Không được đặt tên quá dài, khó sử dụng
Theo Thông tư 04/2020/TT-BTP ngày 28-5-2020 của Bộ Tư pháp quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Hộ tịch năm 2014 (Thông tư 04) và Nghị định 123/2015/NĐ-CP ngày 15-11-2015 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Hộ tịch năm 2014, việc đặt tên cho trẻ quá dài, khó sử dụng, không phù hợp với pháp luật và yêu cầu giữ gìn bản sắc dân tộc, tập quán, truyền thống văn hóa tốt đẹp của Việt Nam bị cấm.
Luật sư Ngô Văn Định, Phó giám đốc Trung tâm Tư vấn pháp luật, Hội Luật gia tỉnh cho hay, quy định trên sớm tháo gỡ cho người dân, cơ quan đăng ký hộ tịch trong quá trình giải thích, vận động, hướng dẫn người dân chọn tên con để đặt cho phù hợp, tránh cải chính khi gặp rắc rối sau này.
* Gặp rắc rối vì tên quá dài
Vì tên quá dài nên bà N.T.K.H.L.P. (ngụ H.Nhơn Trạch) gặp rắc rối trong việc mở thẻ tín dụng tại một chi nhánh ngân hàng ở H.Nhơn Trạch. Theo quy định của ngân hàng này, khi mở thẻ, độ dài tên của chủ thẻ tối đa 26 ký tự (kể cả khoảng trắng). Trong khi tên của bà P. tới 33 ký tự nên chi nhánh ngân hàng này không thể mở thẻ ngân hàng cho bà P. được. Trong khi công ty của bà P. chỉ trả lương qua tài khoản ngân hàng nên bà P. phải làm thủ tục cải chính hộ tịch với cái tên ngắn hơn là N.K.P.
Ông Trương Văn Thọ, cán bộ tư pháp - hộ tịch xã Long Thọ (H.Nhơn Trạch) cho biết, theo Bộ luật Dân sự năm 2015 thì cá nhân có quyền có họ, tên (bao gồm cả chữ đệm, nếu có). Việc đặt tên bị hạn chế trong trường hợp xâm phạm đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khác hoặc trái với các nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự quy định tại Điều 3 của bộ luật này. Tên của công dân Việt Nam phải bằng tiếng Việt hoặc tiếng dân tộc khác của Việt Nam; không đặt tên bằng số, bằng một ký tự mà không phải là chữ.
“Điều 3, Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định, việc xác lập, thực hiện, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự không được xâm phạm đến lợi ích quốc gia, dân tộc, lợi ích công cộng, quyền và lợi ích hợp pháp của người khác” - ông Thọ nhấn mạnh.
Tuy nhiên, trong quá trình gần 25 năm làm công tác tư pháp - hộ tịch xã, ông Thọ đã rất nhiều lần hướng dẫn, vận động người dân nên đặt lại tên cho trẻ làm sao không trái luật, thuần phong mỹ tục... nhằm tránh tâm lý mặc cảm, phiền phức, rắc rối dẫn tới cải chính hộ tịch sau này như trường hợp của bà N.T.K.H.L.P. Vì ở vùng nông thôn, nhiều trường hợp cha mẹ yêu cầu đặt tên cho con quá dài, tối nghĩa, tên tục...
* Thêm căn cứ để thay đổi hộ tịch
Theo hướng dẫn của Thông tư 04, họ, chữ đệm, tên của người được khai sinh phải ghi bằng chữ in hoa, có dấu. Việc xác định họ, dân tộc, đặt tên cho trẻ em phải phù hợp với pháp luật và yêu cầu giữ gìn bản sắc dân tộc, tập quán, truyền thống văn hóa tốt đẹp của Việt Nam; không đặt tên quá dài, khó sử dụng.
Luật sư Định cho rằng, quy định mới này sẽ giúp cá nhân và cơ quan có thẩm quyền có thêm căn cứ mới để thay đổi hộ tịch, cải chính tên khi tên quá dài, khó sử dụng. Vì trên thực tế, việc thay đổi hộ tịch, cải chính tên khi tên quá dài, khó sử dụng còn chung chung.
Cụ thể như Luật Hộ tịch năm 2014 quy định, căn cứ để cá nhân yêu cầu đổi tên như: cá nhân có quyền yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền công nhận việc thay đổi tên theo yêu cầu của người có tên mà việc sử dụng tên đó gây nhầm lẫn, ảnh hưởng đến tình cảm gia đình, đến danh dự, quyền, lợi ích hợp pháp của người đó. Còn Nghị định 123/2015/NĐ-CP thì quy định, cải chính hộ tịch theo quy định của Luật Hộ tịch năm 2014 là việc chỉnh sửa thông tin cá nhân trong sổ hộ tịch hoặc trong bản chính giấy tờ hộ tịch và chỉ được thực hiện khi có đủ căn cứ để xác định có sai sót do lỗi của công chức làm công tác hoặc theo yêu cầu của cá nhân.
Tuy nhiên, theo luật sư Định, trong Thông tư 04 vẫn còn chỗ đáng lưu ý như: thế nào là tên quá dài, tên thế nào là khó sử dụng. Một khi hiểu không đúng sẽ dẫn tới trở ngại cho quyền có họ, tên (bao gồm cả chữ đệm) theo ý muốn của cha mẹ khi khai sinh cho con và người có họ tên quá dài đó sau này lớn lên thực hiện các giao dịch dân sự gặp rắc rối.
“Theo tôi, rắc rối của tên quá dài ở chỗ do các biểu mẫu giấy tờ chừa phần ghi họ, tên, chữ đệm quá ngắn. Điều này dẫn tới việc cán bộ điền không đủ họ, tên, chữ đệm nên viện cớ là tên khó sử dụng. Do đó, theo tôi thì tất cả giấy tờ, biểu mẫu nên có 3 cột: họ, chữ đệm, tên riêng biệt để cá nhân điền vào. Ví dụ: Nguyễn Ngọc Thúy Nga Ngọc Ngà thì phần họ ghi Nguyễn; phần chữ đệm ghi Ngọc Thúy Nga Ngọc; phần tên ghi Ngà thì mọi việc sẽ trở thành đơn giản, không bàn cãi nữa” - luật sư Định kiến nghị.