Không được phân biệt đối xử với người tiếp cận tín dụng

Các sản phẩm, dịch vụ, tài chính mới dựa trên đổi mới sáng tạo và ứng dụng công nghệ số nhưng cũng đi kèm rủi ro, đòi hỏi khuôn khổ pháp lý cần được nhanh chóng bổ sung

Sáng 1-7, Chuyên trang Sài Gòn Đầu tư Tài chính của Báo Sài Gòn Giải phóng đã phối hợp với Viện Chiến lược Phát triển Kinh tế số (IDS) đã tổ chức tọa đàm "Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia - con đường tiếp cận vốn mới của doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ Việt Nam".

Tiến sĩ Trần Văn, Viện trưởng Viện Chiến lược Phát triển Kinh tế số (IDS), cho biết chiến lược tài chính toàn diện quốc gia là công cụ bảo đảm công bằng tiếp cận nguồn lực xã hội. Việc thiết kế các chính sách, giải pháp, công cụ để thực hiện mục tiêu phát triển đồng đều giữa các vùng miền, các tầng lớp dân cư, các thành phần kinh tế, đặc biệt là đối với những đối tượng yếu thế trong xã hội là mục tiêu của "Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030" mà Chính phủ đã phê duyệt tại Quyết định số 149/QĐ-TTg/2020.

Toàn cảnh tọa đàm

Toàn cảnh tọa đàm

Theo ông Nguyễn Nhật, Phó Tổng Biên tập Báo Sài Gòn Giải phóng, các sản phẩm, dịch vụ, tài chính mới dựa trên đổi mới sáng tạo và ứng dụng công nghệ số nhưng cũng đi kèm rủi ro, đòi hỏi khuôn khổ pháp lý cần được nhanh chóng bổ sung.

"Việc tiếp cận dịch vụ tài chính chính thức của người dân, nhất là người nghèo, thu nhập thấp, sống ở khu vực nông thôn, vùng sâu xa vẫn còn có khoảng trống trong việc cung ứng những sản phẩm dịch vụ tài chính, theo đúng nghĩa là mục tiêu tài chính toàn diện" - Phó Tổng biên tập Nguyễn Nhật nhận định.

Cùng quan điểm này, Tiến sĩ Nguyễn Đức Kiên, Nguyên Tổ trưởng tổ Tư vấn Kinh tế của Thủ tướng Chính phủ, cho rằng các tổ chức tài chính, tín dụng truyền thống dường như vẫn chưa bao phủ nhanh đến tất cả các nhóm đối tượng sử dụng dịch vụ, đặc biệt là người thu nhập thấp, người dân ở các khu vực vùng sâu, vùng xa…

Theo GS- TS Trần Ngọc Thơ, Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính Tiền tệ Quốc gia, cần có giáo dục về tài chính cho phía người có nhu cầu, để họ biết hoạch định kế hoạch vay, trả nợ…. Đặc biệt, cần có sự bình đẳng trong tiếp cận vốn. Mọi người dân và doanh nghiệp phải được tiếp cận sản phẩm tài chính phù hợp nhu cầu với chi phí hợp lý, toàn diện. Vì nếu không có lãi suất tín dụng tốt, không có tài sản thế chấp thì khó bình đẳng.

"Tín dụng trắng là quyền mà người yếu thế cần có khi tiếp cận vốn. Như ở Mỹ, các ngân hàng không phân biệt đối xử với người tiếp cận tín dụng. Định chế tài chính nào vi phạm sẽ bị tẩy chay. Ở Việt Nam cần thiết lập bộ luật này để tương lai chiến lược phát triển tài chính toàn diện mới có cơ sở pháp lý áp dụng" - GS- TS Trần Ngọc Thơ

S. Nhung

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/khong-duoc-phan-biet-doi-xu-voi-nguoi-tiep-can-tin-dung-196240701150204588.htm