Không gian văn hóa - sinh thái Cẩm Lương
Xã Cẩm Lương nằm cách trung tâm huyện lỵ Cẩm Thủy 10 km về phía Tây Bắc. Cùng với những thắng tích được thiên nhiên ưu ái ban tặng là đời sống văn hóa, tinh thần phong phú của đồng bào dân tộc Mường, vốn đã định cư trên mảnh đất này từ nhiều đời. Cũng chính sự hòa quyện các yếu tố tự nhiên và văn hóa ấy, đã tạo nên một Cẩm Lương ngày càng hấp dẫn du khách du lịch.
Nghề dệt thổ cẩm xã Cẩm Lương gắn với sản phẩm du lịch sinh thái - văn hóa bản địa.
“Lương Ngọc có suối Minh Châu/ Với khe tắm mát giăng thâu đền Hòa/ Ngọc Đình có miếu Thủy Tòa/ Trên thì Thượng đẳng thật là anh linh/ Sau đình có núi Trường Sinh/ Dưới khe có cá Vạn Linh về chầu” - câu ca lưu truyền trong dân làng Lương Ngọc về di tích, thắng tích có một không hai, cũng là niềm tự hào của cư dân vùng đất này. Suối cá thần - Động Đăng - rừng nguyên sinh trên dãy Trường Sinh... đang và sẽ mở ra hướng phát triển du lịch sinh thái - khám phá mạo hiểm cho những du khách ưa tìm hiểu, thích một chút cảm giác phiêu lưu. Trước năm 2000, nhận thấy sức hút của suối Cá Thần đối với du khách, xã Cẩm Lương đã giao cho hội cựu chiến binh xã quản lý, bảo vệ và thu phí tham quan. Năm 2004, UBND tỉnh đã phê duyệt quy hoạch chi tiết xây dựng và phát triển du lịch suối cá Cẩm Lương. Đến năm 2007, huyện Cẩm Thủy trực tiếp quản lý và được sự đầu tư của Nhà nước, suối cá Cẩm Lương mới dần định hình diện mạo của một điểm du lịch.
Du khách tham quan suối cá Cẩm Lương
Nhằm khai thác hiệu quả tiềm năng du lịch của điểm đến độc đáo này, ngày 9-7-2014, Chủ tịch UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 2160/QĐ-UBND, về việc phê duyệt “Quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/2000 khu du lịch suối cá Cẩm Lương, huyện Cẩm Thủy”. Khu du lịch có quy mô 300 ha, bao gồm nhiều khu chức năng như khu đón tiếp, khu khách sạn nghỉ dưỡng Thung Ong, khu cắm trại, khu suối cá, khu du lịch tâm linh chùa Rồng, khu tổ chức lễ hội và vui chơi giải trí, khu ẩm thực sinh thái hồ Kim Mẫm, khu leo núi Thung Man Nhỏ, Thung Mây, Thung Ngân. Đến nay, khu du lịch này đã được tỉnh đầu tư kinh phí khoảng 2 tỷ đồng (trong 2 năm 2017 và 2018), để thực hiện các hạng mục, gồm tôn tạo bờ kè suối, xây dựng nhà vệ sinh, đường điện, hệ thống biển báo chỉ dẫn từ đường Hồ Chí Minh và đường 217. Tới đây, khi quy hoạch 1/500 hoàn thiện, một số hạng mục như nhà đón tiếp khách, bãi đỗ xe cũng sẽ được đầu tư. Ngoài ra, khu khách sạn nghỉ dưỡng Thung Ong cũng đang được nhà đầu tư tích cực triển khai xây dựng, để sớm đưa vào phục vụ du khách.
Cùng với đó, sự đầu tư của Nhà nước bằng dự án phục hồi làng truyền thống (làng Ngọc) đã phát huy hiệu quả. Hạ tầng phục vụ du lịch (điện, đường, mạng thông tin liên lạc) và nhiều giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể của đồng bào dân tộc Mường (chiếm gần 80% dân số trong xã) được đầu tư, khôi phục. Nếu du khách có dịp đến Cẩm Lương vào tháng giêng, khi mùa xuân đậm đà hương sắc, thiên nhiên tươi tốt và lòng người hân hoan, sẽ được tham gia lễ hội Khai Hạ truyền thống của đồng bào Mường. Lễ hội Khai Hạ không chỉ là dịp người dân nơi đây bày tỏ lòng sùng bái người anh hùng (chàng Rắn), người bảo trợ tinh thần, cũng là người có công giữ gìn bình yên và mang lại đời sống ấm no cho làng bản; mà còn là được tham gia nhiều sinh hoạt văn hóa đậm bản sắc dân tộc với hát giao duyên, hát thơ, múa, các cuộc thi tài, các trò chơi dân gian đánh đu, đánh vật, kéo co... Sinh hoạt văn hóa mà trực tiếp là lễ hội có khả năng tạo mối liên kết, gắn bó cộng đồng to lớn làm cơ sở cho sự tồn tại và phát triển của một tộc người, một dân tộc.
Du lịch ở Cẩm Lương đang từng bước bắt nhịp với xu thế phát triển chung của du lịch văn hóa - tâm linh - sinh thái, đồng thời khuyến khích sự tham gia của cộng đồng cư dân bản địa. Do vậy, nói đến du lịch Cẩm Lương là nói đến vai trò của người dân bằng ý thức giữ gìn, bảo vệ suối cá, lưu giữ các giá trị văn hóa truyền thống và phát triển các loại hình dịch vụ giàu bản sắc truyền thống. Đến suối cá, du khách có thể mua bán nhiều mặt hàng thủ công, vải vóc, cơm lam, thảo dược, cây trái... Đặc biệt, nghề dệt thổ cẩm người Mường, xã Cẩm Lương là 1 trong 15 nghề truyền thống, được đưa vào quy hoạch các điểm du lịch làng nghề trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2016-2020. Việc đưa nghề dệt thổ cẩm vào quy hoạch là nhằm phát triển du lịch làng nghề, gắn với phát triển kinh tế, bảo vệ môi trường, bảo tồn và phát triển những di sản văn hóa truyền thống của địa phương. Đồng thời, phát triển và xây dựng hình ảnh của làng nghề và sản phẩm làng nghề, gắn liền với bản sắc văn hóa người Mường bản địa, trong mối quan hệ bền vững với phát triển du lịch.
Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/du-lich/khong-gian-van-hoa-sinh-thai-cam-luong/108582.htm