Không gian phát triển KTTT, HTX còn rất lớn
Cùng với doanh nghiệp, khu vực KTTT, HTX đang phục hồi và phát triển mạnh mẽ, đây là nền tảng để thu hút thêm nhiều nông hộ vào các HTX, từ đó giúp Việt Nam hình thành nhiều chuỗi giá trị hàng hóa bền vững và có nhiều nông sản có sức cạnh tranh trên thị trường.
Năm 2023, dù kinh tế thế giới và trong nước có nhiều biến động, tác động trực tiếp đến hoạt động sản xuất kinh doanh nhưng không ít HTX vẫn chứng minh được hướng đi hiệu quả của mô hình KTTT, HTX.
HTX trên đà hồi phục
Tiêu biểu, HTX Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hưng Thành (Yên Bái) đã liên kết thành công với Công ty TNHH Yamazaki trong việc trồng, chăm sóc, thu mua, chế biến và xuất khẩu ổn định sang thị trường Nhật Bản. Doanh thu của HTX từ xuất khẩu măng trung bình là 46.000 USD/chuyến.
Còn tại HTX sầu riêng Long Bình (Bình Phước), trong năm 2023, HTX có trên 26ha sầu riêng cho thu hoạch với tổng sản lượng là 364 tấn. HTX đã đẩy mạnh xuất khẩu sang Trung Quốc sau khi được cấp mã số vùng trồng giúp thu về trên 21,1 tỷ đồng. HTX đang hướng đến mục tiêu năm 2024 đạt năng suất sản lượng là 450 tấn và tiếp tục xây dựng chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ từ vùng trồng tới cơ sở đóng gói để ổn định bền vững giá trị cây sầu riêng.
Những HTX như Long Bình, Hưng Thành đang chứng minh dù trong điều kiện khó khăn nhưng mô hình này vẫn tìm được lối đi riêng, từ đó đưa KTTT, HTX dần hồi phục và tiếp tục phát triển.
Thống kê của Liên minh HTX Việt Nam cho thấy, trong năm 2023, cả nước đã có 2.156 HTX và 8 Liên hiệp HTX được thành lập mới. Từ đó nâng tổng số HTX trong cả nước lên 31.364 HTX, 133 Liên hiệp HTX cùng hơn 120 nghìn THT đang hoạt động.
Các tổ chức kinh tế tập thể đang thu hút khoảng 8 triệu thành viên và 2,58 triệu lao động thường xuyên và đóng góp khoảng 4,5% GDP của cả nước. So sánh với năm 2022, doanh thu của HTX tăng bình quân 5,1%. Nhiều HTX nông nghiệp đạt doanh thu 350 - 400 triệu đồng/ha; thu nhập của HTX phi nông nghiệp tăng 6,1-7,5%.
Từ những con số này, Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam Cao Xuân Thu Vân cho rằng dù trong điều kiện thế giới và trong nước còn nhiều biến động nhưng KTTT, HTX vẫn trên đà phục hồi và phát triển, thu hút đông đảo hộ cá thể, nông hộ ở các tỉnh thành tham gia, nhất là lĩnh vực nông nghiệp và khu vực nông thôn.
“Điều này khẳng định mô hình kinh tế tập thể phù hợp với nhu cầu tổ chức sản xuất của người dân. Các chuỗi giá trị hàng hóa do HTX tham gia xây dựng, liên kết đang góp phần ổn định giá cả thị trường, phục hồi và đóng góp quan trọng trong tăng trưởng kinh tế, xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững, phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; bảo đảm an ninh lương thực, an ninh quốc phòng”, Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam Cao Xuân Thu Vân cho biết.
Tại Diễn đàn Kinh tế hợp tác, HTX năm 2024 với chủ đề “Hoàn thiện chính sách hỗ trợ của Nhà nước theo Nghị quyết 20 -NQ/TW - Động lực thúc đẩy phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã trong giai đoạn mới” được tổ chức vào tháng 2 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cũng đã khẳng định KTTT, HTX đang làm tốt vai trò hỗ trợ thành viên cũng như tạo việc làm và nâng cao thu nhập cho người lao động. Phát triển kinh tế tập thể là xu thế tất yếu trong bối cảnh hội nhập quốc tế, phù hợp với kinh tế thị trường định hướng XHCN của Việt Nam.
