Không gian văn hóa thành phố Phủ Lý sôi động với đêm nhạc 'Nguyệt cầm Tâm ca'
Hưởng ứng Tuần Văn hóa du lịch Hà Nam năm 2023, tối 20/5, tại không gian văn hóa ẩm thực thành phố, Trung tâm Văn hóa, thông tin và thể thao thành phố phối hợp với Công ty TNHH Việt Event tổ chức Đêm nhạc 'Nguyệt cầm Tâm ca'. Hàng nghìn người dân và du khách đã hội tụ trong không gian đậm đặc màu sắc văn hóa dân tộc thưởng thức những tiết mục hát văn, nhạc truyền thống do cung văn Hoài Thanh, Mai Trần Lâm và dàn nhạc Tâm Linh Việt thể hiện.
Hưởng ứng Tuần Văn hóa du lịch Hà Nam năm 2023, tối 20/5, tại không gian văn hóa ẩm thực thành phố, Trung tâm Văn hóa, thông tin và thể thao thành phố phối hợp với Công ty TNHH Việt Event tổ chức Đêm nhạc “Nguyệt cầm Tâm ca”. Hàng nghìn người dân và du khách đã hội tụ trong không gian đậm đặc màu sắc văn hóa dân tộc thưởng thức những tiết mục hát văn, nhạc truyền thống do cung văn Hoài Thanh, Mai Trần Lâm và dàn nhạc Tâm Linh Việt thể hiện.
Sân khấu được trang trí đẹp mắt, tạo nên không gian kiến trúc truyền thống gần gũi với đời sống của nhân dân và gắn với sự ra đời, tồn tại của loại hình hát Văn bởi những cột đồng trụ và mái đền, mái phủ cổ kính được dựng lên. Trước giờ biểu diễn, khán giả đã kín sân rạp chiếu bóng Biên Hòa cũ để chờ đợi được thưởng thức những tiết mục của chương trình.
Ông Nguyễn Quý Dũng, một du khách đến từ Hà Nội phấn khởi chia sẻ: “Gia đình tôi từ Hà Nội về Phủ Lý chơi với bà con anh em. Lần đầu tiên thăm phố đi bộ, gặp sự kiện này, thích lắm! Ở đây có mấy anh chị từ nước ngoài mới về, được nghe hát Chầu văn, được hòa mình vào không gian thành phố quê hương, chúng tôi có cảm giác rất đặc biệt”.
Người giới thiệu chương trình xuất hiện, nói về hát Văn với những lời ngắn gọn, xúc tích: “Hát Văn là một loại hình nghệ thuật diễn xướng dân gian độc đáo gắn liền với tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt. Trải qua hàng trăm năm biến cố thăng trầm, với giá trị nghệ thuật độc đáo, sức sống lâu bền trong đời sống văn hóa, năm 2012, Nghi lễ Chầu văn được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Nghi lễ Chầu văn còn là một trong những thành tố quan trọng góp phần đưa “Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt” trở thành Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, được UNESCO ghi danh vào năm 2016.” Nghệ sỹ Hoài Thanh xuất hiện cùng với dàn nhạc Tâm Linh Việt, mang đến cho khán giả những bài hát đi vào lòng người: “Quan lớn đệ Tam”, “Ông Hoàng Mười”, “Cô đôi Thượng ngàn”…
Với lối hát giản dị, sử dụng kỹ thuật nảy hạt, bay bổng trong việc điều tiết âm lượng, câu chữ, Hoài Thanh đã gửi gắm tâm hồn người dân Hà Nam vào những bài hát Văn đậm đà bản sắc. Ông Lê Cường, du khách từ Hà Nội nhận xét: “Tôi nghe hát Văn nhiều, nhưng lối hát của cậu ấy rất sang, rất tinh tế. Hoài Thanh còn trẻ, nhưng giọng hát và cách xử lý kỹ thuật hát Văn rất linh hoạt, làm cho các điệu hát uyển chuyển, đi vào lòng người”.
Ông Trần Vĩnh Thụy, đại diện Công ty TNHH Việt Event, đơn vị phối hợp tổ chức sự kiện này chia sẻ: Chúng tôi được phép của UBND thành phố tổ chức sự kiện này nhằm góp phần hưởng ứng Tuần văn hóa du lịch Hà Nam 2023 và Kỷ niệm 50 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam – Nhật Bản. Chính địa điểm này là nơi hàng tháng, câu lạc bộ hát Chầu văn tỉnh tổ chức hoạt động của mình. Vì thế, với người dân thành phố, hát Văn đã trở nên quen thuộc rồi. Nhưng vào thời điểm này, khi tỉnh đang tổ chức Tuần Văn hóa du lịch với hàng loạt các sự kiện lớn nhỏ, công ty đã có ý tưởng làm chương trình này, mời nghệ sỹ Hoài Thanh và các cộng sự của anh ấy về biểu diễn phục vụ nhân dân.
Cách làm mới, đầy sáng tạo này của Việt Event đã làm cho không khí của phố đi bộ nói chung, chương trình biểu diễn nghệ thuật tại không gian văn hóa nói riêng mang một sắc thái mới. Người già, trẻ con, trai thanh gái lịch có mặt ở không gian này đều lặng chìm trong tiếng nhạc du dương, trong những điệu múa thăng hoa, hàm xúc… Nhìn vào quang cảnh này mới thấy, việc đưa hát Văn lên sân khấu, hay đi vào phố theo cách mà bấy lâu nay thành phố làm đã mang lại một đời sống mới cho hát Văn.
Ông Hồ Điệp, phường Lương Khánh Thiện, thành phố Phủ Lý bày tỏ: “Hà Nam là một trong những cái nôi của hát Chèo và hát Văn. Người dân thành phố dù rất yêu thích các loại hình nghệ thuật này nhưng ít có điều kiện để đến cửa đền, cửa phủ xem, thưởng thức. Vẫn biết, môi trường, điều kiện tồn tại của hát Văn là những nơi đó, song để nó sống, phát huy được giá trị trong đời sống tinh thần của nhân dân thì việc sân khấu hóa hát Văn cũng là biện pháp tốt để nhân dân được thưởng thức nghệ thuật truyền thống của cha ông. Hôm nay, Việt Event tổ chức được chương trình nghệ thuật với quy mô như thế này thực sự làm cho người dân thành phố thấy hạnh phúc”
Sau các phần trình diễn hát Văn, ca sỹ Mai Trần Lâm đã phục vụ nhân dân và du khách nhiều ca khúc Borelo, trữ tình và truyền thống cách mạng. Người xem đã ngồi đến phút cuối cùng của chương trình. Bà Trần Thị Yến, phường Trần Hưng Đạo nói: “Hôm nay ở trung tâm văn hóa tỉnh khai mạc Liên hoan các trích đoạn hay nghệ thuật sân khấu toàn quốc, nhưng chúng tôi đã lựa chọn ở lại sân rạp chiếu bóng Biên Hòa cũ để thưởng thức hát Văn và giao lưu với nghệ sỹ. Thực sự, lựa chọn này của chúng tôi đã rất chính xác, chương trình mộc mạc mà đi vào lòng người”