Không được chủ quan với sốt xuất huyết
Sốt xuất huyết ở Nghệ An đã có những diễn biến phức tạp. Nếu người dân vẫn còn chủ quan, coi thường bệnh, hậu quả sẽ khó lường. Và ngành y tế còn rất nhiều việc phải làm...
Ca bệnh nặng do sốt xuất huyết
Tỉnh Nghệ An đã ghi nhận 1 trường hợp mắc sốt xuất huyết (SXH) biến chứng nặng. Đó là trường hợp của cô giáo L.T.L – xã Diễn Ngọc, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An (Diễn Ngọc là ổ dịch SXH của tỉnh Nghệ An). Sau một thời gian điều trị ở huyện không đỡ, chị L.T.L đã được chuyển vào Bệnh viện Hữu nghị đa khoa tỉnh Nghệ An tỉnh để điều trị.
Tuy nhiên, sau 1 tuần điều trị tích cực, bệnh tình chị tiếp tục diễn biến nặng, chiều hướng xấu hơn: Thân nhiệt hạ, tứ chi tê liệt, người đau mỏi, liệt dần các cơ trên mặt... Các bác sĩ và gia đình đã thống nhất chuyển cô giáo L ra bệnh viện tuyến Trung ương ở Hà Nội để được cấp cứu. Tại đây, qua xét nghiệm, các bác sĩ chẩn đoán: chị L bị viêm đa rễ dây thần kinh cấp tính do sốt xuất huyết biến chứng nên máu bị nhiễm độc; yêu cầu phải lọc máu nhiều lần...
Sau 3 lần lọc máu tích cực, chị L. đã may mắn thoát khỏi bàn tay của “tử thần”, sức khỏe hồi phục dần. Đến nay, chị L. đã có thể đi lại và sinh hoạt bình thường. Theo các bác sĩ: Việc chị L. hồi phục là một sự kỳ diệu bởi bệnh tình rất nặng.
Viêm đa rễ dây thần kinh cấp tính còn có tên gọi khác là hội chứng Guillain Barre, đây là một bệnh lý diễn tiến nặng, khó dự đoán có thể dẫn đến suy hô hấp, ngừng tim khi các dây thần kinh chi phối tương ứng bị tổn thương và dẫn đến tử vong.
Bệnh thường khởi phát sau khi bị nhiễm trùng khoảng vài tuần. 10% các trường hợp tồn tại di chứng thần kinh suốt đời. Viêm đa rễ dây thần kinh cấp tính chỉ là một trong những bệnh lý do sốt xuất biến chứng mang lại.
Sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus Dengue gây ra, có thể gây thành dịch. Virus Dengue xâm nhập từ người bệnh sang người lành thông qua vết muỗi đốt từ muỗi vằn truyền bệnh có tên khoa học là Aedes aegypti và Aedes albopictus, trong đó chủ yếu là do Aedes aegypti.
Nhiều bệnh nhân mắc sốt xuất huyết ở thể nặng có thể bị suy thận, tổn thương gan, trụy mạch, tụt huyết áp, sốc, suy tim, suy thận. Với hội chứng sốc Dengue, bệnh nhân sốt xuất huyết có thể bị chấm xuất huyết ngoài da, chảy máu cam, chảy máu chân răng, vết bầm tím, nôn ra máu, đi cầu phân đen, đau bụng, buồn nôn, chân tay lạnh, người vật vã, hốt hoảng, ứ dịch ở khoang màng phổi và ổ bụng nhiều, nếu không được cấp cứu và điều trị kịp thời có thể dẫn đến tử vong.
Người dân thờ ơ với dịch bệnh
Ở Nghệ An, dịch SXH đang tồn tại nhiều “ổ dịch” cũ lưu hành như: Diễn Châu, Quỳnh Lưu và Hoàng Mai. Trong nhiều địa phương từng có dịch sốt xuất huyết thì đáng lưu ý hơn cả là ở 2 “ổ dịch” cũ xã Diễn Ngọc, Diễn Bích (Diễn Châu) – nơi cô giáo L.T.L công tác. Tại 2 xã này, SXH liên tục tái lặp, tái phát, năm nào cũng có hàng trăm người mắc.
