Không gì dễ mua bằng... sách lậu

Sách lậu, sách giả đã và đang trở thành vấn nạn, ngoài tầm kiểm soát. Thậm chí, so với các hoạt động ở các lĩnh vực văn học nghệ thuật khác thì tình trạng xâm hại bản quyền của ngành xuất bản luôn 'đứng đầu' và ở tình trạng 'báo động đỏ'.

 Sách lậu đang tràn lan trên thị trường.

Sách lậu đang tràn lan trên thị trường.

Một vốn, nhiều lời

Dạo qua thị trường sách tại Hà Nội, có một điều không thể phủ nhận là sách giả hiện nay đã đạt tới trình độ gần như sách thật, khiến chỉ có những người trong nghề in và xuất bản lâu năm mới phát hiện được.

Nguyên nhân dẫn đến sự tràn lan, ngoài tầm kiểm soát của vấn nạn này là bởi hiện nay các đối tượng in lậu nắm được nhu cầu của thị trường, bạn đọc với một cuốn sách cụ thể, liền móc ngoặc với cơ sở in để in lậu. Những máy in với công suất lớn, hiện đại được hoạt động suốt đêm, sáng hôm sau các nhà sách đã được chào hàng những cuốn sách đang thuộc dạng bán chạy với giá thấp hơn giá của nhà xuất bản đưa ra. Nếu số sách in lậu bị tịch thu, đối tượng in lậu chỉ trả cho cơ sở in tiền mực in, giấy in, cơ sở in chỉ mất một phần tiền giấy in và mất công in. Nếu trót lọt, đối tượng in lậu và cơ sở in chia lợi nhuận theo tỷ lệ đã thỏa thuận. Không quản lý phí, không thuế, không tiền bản quyền, không nhuận bút..., “một vốn bốn lời” là mức lãi quá lớn của in lậu sách, đủ sức kéo bất kỳ cá nhân nào, kể cả nhân viên của nhà xuất bản hùn vốn hoặc góp sức ở một công đoạn nào đó để hưởng lợi nhuận.

Nghiêm trọng hơn hiện nay nhiều đối tượng cầm đầu, chủ mưu thực hiện hoặc móc nối với cán bộ của nhà xuất bản trong việc tiến hành các vụ in và phát hành sách lậu. Đơn cử như việc quyết định xuất bản ghi số lượng ít nhưng in số lượng nhiều; in lại toàn bộ hình thức, nội dung sách thật nhưng không xin phép; in những cuốn sách vi phạm bản quyền; in lại những cuốn sách đã được xuất bản; thuê biên tập lại cuốn sách đang bán chạy trên thị trường một cách sơ sài, thay đổi hoặc đổi đầu cuối nội dung rồi in dưới một cái tên khác...

Có những cuốn sách được đối tượng cầm đầu, chủ mưu tổ chức in lậu bằng phương pháp photocopy, ruột sách là những trang photocopy, chỉ có bìa sách là được in offset. Với những máy photocopy hiện đại, có tốc độ từ 130 đến 160 tờ/phút (khoảng gần 10.000 tờ/giờ) tương đương công suất máy in ofset. Với một cuốn sách vài trăm trang, máy có thể in được một số lượng lớn sách lậu trong một đêm. Có khi ruột sách được in một nơi, bìa sách một nơi và gia công hoàn thiện lại ở một nơi khác...

Sống chung với sách lậu?

Một trong những trường hợp điển hình đã và đang phải “sống chung” với vấn nạn sách lậu hiện nay là NXB Giáo dục Việt Nam. Theo thống kê của đơn vị này, từ năm 2010 đến nay, đã phát hiện hơn 500.000 bản sách, hơn 100.000 đĩa CD và gần 8 tấn bán thành phẩm sách giáo dục bị in lậu, tàng trữ để tiêu thụ lậu tại nhiều tỉnh thành trong nước.

Ông Lê Thành Anh - Phó Giám đốc NXB Giáo dục Việt Nam bày tỏ, ngoài hệ lụy chung giống như đối với các xuất bản phẩm khác, thì xuất bản phẩm giáo dục giả còn có những nguy cơ, tác hại nhiều hoặc nghiêm trọng hơn đến đối tượng sử dụng chủ yếu là học sinh từ lớp 1 đến lớp 12.

Sách giả không chỉ ảnh hưởng đến trực tiếp đến các đơn vị xuất bản mà còn làm nguy hại đến cả những không gian văn hóa đọc.

Mới đây, chỉ sau hơn 1 năm hoạt động thí điểm, đề án Không gian sách đường Hai Bà Trưng (phường Vĩnh Ninh, TP Huế, Thừa Thiên - Huế) đã không chấp hành nhiều nội dung, phạm vi thuộc đề án mà UBND TP Huế cho thí điểm. Nguyên nhân là UBND TP Huế nhận được phản ánh về việc đường sách này bày bán nhiều sách giả, sách lậu. Thậm chí trên nhiều sàn giao dịch thương mại điện tử việc rao bán sách giả hiện nay đã hoàn toàn công khai.

Câu chuyện về sách giả, sách lậu là vấn đề không mới, song tại thời điểm này, đây vẫn là một trong những vấn nạn chưa tìm được “liều thuốc” đặc trị. Nguyên nhân là hầu hết các hình phạt với hành vi làm và tiêu thụ sách lậu chỉ là xử phạt hành chính. Theo đó, hành vi in lậu bị phạt 30 - 40 triệu đồng; còn hành vi tàng trữ, phát hành xuất bản phẩm in lậu, in giả, in nối bản trái phép từ 300 bản trở lên là 20 - 30 triệu đồng. Trong khi đó, làm sách giả, sách lậu thu lợi hàng chục đến hàng trăm tỷ đồng mỗi năm; nhà sách bị làm lậu sách nhưng lại thua kiện trước kẻ in lậu sách, lại có đơn vị tự làm lậu sách của chính mình…

Minh Quân

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/van-hoa/khong-gi-de-mua-bang-sach-lau-tintuc442198