Điều này cho thấy, Chính phủ đã thấy rõ vai trò của khu vực KTTT, HTX trong nền kinh tế quốc dân. Chính vì thế, Nhà nước đã có những chính sách cụ thể nhằm bố trí, huy động, lồng ghép nguồn kinh phí hỗ trợ khu KTTT, HTX về đào tạo nguồn nhân lực, xúc tiến thương mại, đầu tư cơ sở hạ tầng, liên kết chuỗi, ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số, sản xuất xanh-tuần hoàn, tiếp cận vốn, hỗ trợ HTX phục hồi sản xuất…
Từ các chính sách này, với vai trò bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng cho thành viên, năm 2023, chỉ riêng hệ thống Liên minh HTX Việt Nam đã hỗ trợ 3.628 HTX tiêu thụ trong nước và xuất khẩu 411.000 tấn nông sản trị giá 27.170 tỷ đồng; tổ chức các khóa đào tạo, tập huấn kỹ năng kinh doanh và tiếp cận thị trường trong nước cho 2.072 HTX; tổ chức các lớp bồi dưỡng, tập huấn kiến thức quản trị cho 1.403 học viên là cán bộ HTX và thành viên; đào tạo nghề cho 2.801 học viên...
Những hỗ trợ này giúp các HTX ngày càng lớn mạnh, hoàn thiện cả về nhân lực và tổ chức sản xuất. Đặc biệt, với vai trò vị thế đang đi lên, khu vực KTTT, HTX đã góp góp không nhỏ vào kim ngạch xuất khẩu đạt 5,69 tỷ USD của năm 2023.
Dư địa phát triển KTTT, HTX
Là một đất nước nông nghiệp nên phát triển sản xuất kinh doanh theo chuỗi giá trị, tăng cường liên doanh liên kết giữa HTX-doanh nghiệp có vai trò quan trọng trong sản xuất xanh, bền vững để hướng tới xuất khẩu và xây dựng được nhiều thương hiệu nông sản có giá trị, đủ sức cạnh tranh trên thị trường. Vì lẽ đó, Nghị quyết số 20/NQ-TW của Ban chấp hành Trung ương đặt mục tiêu đến năm 2030, cả nước phát triển khoảng 140.000 tổ hợp tác, 45.000 HTX, 340 Liên hiệp HTX. Cả nước có trên 5.000 HTX và 500 tổ hợp tác ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất và tiêu thụ nông sản.
Ông Lê Đức Thịnh, Cục Trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn (Bộ NN&PTNT) cho biết không gian, dư địa, tiềm năng phát triển của kinh tế tập thể, HTX còn rất lớn. Đặc biệt, những HTX đang hoạt động hiệu quả cùng với nguồn cơ sở hạ tầng đang được Nhà nước và các địa phương đầu tư, nhất là ở khu vực nông thôn sẽ là nền tảng thúc đẩy mô hình KTTT, HTX phát triển theo hướng hiện đại, tiên tiến. Còn tại nông thôn với thế mạnh về nguồn lao động và các tri thức bản địa sẽ tiếp tục là cơ hội để thành lập các HTX với các chuỗi giá trị hàng hóa đặc trưng.
Về thị trường xuất khẩu, theo ông Lê Đức Thịnh, Việt Nam có quy mô dân số khoảng 100 triệu dân, đi liền với 17 Hiệp định thương mại đã ký kết là cơ hội rộng mở trong tiêu thụ và xuất khẩu nông lâm thủy sản. Đây là cơ hội để các HTX liên kết cùng các doanh nghiệp sản xuất, chế biến, phát triển các mặt hàng đạt tiêu chuẩn quốc tế.
Hiện nay, Việt Nam cũng có nhiều cơ chế, chính sách phù hợp nhằm thu hút nông hộ tham gia mô hình KTTT, HTX cũng như các chính sách khuyến khích các HTX đầu tư công nghệ nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, tham gia sâu vào chuỗi giá trị.
Ông Nghiêm Văn Giang, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Giám đốc HTX sầu riêng Long Bình cho biết, quá trình sản xuất và xuất khẩu sầu riêng, HTX nhận được sự hỗ trợ từ ngành nông nghiệp trong việc hoàn thiện tiêu chuẩn VietGAP, đạt chứng nhận mã số vùng trồng, liên kết với các đơn vị ở trong và ngoài tỉnh… HTX cũng đang nâng cao năng lực sản xuất và phát triển chuỗi giá trị hàng hóa. Ban giám đốc HTX cũng được tạo điều kiện tham gia các lớp tập huấn để nâng cao năng lực, tầm nhìn trong quản lý sản xuất kinh doanh.
“Các chính sách, sự đồng hành của cơ quan quản lý từ trung ương đến địa phương đang mở ra nhiều cơ hội cho người dân tham gia liên kết và giúp các thành viên HTX đổi mới tư duy, cập nhật tri thức mới từ đó mạnh dạn ứng dụng khoa học công nghệ để nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh”, ông Nghiêm Văn Giang bày tỏ.