Không gian cổ tự Huế nơi làng quê Bắc Bộ

Cách Hà Nội khoảng 60km, chùa Khánh Long nằm giữa một khoảng đồng đất mênh mông của xã La Sơn (Bình Lục, Hà Nam) được biết đến là ngôi già lam mang nhiều nét kiến trúc và âm hưởng xứ Huế.

Ấn tượng đầu tiên khi bước vào Khánh Long tự là không gian xanh mướt như trong những nhà vườn xứ Huế

Chùa Khánh Long là một ngôi cổ tự được phát tích từ thời Trần (dưới triều vua Trần Minh Tông, khoảng từ năm 1321-1324). Theo lời kể của dân làng và qua tìm hiểu, nơi đây từng là nơi lưu trú và đàm đạo của nhiều bậc thiền sư thời Trần, thời Hậu Lê và Nguyễn.

Đến thời Cảnh Hưng thứ 7, chùa được quy hoạch mở rộng và đại trùng tu. Chuông cổ của chùa cũng được đúc trong năm này, nhưng đã bị mất trộm cách đây gần 20 năm do chùa bị xuống cấp theo thời gian và không có người coi giữ và chăm sóc.

Năm 2010, ĐĐ.Thích Tâm Tuệ từ Huế vân du ngang qua và quyết định dừng chân, kiến lập lại chùa trên nền di tích đổ nát, tạo nên diện mạo Khánh Long tự như ngày nay, với lối kiến trúc được nhiều âm hưởng xứ Huế.

Tượng Bồ-tát Quán Thế Âm cao 3,2 mét phía mặt tiền chính điện

Chính điện chùa Khánh Long

Cận cảnh ban thờ Phật trong không gian chính điện

Không gian có sự kết hợp hài hòa giữa lối kiến trúc cổ Bắc Bộ và Trung Bộ (Huế), với chất liệu chính yếu là khung gỗ, tường gạch và mái ngói truyền thống

Tháp Tổ - nơi thờ các vị tiền tổ có công với ngôi cổ tự

Vẻ đẹp ngôi chính điện trong một đêm trăng tròn

Bài, ảnh: Lương Đình Khoa

Nguồn Giác ngộ: https://giacngo.vn//tuvien/2020/02/19/33d299/