Không ép mình phải sớm kết hôn
Lúc hơn 30 tuổi, vì sợ 'ế', Phương Thảo cố gắng tìm hiểu lần lượt 2 người, nhưng không có nhiều tình cảm nên chỉ 1-2 năm là kết thúc.
Khi con gái bước qua tuổi 30, cha mẹ Phương Thảo (38 tuổi, hiện sống tại TP Munich, Đức) hay kể với cô về gia đình bạn bè đã có dâu rể, con cháu để bồng bế.
Lúc đó, Thảo thấy hơi hoảng và bắt đầu ngó nghiêng tìm hiểu vài người. Cô cũng ép mình phải chú ý lời ăn tiếng nói, ngoại hình.
"Nhiều người nói tôi nên học cách chấp nhận", Thảo kể.
Có điều, mọi chuyện chẳng mấy suôn sẻ.
Hơn 4 năm nay, trừ lúc đi học và đi làm, Thảo dành phần lớn thời gian ở một mình.
Tương tự Phương Thảo, nhiều người chọn chưa yêu đương, chưa ràng buộc hôn nhân.
Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy tỷ lệ người độc thân tại Việt Nam có xu hướng tăng nhanh, từ 6,23% (năm 2004) lên 10,1% (năm 2019).
Theo kết quả nghiên cứu xu hướng lựa chọn giá trị về cuộc sống và gia đình của thanh niên hiện nay đăng trên Tạp chí Nghiên cứu Gia đình và Giới số tháng 2/2022, 55,3% (mẫu khảo sát trên 600 người trong độ tuổi 16-30) cho rằng tình yêu không nhất thiết phải đi đến hôn nhân; 59% quan niệm nếu thuận lợi thì lập gia đình, nếu không thì sống độc thân cũng được.
Có tới 40,7% cho là kết hôn muộn sẽ tốt hơn cho đời sống của mỗi cá nhân bởi quan niệm rằng kết hôn ở độ tuổi chín muồi, trưởng thành sẽ đảm bảo hạnh phúc và sự thành công nhiều hơn trong hôn nhân.
Xu hướng khách quan
Phương Thảo cho rằng nhiều người thường đặt nặng thứ gọi là “thanh xuân của con gái”. Nếu yêu ai đó vài năm hoặc đến 26-27 tuổi vẫn chưa cưới sẽ bị chê trách là phung phí tuổi trẻ.
"Khi tôi tới sống ở Đức, nhiều cặp đôi yêu nhau 10-20 năm vẫn là bạn trai, bạn gái. Bản thân tôi cũng chưa thấy mình sẵn sàng".
Giống Thảo và rất nhiều bạn gái khác, Mai Jolie Vu (32 tuổi, sống tại Hà Nội) khó lòng tránh được việc bị gia đình giục giã và áp lực khi chưa kết hôn.
Trước đây, Mai từng cố giải thích cô chưa gặp đúng người, vẫn muốn có thời gian tìm hiểu... nhưng nhận ra rằng rất khó thay đổi bố mẹ và người lớn trong nhà vì quan điểm của mỗi thế hệ mỗi khác.
Dần dần, mọi người cũng chán giục, còn Mai cảm thấy cuộc sống độc thân cũng rất ổn cho tới khi có một người đồng hành phù hợp.
Phần lớn thời gian của cô hiện tại là dành cho công việc và sở thích cá nhân.
TS Xã hội học, thạc sĩ trị liệu tâm lý Phạm Thị Thúy, giảng viên Học viện Hành chính quốc gia Phân viện TP.HCM, cho biết hiện tượng yêu sớm nhưng kết hôn muộn hoặc không kết hôn là xu hướng trên toàn thế giới, có cả nguyên nhân khách quan và chủ quan.
Trước tiên, sống trong xã hội càng hiện đại, người trẻ càng có nhiều cơ hội và nhu cầu phấn đấu cho sự nghiệp. Họ đầu tư nhiều thời gian để học, đi làm, kiếm tiền, trau dồi chính mình... hơn là chú tâm vào gia đình sớm như các thế hệ trước đây.
Nguyên nhân thứ hai là giới trẻ muốn được tự do. Họ không muốn bị ràng buộc, gánh vác trách nhiệm, nghĩa vụ của gia đình nên chưa vội kết hôn.
