Không gian mở cho du lịch nông nghiệp

Khai thác lợi thế khác biệt của không gian nông nghiệp với nhiều sản vật và văn hóa đặc sắc, ngành du lịch Gia Lai hướng đến hình thành hệ sinh thái du lịch nông nghiệp để bắt kịp xu thế của cả nước và thế giới.

Hàng thế kỷ trước, người Pháp đã mang đến cao nguyên Gia Lai những loại cây trồng đặc thù như chè, cà phê, cao su… tạo nên không gian nông nghiệp riêng. Vùng đất có diện tích rộng thứ hai cả nước, đa dạng địa hình, đa hệ sinh thái, giàu sản vật địa phương dần hình thành một không gian nông nghiệp rộng mở, đặc trưng. Đồng thời, đây là điều kiện thuận lợi để khai thác loại hình du lịch nông nghiệp, nông thôn.

Không gian nông nghiệp đặc trưng

Hiện Gia Lai đã có mô hình du lịch nông nghiệp “Một ngày làm nông dân” ở Farm Mẹ Thu (làng Đê Hóch, xã Đak Krong, huyện Đak Đoa). Du khách đến với nông trại rộng 17 ha này sẽ được trải nghiệm hoạt động thu hoạch hồ tiêu, cà phê, sầu riêng… và tìm hiểu nông nghiệp hữu cơ. Bà Nguyễn Thị Thu-chủ Farm Mẹ Thu-cho biết: Bà muốn tạo ra mô hình du lịch nông nghiệp bền vững, tạo thói quen cho người dân canh tác nông nghiệp sạch kết hợp với dịch vụ để tăng chuỗi giá trị trong sản xuất. Sự thành công của Farm Mẹ Thu đã lan tỏa cách làm du lịch nông nghiệp cho người dân trong vùng, góp phần bảo vệ môi trường và tạo ra một hệ sinh thái nông nghiệp ở vùng nông thôn Đê Hóch.

Cũng tại Đak Đoa, anh Đoàn Anh Tuấn đang điều hành trang trại sản xuất cà phê hữu cơ khá thành công ở xã Nam Yang. “Năm 2019, trang trại chúng tôi đón 1 đoàn khách 15 người từ TP. Hồ Chí Minh, Nha Trang, Đà Lạt… đến tham quan, học hỏi mô hình sản xuất cà phê hữu cơ. Tôi nhận ra, họ còn có nhu cầu muốn được trải nghiệm thêm nhiều giá trị của vùng đất này về ẩm thực, tìm hiểu văn hóa bản địa… Ý tưởng làm du lịch kết hợp với nông nghiệp định hình từ đó. Cơ sở của tôi bây giờ đáp ứng nhu cầu của du khách về quy trình trồng, chăm sóc, thu hái, chế biến cà phê đạt tiêu chuẩn thế giới. Sau khi trải nghiệm thực tế, khách du lịch được thưởng thức sản phẩm ngay tại chỗ hoặc mua về làm quà”-anh Tuấn nói. Với mô hình đó, trong quá trình trải nghiệm, du khách có cơ hội trò chuyện với nông dân là những người bản địa làm việc tại trang trại để hiểu hơn về văn hóa, lối sống, ẩm thực đặc trưng. Là thế hệ 9X tiên phong bỏ phố thị về làm nông dân, Đoàn Anh Tuấn nhìn nhận du lịch nông nghiệp phát triển sẽ hạn chế khuynh hướng ly hương của các bạn trẻ. “Bản đồ nông nghiệp của tỉnh rất rộng lớn và nhiều tiềm năng khai thác. Tôi tin, khi các bạn trẻ ý thức đầy đủ tài sản giá trị này, họ sẽ không phải đi đâu xa để tìm miền đất hứa. Với tư duy đổi mới, bắt tay làm du lịch nông nghiệp, các bạn hoàn toàn tự tin tạo ra mô hình khác biệt và đủ sức cạnh tranh”-anh nói.

Không gian nông nghiệp huyện Phú Thiện được ví như một tiểu đồng bằng trên Tây Nguyên. Ảnh: Hoàng Ngọc

Không gian nông nghiệp huyện Phú Thiện được ví như một tiểu đồng bằng trên Tây Nguyên. Ảnh: Hoàng Ngọc

Hiểu rõ giá trị của du lịch nông nghiệp, nhiều doanh nghiệp, cá nhân đã mạnh tay đầu tư mô hình này. Nằm trên quả đồi ở thị trấn Ia Ly (huyện Chư Păh) với diện tích hơn 15 ha, mô hình trang trại của ông Nguyễn Chất Sâm đã góp thêm một sản phẩm du lịch nông nghiệp kết hợp nghỉ dưỡng. Giữ nguyên cảnh quan đặc trưng từ địa hình đồi núi, ông Sâm đã tạo một hệ sinh thái nông nghiệp hữu cơ với hàng ngàn cây ăn quả đặc sản: sầu riêng, bơ booth, măng cụt... “Sau khi hoàn thiện khu nhà lưu trú, nghỉ dưỡng, tôi sẽ đưa vào khai thác mô hình du lịch kết hợp nông nghiệp. Chúng tôi tập trung vào các nhóm khách gia đình ở các thành phố lớn. Họ cần một nơi tách biệt, tránh xa ồn ào, được trải nghiệm cảm giác làm nông nghiệp và hòa mình vào thiên nhiên nông thôn vùng đồi núi bên dòng Sê San. Đây còn là mô hình trải nghiệm có tác dụng giáo dục con cái làm nông nghiệp để trẻ hiểu về cội nguồn của một dân tộc có nền “văn minh lúa nước” lâu đời trên Tây Nguyên”-ông Sâm nói.

