'Không gian chợ Tết xưa' góp phần giữ gìn và lan tỏa giá trị văn hóa truyền thống

Vào những ngày cuối năm, một sự kiện văn hóa thu hút sự quan tâm của nhiều người đó là chương trình 'Không gian chợ Tết xưa' tổ chức tại Bảo tàng tỉnh. Hoạt động này không phải lần đầu tiên tổ chức, tuy nhiên mỗi năm, đơn vị tổ chức đều cố gắng có những điều chỉnh nhất định để hoạt động thêm phong phú, gần gũi và hấp dẫn hơn với du khách.

Các bạn trẻ thích thú với gian hàng thư pháp.

Các bạn trẻ thích thú với gian hàng thư pháp.

Để tái hiện không gian chợ Tết xưa, Bảo tàng Ninh Bình đã sắp xếp và trang trí các gian hàng theo phong cách dân gian, như các gian ông đồ, văn hóa phẩm, gốm sứ, nông sản, nông ngư cụ, bánh kẹo và đồ ăn vặt, trải nghiệm gói bánh chưng, hoa và cây cảnh...

Ngoài ra, giữa các gian hàng còn trang trí bằng các tiểu cảnh với vật liệu là đồ mây tre như rổ rá, quang, gánh... tạo không gian gần gũi với phong cảnh làng quê Việt. Tham gia phiên chợ Tết xưa, du khách còn được tham quan, trực tiếp mua bán các mặt hàng Tết, trải nghiệm các trò chơi dân gian như đánh đu, kéo co, chơi ô ăn quan, nhảy dây, múa sạp, bịt mắt bắt vịt...

Theo ông Nguyễn Xuân Khang, Giám đốc Bảo tàng Ninh Bình, việc tổ chức "Không gian chợ Tết xưa" năm nay được Bảo tàng nỗ lực bổ sung thêm nhiều hiện vật, nhất là các hiện vật gốc, cải tiến cách bài trí không gian các gian hàng để tăng thêm sự hấp dẫn cho du khách. Năm nay có khoảng 1.500 hiện vật được trưng bày tại các gian hàng để phục vụ khách thăm quan. Mong muốn của đơn vị tổ chức là qua "Không gian chợ Tết xưa" sẽ góp phần làm sống dậy ký ức về Tết xưa của người Việt, góp phần gìn giữ và lan tỏa những giá trị văn hóa truyền thống của cha ông.

Theo quan sát của phóng viên, cho dù mới khai mạc nhưng "Không gian chợ Tết xưa" đã có nhiều gian hàng rất "hút khách". Tại gian hàng thư pháp, rất nhiều du khách ghé thăm, trong đó có nhiều bạn trẻ. Các bạn trẻ vừa thăm quan gian hàng thư pháp, chiêm ngưỡng "ông Đồ" thể hiện nét bút khoáng đạt như "rồng bay phượng múa", viết mà như vẽ. Nhiều bạn trẻ dành thời gian tìm hiểu ý nghĩa thâm sâu trong các chữ, các câu đối chữ Nho mà nhà thư pháp thể hiện. Trong văn hóa Việt, tục xin chữ, chơi chữ ngày xuân là một nét văn hóa đẹp, được nhiều gia đình trân trọng, gìn giữ.

Tương tự gian hàng thư pháp, gian ẩm thực thu hút nhiều người xem. Phong vị tết cổ truyền thể hiện qua các mặt hàng, với các sản phẩm nông nghiệp truyền thống như gạo nếp, đậu xanh, miến dong, lá dong, hũ cà muối, bánh mứt... Nhiều bạn trẻ ngỡ ngàng, thích thú khi chiêm ngưỡng những vật dụng thủ công truyền thống, nhất là các mặt hàng nông, ngư cụ với chất liệu bằng song, mây, tre đan được chế tác hoàn toàn thủ công, nhờ bàn tay khéo léo, tỉ mỉ của những người thợ, những người nông dân.

Trải nghiệm gói bánh chưng ngày Tết.

Có mặt trong lễ khai mạc, được trải nghiệm "Không gian chợ Tết xưa", em Lê Phạm Hoài An, học sinh trường Trung hoc cơ sở Trương Hán Siêu chia sẻ: "Đây là lần đầu tiên em đến với không gian chợ Tết xưa. Em cảm thấy khá thích thú khi được trực tiếp trải nghiệm các gian hàng, nhất là được cùng các bạn bè tham dự các trò chơi dân gian vừa vui nhộn, vừa thú vị. Điều này giúp em có những hình dung về Tết truyền thống, về một phiên chợ Tết từ xa xưa sẽ diễn ra như thế nào. Em mong muốn mỗi năm đơn vị tổ chức sẽ có thêm nhiều hoạt động để những học sinh chúng em có những trải nghiệm".

Trong tâm thức của người Việt, Tết cổ truyền rất quan trọng và thiêng liêng. Cho nên với nhiều người, ký ức về phiên chợ Tết khá sâu đậm. Việc Bảo tàng Ninh Bình tái hiện "Không gian chợ Tết xưa" như một cách khơi thức mạch nguồn ký ức của nhiều người. Trải nghiệm phiên chợ Tết như một hành trình ngược dòng ký ức, tìm về quá khứ. Điều này còn có ý nghĩa đặc biệt với các bạn trẻ, lớp người không có nhiều mối dây liên hệ với quá khứ và họ đang rất khao khát được tìm về với văn hóa truyền thống.

Ngày nay, đời sống hiện đại với rất nhiều áp lực đã khiến nhiều người ngày càng có rất ít sự chiêm nghiệm về quá khứ. Những người trẻ rất quá ít sự hình dung về cái Tết cổ truyền, nhất là những phong trục, tập quán, hương vị của Tết xưa, về những phiên chợ Tết. Bởi vậy cũng dễ hiểu vì sao "Không gian chợ Tết xưa" thu hút nhiều người, trong đó nhiều nhất là những bạn trẻ.

Việc tái hiện "Không gian chợ Tết xưa", Bảo tàng Ninh Bình đã đem đến cho du khách không chỉ là hoạt động trưng bày chuyên đề đơn thuần, mà còn là một hoạt động thiết thực, ý nghĩa nhằm bảo tồn văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc.

Mai Phương - Minh Quang

Nguồn Ninh Bình: https://baoninhbinh.org.vn/-khong-gian-cho-tet-xua-gop-phan-giu-gin-va-lan-toa-gia-tri/d202301091215495.htm