Theo Sở Y tế Nghệ An, từ trước đến nay, Trung tâm kiểm soát bệnh tật và huyện Diễn Châu đã rất chú trọng, quyết liệt dập dịch SXH ở 2 “ổ dịch” ở xã Diễn Ngọc và xã Diễn Bích. Nhiều biện pháp đã được ngành y tế và chính quyền địa phương quyết liệt triển khai: Từ việc thực hiện tuyên truyền nâng cao nhận thức về bệnh SXH cho người dân; phát động và tổ chức các phong trào vệ sinh môi trường, loại bỏ nơi muỗi đẻ trứng, diệt bọ gậy, phun thuốc diệt muỗi trưởng thành...
Theo báo cáo của Trung tâm Y tế huyện Diễn Châu: Từ ngày 2/9 đến cuối tháng 11/2020, hai xã Diễn Ngọc và Diễn Bích có 95 ca sốt xuất huyết, trong đó, điều trị khỏi 91 ca và hiện tại còn 4 ca đang điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Diễn Châu (3 ca ở Diễn Ngọc, 1 ca ở Diễn Bích)... Dịch vẫn diễn biến theo chiều hướng phức tạp, số người mắc không ngừng tăng lên.
Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng sốt xuất huyết tái lặp ở xã Diễn Ngọc, Diễn Bích song tựu trung lại vẫn là sự kém ý thức của người dân.
Trao đổi với Phóng viên Báo Sức khỏe&Đời sống, BS Chu Minh Thọ - Trạm trưởng Trạm Y tế xã Diễn Bích cho hay: SXH đang là một bài toán nan giải ở các xã ven biển Diễn Bích hay Diễn Ngọc và các xã vùng bãi ngang khi mà mầm bệnh sẵn có tại các địa phương, dân cư đông đúc, nhà cửa san sát, hệ thống thoát nước kém, ý thức giữ gìn vệ sinh của người chưa tốt. Tính chủ động của người dân trong việc tham gia phòng bệnh sốt xuất huyết chưa cao.
Nhiều hộ dân còn có thói quen sử dụng dụng cụ chứa nước để sinh hoạt nhưng lại không lau rửa thường xuyên nên dân đến đây là nơi sinh sản cho bọ gậy. Trong nhà, ngoài vườn vẫn còn những chai lọ, bể, chậu chứa nước trồng cây cảnh để không, tạo điều kiện cho bọ gậy phát triển. Khi các lực lượng tổ chức phát động dọn dẹp thì tất cả phong quang, sạch đẹp thế, nhưng ngày hôm sau quay lại thì tất cả gần như trở lại như cũ, rác thải, lon bia, ống bơ lại tràn ngập”.
Mới đây, Trung tâm kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh Nghệ An đã tiến hành đi kiểm ta giám sát tại xã Diễn Ngọc, và Diễn Bích, huyện Diễn Châu cho thấy các chỉ số véc-tơ vượt mức cảnh báo dịch. “Chúng tôi đã yêu cầu Trung tâm Y tế huyện phối hợp với Trạm Y tế Diễn Ngọc và Diễn Bích nhanh chóng triển khai các biện pháp khoanh vùng, dập dịch; tiến hành phun thuốc diệt muỗi, hóa chất khử khuẩn môi trường tại các ổ dịch, giảm mật độ loăng quăng, bọ gậy và yêu cầu phải duy trì được mức giảm”. BS Phạm Đình Tùng, Phó Giám đốc CDC Nghệ An cho biết.
“Do sốt xuất huyết chưa có vaccin phòng bệnh cũng như chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, nên biện pháp hữu hiệu nhất để phòng bệnh là diệt muỗi, vệ sinh môi trường, diệt loăng quăng, bọ gậy, phòng tránh muỗi đốt bằng ngủ màn, mặc quần áo dài tay, dùng hương xua muỗi…. Khi có các triệu chứng của sốt xuất huyết cần đến ngay cơ sở y tế để được thăm khám, điều trị. Tuyết đối không tự ý điều trị tại nhà để tránh các biến chứng nguy hiểm đến tính mạng. TS Nguyễn Văn Định, Giám đốc CDC Nghệ An khuyến cáo.
Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/bien-chung-do-sot-xuat-huyet-an-hoa-kho-luong-n183968.html