Không được thừa hưởng nhà đất do vi phạm điều kiện di chúc
Do vi phạm điều kiện di chúc nên người cháu không được thừa hưởng tài sản nhà đất như nội dung di chúc.
TAND Cấp cao tại Đà Nẵng vừa xử phúc thẩm vụ tranh chấp di sản thừa kế giữa nguyên đơn là bà BTMN (trú Khánh Hòa) với bị đơn là bà NTKH (trú Phú Yên).
Bà N trình bày cha mẹ bà là ông BNA, bà MTM có một ngôi nhà gắn liền diện tích đất 555m2 tại huyện Tuy An (Phú Yên). Năm 2009, ông A chết không để lại di chúc.
Sau khi bà M chết (năm 2018), bà N mới biết năm 2016, bà M có lập di chúc để lại toàn bộ nhà và đất trên cho cháu là NTKH thừa kế với điều kiện phải chăm sóc bà M khi đau yếu và thờ cúng khi qua đời.
Từ năm 2016 đến khi chết, bà M hay ốm đau nhưng bà H không chăm sóc. Khi bà M chết, H không lo chôn cất. Việc chăm sóc và mai tháng cho bà M đều do bà N lo liệu.
Do đó, bà N khởi kiện yêu cầu tòa tuyên di chúc của bà M vô hiệu, đồng thời công nhận toàn bộ tài sản trên là di sản thừa kế của ông A, bà M để lại và chia di sản thừa kế theo quy định pháp luật.
Trong khi đó, bà H cho rằng di chúc của bà M đã được chứng thực nên hợp pháp. Khi bà M ốm đau, bà H lo cơm cháo, thuốc thang đầy đủ. Bà N đã lén chở bà M về Nha Trang, chưa được 15 ngày thì bà M chết.
Cũng theo bà H thì bà đã bị bà N cản trở không cho tham gia lo tang lễ cho bà M. Bà N tự xưng con nuôi của bà M nhưng không có tài liệu nào chứng minh nên không đủ điều kiện để khởi kiện.
TAND tỉnh Phú Yên xử sơ thẩm đã tuyên chấp nhận yêu cầu khởi kiện, tuyên hủy di chúc của bà M. Bà N được quyền thừa kế toàn bộ tài sản nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất trên.
Cạnh đó, bà N phải thanh toán cho bà H hơn 17,6 triệu đồng tiền công bảo quản di sản. Chi phí đo vẽ, xem xét thẩm định tại chỗ, định giá tài sản bà N phải chịu 10 triệu đồng.
Bà H kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm. Bà N kháng cáo khoản tiền bảo quản di sản và chi phí xem xét thẩm định tại chỗ, định giá tài sản.
HĐXX phúc thẩm nhận định căn cứ bản sao giấy khai sinh và xác minh của địa phương, có cơ sở xác định bà N là con của ông A, bà M nên có quyền khởi kiện.
Căn nhà là tài sản chung của ông A và bà M nên sau khi ông A chết, bà M tự ý lập di chúc định đoạt tài sản trên cho bà H mà không có sự đồng ý, thống nhất của những người thừa kế di sản của ông A là không đúng quy định của pháp luật.
Đồng thời, nội dung di chúc thể hiện việc tặng cho nhà đất tranh chấp là tặng cho có điều kiện. Cụ thể là bà H phải chăm sóc bà M khi đau yếu, thời thờ cúng khi qua đời.
Tuy nhiên, bà H thừa nhận sống chung với bà M từ năm 2012 đến 2017 thì bỏ về nhà mẹ đẻ. Như vậy, bà H đã vi phạm điều kiện của di chúc. Việc chăm sóc, tổ chức tang lễ đều do bà N thực hiện.
Do đó, tòa sơ thẩm hủy di chúc của bà M là đúng quy định của pháp luật. Do di chúc bị hủy bỏ nên nhà và đất là di sản của của ông A và bà M chưa chia và được chia thừa kế theo pháp luật.
Do chị em của bà T từ chối nhận di sản thừa kế và để lại phần di sản được hưởng cho bà N nên tòa sơ thẩm giao toàn bộ di sản cho bà N được hưởng là phù hợp.
Đối với kháng cáo của bà N, HĐXX cho rằng không có cơ sở chấp nhận. Từ đó, HĐXX tuyên giữ nguyên bản án sơ thẩm.
Nguồn PLO: https://plo.vn/khong-duoc-thua-huong-nha-dat-do-vi-pham-dieu-kien-di-chuc-post703759.html