Không được sử dụng tài liệu hòa giải làm chứng cứ trong các vụ việc liên quan
Cơ quan, tổ chức, cá nhân không được sử dụng tài liệu, lời trình bày của các bên trong quá trình hòa giải, đối thoại làm chứng cứ trong quá trình giải quyết vụ việc theo quy định của pháp luật.
Chiều 16/6, với 90,27% tổng số đại biểu tán thành, Quốc hội đã thông qua Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án.
Các đại biểu Quốc hội nhấn nút biểu quyết thông qua Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án, chiều 16/6.
Điểm đáng chú ý trong Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án là quy định về việc bảo mật thông tin trong quá trình hòa giải.
Theo đó, hòa giải viên, các bên tham gia hòa giải, đối thoại; cơ quan, tổ chức, cá nhân khác được mời tham gia hòa giải, đối thoại không được tiết lộ thông tin mà mình biết được trong quá trình hòa giải, đối thoại.
Trong quá trình hòa giải, đối thoại không được ghi âm, ghi hình, ghi biên bản hòa giải, đối thoại. Việc lập biên bản chỉ được thực hiện để ghi nhận kết quả hòa giải, đối thoại. Hòa giải viên, các bên tham gia hòa giải, đối thoại chỉ được ghi chép để phục vụ cho việc hòa giải, đối thoại và phải bảo mật nội dung đã ghi chép.
Đặc biệt, cơ quan, tổ chức, cá nhân không được sử dụng tài liệu, lời trình bày của các bên trong quá trình hòa giải, đối thoại làm chứng cứ trong quá trình giải quyết vụ việc theo quy định của pháp luật.
Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án quy định nguyên tắc, chính sách của Nhà nước về hòa giải, đối thoại tại Tòa án; quyền, nghĩa vụ của Hòa giải viên tại Tòa án, các bên tham gia hòa giải, đối thoại tại Tòa án; trách nhiệm của Tòa án đối với công tác hòa giải, đối thoại; trình tự, thủ tục hòa giải, đối thoại; công nhận kết quả hòa giải thành, đối thoại thành tại Tòa án.
Hòa giải, đối thoại theo quy định của Luật này được thực hiện trước khi Tòa án thụ lý đơn khởi kiện vụ án về tranh chấp dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động; đơn yêu cầu công nhận thuận tình ly hôn; đơn khởi kiện vụ án hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự, Luật Tố tụng hành chính.
Về nguyên tắc hòa giải, đối thoại tại Tòa án, Luật quy định, các bên tự nguyện tham gia hòa giải, đối thoại; Tôn trọng sự tự nguyện thỏa thuận, thống nhất của các bên; không được ép buộc các bên thỏa thuận, thống nhất trái với ý chí của họ; Bảo đảm bình đẳng về quyền và nghĩa vụ giữa các bên tham gia hòa giải, đối thoại; Nội dung thỏa thuận hòa giải, thống nhất đối thoại không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội, không nhằm trốn tránh nghĩa vụ với Nhà nước hoặc cơ quan, tổ chức, cá nhân khác, không xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân khác...
Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2021.