Không gì có thể cản bước tiến công nghệ của Trung Quốc

Tiến bộ công nghệ của Trung Quốc không thể bị ngăn chặn, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình đã nói với Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte khi họ gặp nhau tại Bắc Kinh hôm 27/3.

Hãng tin Reuters nhận định, một trong các mục tiêu chính sách hàng đầu của Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình là xây dựng ngành công nghiệp sản xuất bán dẫn nội địa, chi hàng tỷ USD để trợ cấp. Trong khi đó, chính phủ Mỹ lại muốn làm chậm bước tiến này và tìm sự trợ giúp từ các đồng minh như Hà Lan, Nhật Bản.

Chủ tịch nước Trunng Quốc Tập Cận Bình (phải) tiếp Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte tại Bắc Kinh ngày 27/3. (Ảnh: Tân Hoa Xã)

Chủ tịch nước Trunng Quốc Tập Cận Bình (phải) tiếp Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte tại Bắc Kinh ngày 27/3. (Ảnh: Tân Hoa Xã)

Theo Tân Hoa Xã, ông Tập Cận Bình khẳng định "Người dân Trung Quốc cũng có quyền phát triển hợp pháp và không thế lực nào có thể ngăn cản tốc độ tiến bộ khoa học và công nghệ của Trung Quốc” trong cuộc gặp với Thủ tướng Hà Lan.

Ngoài ra, ông Tập cũng nhấn mạnh Trung Quốc sẽ “tiếp tục theo đuổi cách tiếp cận đôi bên cùng có lợi”.

Gần đây, Hà Lan đã chặn xuất khẩu công nghệ chip hiện đại sang Trung Quốc do lo ngại chúng có thể dùng cho mục đích quân sự. Chip là linh kiện quan trọng, có mặt trong mọi thứ từ smartphone đến xe hơi.

Gã khổng lồ chip Hà Lan ASML bị cấm xuất khẩu máy in thạch bản siêu cực tím (EUV) tối tân sang Trung Quốc. ASML là công ty duy nhất trên thế giới có khả năng sản xuất cỗ máy này cho tới thời điểm hiện tại. Chưa có một máy EUV nào của ASML được xuất sang đại lục. Các máy EUV như vậy rất cần thiết để chế tạo những con chip nhỏ nhất và tinh vi nhất.

Hồi tháng 1, Hà Lan cũng cấm ASML bán một số máy in cực tím sâu (DUV) cho Trung Quốc. Máy DUV dùng để sản xuất các chip kém hiện đại hơn.

Các hạn chế xuất khẩu tới thời điểm này chỉ gây tác động khiêm tốn đến tình hình tài chính của ASML. Tuy nhiên, về lâu dài, các nhà sản xuất chip Trung Quốc có thể thay thế thiết bị ASML bằng thương hiệu nội SMEE hoặc của Nhật Bản như Nikon, Canon.

Vẫn theo Tân Hoa Xã, trong cuộc gặp hôm 27/3, ông Tập cho rằng: “Tạo ra các rào cản khoa học và công nghệ và cắt đứt chuỗi cung ứng và công nghiệp sẽ chỉ dẫn đến chia rẽ và đối đầu". Ông nói thêm, hợp tác là cách duy nhất.

Chủ tịch nước Trung Quốc cũng cho biết nước này sẵn sàng đối thoại với Hà Lan và kêu gọi “cung cấp môi trường kinh doanh minh bạch, công bằng cho doanh nghiệp Trung Quốc”.

Theo Reuters, Thủ tướng Mark Rutte nói Hà Lan cố gắng đảm bảo các hạn chế xuất khẩu không bao giờ nhằm vào một nước cụ thể.

(Theo CNBC, Reuters)

Du Lam

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/khong-gi-co-the-can-buoc-tien-cong-nghe-cua-trung-quoc-2264818.html