Nguyên nhân thứ ba là không ít người cảm thấy chưa sẵn sàng về mặt kinh tế, trách nhiệm làm cha, làm mẹ nên chưa dám nghĩ đến việc sinh ra và nuôi dạy một đứa trẻ.
Không ép mình phải kết hôn
Mai Jolie Vu cho rằng không có thước đo nào về độ tuổi cho nhiều vấn đề trong cuộc sống, nhất là việc kết hôn hay có con.
“Mọi việc do mỗi cá nhân lựa chọn và mong muốn, không phải những yếu tố bên ngoài tác động”, cô nói.
Nhưng theo Mai, để sống với tư duy độc lập như vậy cần phải nỗ lực nhiều.
TS Phạm Thị Thúy cho biết cha mẹ Việt Nam đang ở độ tuổi trung niên và cao niên vẫn có suy nghĩ con cái cần ổn định. Họ giục con cái lấy vợ, lấy chồng, thậm chí có những hành động rất gay gắt.
Xét về góc độ cá nhân, việc bắt ép là sai vì có kết hôn hay không và khi nào kết hôn là quyền của mỗi người.
Nhưng theo bà Thúy, ở một góc khác, xét rộng ra về nguồn nhân lực xã hội cũng là câu chuyện đáng báo động.
Các quốc gia phát triển đều đang có dân số già. Việt Nam, mặc dù đang có dân số vàng, nhưng theo nhiều dự báo, nước ta sẽ trở thành quốc có dân số già vào năm 2035 với tỷ lệ người cao tuổi khoảng 14%.
Do đó, nếu người trẻ không kết hôn và sinh con, khi dân số già đi, áp lực an sinh xã hội sẽ rất nặng, một đứa trẻ sẽ phải nuôi 2 bố mẹ với 4 ông bà.
“Dù vậy, không ai có quyền bắt ép mà chỉ có thể chia sẻ”, bà Thúy nói.
TS Phạm Thị Thúy cũng khuyên người trẻ đừng bao giờ vì áp lực của bất kỳ ai mà vội kết hôn. Việc lập gia đình phải dựa trên cơ sở tự nguyện, tình yêu, đủ tài chính, đủ trưởng thành về mặt tâm lý xã hội để có thể chịu trách nhiệm trước mái ấm nhỏ và nuôi dạy con cái.
Về phía chuyên gia tâm lý Lê Thị Tình Tuyết, Giám đốc chương trình Trí tuệ cảm xúc Capokids, bà cho rằng thực tế, kết hôn khi chưa có đủ trải nghiệm, chưa chuẩn bị tâm thế về tinh thần lẫn vật chất còn có thể dẫn đến sự đổ vỡ vì nhiều thứ chưa thể lường trước.
Dù vậy, bà lưu ý nên chú ý tới sức khỏe khi tới độ tuổi nhất định. Đặc biệt, dù muốn hay không, phụ nữ cũng có một số hạn chế về sức dẻo dai, nội tiết tố.
“Nếu thực sự có ý định kết hôn, mỗi người có thể đặt ra một số mục tiêu cơ bản về sự nghiệp, tài chính,... Chúng ta cũng nên suy xét tới việc chênh lệch tuổi tác giữa con cái và cha mẹ. Đây cũng là trở ngại trong việc nuôi dạy, về phương pháp hay sự thích ứng với con”, bà nói.
Với Phương Thảo, cuộc sống độc thân rất thú vị vì có cơ hội hiểu và phát triển bản thân, nhưng cô cũng tạo điều kiện cho mình gặp gỡ những người khác.
3 tháng gần đây, Thảo bắt đầu dùng ứng dụng hẹn hò và gặp mặt 2-3 người. Ngay cả khi chưa gặp đúng nửa kia, cô không còn sợ hãi hay hấp tấp như cách đây vài năm.
"Tôi cũng nói rõ với cha mẹ để mọi người hiểu mong muốn của mình, dù sao đây cũng là cuộc sống của tôi, tôi vẫn mong mình bước chậm rãi để có cơ hội tìm được đúng người", cô nói.
Nguồn Znews: https://lifestyle.zingnews.vn/khong-ep-minh-phai-som-ket-hon-post1443351.html