấp…Vấn đề nữa đại biểu đề cập là triển khai Luật Quy hoạch hiện nay còn nhiều vướng mắc, nhiều quy hoạch có tính chất “gối đầu” cho giai đoạn 2021-2025 chưa triển khai khiến các dự án hạ tầng xã hội quan trọng cũng bị kéo chậm theo. Ông đề nghị Chính phủ sớm có chỉ đạo về vấn đề này.