Các “ông lớn” trong ngành sản xuất nông sản cũng tìm đến du lịch nông nghiệp như một hướng phát triển hợp thời đại. Với lợi thế trang trại cà phê rộng gần 50 ha ở xã Chư Hdrông được cấp chứng nhận Organic theo tiêu chuẩn của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA), chứng nhận hữu cơ theo tiêu chuẩn của Nhật Bản, EU và Hàn Quốc, Công ty TNHH Vĩnh Hiệp là mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tiêu biểu. Từ vùng nguyên liệu cho đến các sản phẩm cà phê hảo hạng của doanh nghiệp là một quy trình đầy quyến rũ của cách làm nông nghiệp hiện đại kết hợp chặt chẽ với tinh hoa tri thức bản địa. Cùng với việc tham gia trồng cà phê Organic của các nông hộ vệ tinh, quy trình “Sạch từ nông trại đến ly cà phê” và triết lý văn hóa thưởng thức cà phê mới của người Việt dẫn dụ du khách trải nghiệm hết thú vị này tới hấp dẫn khác khi đến nông trại Vĩnh Hiệp.

Các địa phương trong tỉnh đã bước đầu xác định được lợi thế và định vị thế mạnh để xây dựng sản phẩm du lịch nông thôn. Góp phần mở rộng không gian du lịch nông nghiệp còn có Làng du lịch cộng đồng Mơ Hra (xã Kông Lơng Khơng, huyện Kbang) hay “thung lũng vàng” Phú Thiện với trải nghiệm không gian lúa nước như một “tiểu đồng bằng” trên cao nguyên.

Giàu sản vật địa phương

Gia Lai sở hữu tài nguyên nông nghiệp nổi bật, mang đặc thù của một tiểu vùng địa lý, văn hóa, khí hậu khác biệt. Vấn đề đặt ra là ngành du lịch làm như thế nào để tạo ra sản phẩm khác biệt, riêng có đủ sức cạnh tranh trên bản đồ du lịch nông nghiệp cả nước. Ông Nguyễn Đức Hoàng-Phó Giám đốc Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch chiêm nghiệm: “Du lịch nông nghiệp giúp người nông dân thay đổi tư duy và hoạt động sản xuất truyền thống, kết hợp giải trí, mang lại hiệu quả cao cho cả hai ngành nông nghiệp và du lịch. Xác định được thế mạnh và tầm quan trọng này, Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch và Sở Nông nghiệp và PTNT đã ký kết chương trình phối hợp với 6 nội dung trọng tâm về phát triển du lịch gắn với xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025”.

Tinh thần chung của chương trình chỉ rõ thế mạnh của từng ngành trong thúc đẩy du lịch vùng nông thôn như triển khai các hoạt động quảng bá, đào tạo nguồn nhân lực, xây dựng mạng lưới điểm đến, sản phẩm tiêu biểu. Phó Giám đốc Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch cho biết thêm, ngành du lịch lựa chọn một số “làng vệ tinh” có điều kiện thuận lợi về nông nghiệp, bản sắc văn hóa độc đáo để khảo sát, định hướng cho địa phương xây dựng các mô hình du lịch nông thôn phù hợp. Những thành tựu nổi bật trong triển khai Chương trình OCOP tại Gia Lai những năm qua là cơ sở mở ra con đường mới cho du lịch nông nghiệp. Hiện tỉnh ta đã xây dựng 149 sản phẩm OCOP đạt 3-4 sao cấp tỉnh. Chương trình này đã và đang định vị các sản phẩm nông nghiệp nông thôn tiêu biểu, giúp nhận diện bản sắc văn hóa đặc thù, tính địa phương. Nhiều sản phẩm đồng thời là những chỉ dẫn địa lý khi nâng tầm lợi thế địa phương như gạo Phú Thiện, khoai Lệ Cần, tiêu đỏ hữu cơ Lệ Chí, bò một nắng Krông Pa, cà phê Đak Yang-honey, thổ cẩm Glar...

Đồi chè xã Nghĩa Hưng (huyện Chư Păh). Ảnh: Phạm Quý

Đồi chè xã Nghĩa Hưng (huyện Chư Păh). Ảnh: Phạm Quý

Ông Hà Trọng Hải-Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh, Giám đốc Công ty du lịch Cao Nguyên Việt-cho rằng, với tốc độ đô thị hóa ngày càng mạnh mẽ thì du lịch nông nghiệp là xu hướng tương lai, đáp ứng nhu cầu cân bằng cuộc sống của con người. Các quốc gia phát triển đã chú ý loại hình du lịch này hàng thế kỷ trước.

Để hiện thực hóa mục tiêu trên, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh nhấn mạnh đến vai trò phối hợp liên ngành nông nghiệp-du lịch. Đó là đẩy mạnh liên kết giữa các bên: nông dân, doanh nghiệp lữ hành, các địa phương, cơ quan quản lý của 2 ngành du lịch và nông nghiệp. Chiến lược quảng bá các sản phẩm du lịch nông nghiệp, nông thôn, cần nhấn vào đặc thù, vùng nào có thế mạnh gì, trải nghiệm hoạt động nông nghiệp nào… để du khách thấy được sự thú vị, khác biệt, kích thích họ đến tham quan, trải nghiệm. Quảng bá và hình thành có trọng tâm trọng điểm sẽ làm cho du lịch nông nghiệp Gia Lai có mảng màu riêng trên bản đồ du lịch nông nghiệp Việt Nam.

HOÀNG NGỌC

Nguồn Gia Lai: http://baogialai.com.vn/channel/12525/202202/khong-gian-mo-cho-du-lich-nong-nghiep-5765441/