Không hủy kết quả đấu giá biệt thự hơn 300 tỉ ở quận 1
Một công ty khởi kiện đòi hủy kết quả bán đấu giá biệt thự số 10 Alexandre De Rhodes tại trung tâm quận 1, TP.HCM nhưng không được chấp nhận.
Mới đây, TAND TP.HCM xử phúc thẩm đã bác kháng cáo của nguyên đơn, y án sơ thẩm không hủy kết quả bán đấu giá tài sản căn biệt thự số 10 Alexandre De Rhodes (phường Bến Nghé, quận 1, TP.HCM).
Tài sản thế chấp ngân hàng bảo lãnh nợ
Đầu năm 2019, Công ty TNHH Phong Nguyên (quận 1, TP.HCM) khởi kiện Công ty Đấu giá hợp danh tài sản Lam Sơn (quận Tân Phú) ra TAND quận 1 tranh chấp về hủy kết quả bán đấu giá căn biệt thự trên. Công ty Phong Nguyên cho rằng mình là chủ sở hữu đối với tài sản là nhà, đất trên. Tài sản này được thế chấp và thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh tại Ngân hàng NN&PTNT Việt Nam - chi nhánh trung tâm Sài Gòn.
Trước đây, công ty có nhận cọc để chuyển nhượng nhà, đất trên cho bà Nguyễn Thị Thu Hải vì muốn tháo khoán cho những khoản nợ với ngân hàng. Sau đó, các bên chưa thể tiến hành mua bán. Do thời gian chờ đợi lâu, bà Hải đã khởi kiện tranh chấp hợp đồng thỏa thuận chuyển nhượng nhà, đất và được TAND quận 1 thụ lý cuối năm 2017.
Trong thời gian chờ giải quyết, Công ty Phong Nguyên nhận được thông tin ngân hàng ra thông báo bán đấu giá tài sản bảo đảm thu hồi nợ vay. Cho rằng việc bán đấu giá tài sản trên là trái pháp luật và làm thiệt hại đến quyền và lợi ích, công ty đã làm đơn khiếu nại gửi đến ngân hàng, yêu cầu ngừng toàn bộ việc đấu giá xử lý tài sản.
Tuy nhiên, ngày 4-5-2018, ngân hàng và Công ty Lam Sơn đã bán đấu giá biệt thự trên với giá gần 319 tỉ đồng.
Hai cấp tòa đều bác yêu cầu khởi kiện
Xử sơ thẩm tháng 9-2019, TAND quận 1 tuyên không chấp nhận toàn bộ yêu cầu của nguyên đơn về việc hủy kết quả đấu giá và hủy hợp đồng mua bán tài sản đấu giá giữa ngân hàng, Công ty Lam Sơn và người trúng đấu giá để hoàn trả quyền sở hữu nhà ở, quyền sử dụng đất đối với tài sản bán trên.
Phía nguyên đơn đã kháng cáo yêu cầu hủy án sơ thẩm.
HĐXX phúc thẩm đồng tình với án sơ thẩm về việc giữa nguyên đơn và ngân hàng ký kết các hợp đồng tín dụng và hợp đồng thế chấp trên cơ sở tự nguyện, không vi phạm pháp luật. Sau khi ký hợp đồng giải ngân tiền vay, các công ty đã vi phạm nghĩa vụ thanh toán các khoản nợ nên chuyển sang nợ quá hạn và thuộc nhóm nợ xấu. Ngày 5-12-2017, ngân hàng thực hiện việc thu giữ tài sản bảo đảm trên có sự chứng kiến của đại diện UBND phường, công an phường.
Nguyên đơn trình bày công ty đã nhận cọc để chuyển nhượng nhà và đất trên cho một người khác nên ngân hàng thu giữ tài sản để bán đấu giá là trái quy định. Tại thời điểm thu giữ tài sản, Công ty Phong Nguyên không xuất trình được tài liệu, chứng cứ nào thể hiện tài sản bảo đảm đang bị tranh chấp trong một vụ án đã được tòa án thụ lý hoặc đang bị tòa án áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời hoặc biện pháp bảo đảm thi hành án nào khác.
Việc bà Hải tranh chấp hợp đồng thỏa thuận chuyển nhượng nhà, đất với Công ty Phong Nguyên tại tòa xử lý sau thời điểm ngân hàng thu giữ tài sản bảo đảm và hiện nay vụ án đã được đình chỉ giải quyết do bà Hải rút đơn khởi kiện. Tòa xác định ngân hàng thực hiện việc thu giữ tài sản bảo đảm là phù hợp với quy định. Kết luận thanh tra của Bộ Tư pháp thể hiện các vi phạm của Công ty Lam Sơn không thuộc trường hợp hủy kết quả đấu giá theo Điều 72 Luật Đấu giá tài sản.
Ngoài ra, tòa cho rằng bên khởi kiện cũng không có tài liệu, chứng cứ nào chứng minh giữa người có tài sản đấu giá, người tham gia đấu giá, người trúng đấu giá, tổ chức đấu giá có hành vi tiêu cực. Đồng thời, tòa cũng bác việc nguyên đơn cho rằng tòa sơ thẩm thụ lý giải quyết vụ án, không chờ kết quả của CQĐT… vì không có cơ sở.
Lỗi đánh máy nhầm tên kiểm sát viên
Trong quá trình tòa phúc thẩm thụ lý giải quyết, phía nguyên đơn có kiến nghị cho rằng người tiến hành tố tụng ở cấp sơ thẩm không đúng. Cụ thể là kiểm sát viên trong các quyết định tố tụng là Nguyễn Kim Oanh nhưng tại bút lục trong biên bản phiên tòa là Trần Lệ Thủy.
Về việc này, HĐXX phúc thẩm cho biết cấp sơ thẩm có văn bản giải trình đó là do lỗi đánh máy. Theo tòa, trong các quyết định tố tụng của cấp sơ thẩm và thực tế diễn biến tại phiên tòa sơ thẩm, kiểm sát viên là bà Nguyễn Kim Oanh.
Việc cấp sơ thẩm ghi nhầm tên kiểm sát viên trong biên bản phiên tòa không làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự hay ảnh hưởng đến bản chất vụ án nên không cần thiết phải hủy án. Tuy nhiên, cấp sơ thẩm cần rút kinh nghiệm.