Không im lặng trước bạo lực gia đình

Gia đình là tế bào của xã hội, xảy ra bạo lực trong gia đình sẽ gây cản trở sự phát triển xã hội, gây tổn hại về tinh thần vàthể cho nạn nhân bị bạo lực. Vì vậy, đừng im lặng, đừng cam chịu, hãy lên tiếng!

thân

Tuyên truyền bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới tại xã Cốc Đán (Ngân Sơn).

Đừng sợ “Vạch áo cho người xem lưng”

Thời gian qua, "Góc tư vấn giới và gia đình"- Hội LHPN tỉnh Bắc Kạn nhận được nhiều cuộc gọi, thông tin về tình trạng bạo lực gia đình. Ở cái tuổi an nhàn, vui vẻ bên con cháu, nhưng bà C (mã số TPBK301220210141 tại TP. Bắc Kạn) dù đã hơn 80 tuổi vẫn đau lòng khi hằng ngày chứng kiến cảnh bạo lực gia đình từ chính người con trai của mình. Con trai bà năm nay đã 45 tuổi, không chịu khó làm ăn, trong nhà có đồ giá trị là mang đi bán. Mẹ, vợ và con can ngăn thì chửi, mắng cả nhà. Dù anh ta từng có tiền án đi cải tạo 3 năm do mang súng dọa bắn mẹ, vợ và con, nhưng khi được trả tự do vẫn chứng nào tật ấy. Vợ và con trai anh ta thường xuyên bị bạo hành nên đã rời nhà đi làm thuê. Rồi anh ta bị tai nạn, sau khi ra viện được 02 ngày lại mang thóc đi bán để lấy tiền tiêu xài. Bà C can ngăn, anh ta chỉ thẳng vào mặt mẹ mà chửi mắng thậm tệ. Bà C chỉ biết khóc trong khổ đau.

Câu chuyện của Chị O. (mã số PNBK16620200096 tại huyện Pác Nặm) thật ám ảnh: Sau mỗi lần uống rượu về là anh B đánh, chửi vợ. Lần mất hết nhân tính của con người là khi anh B. uống rượu về, chửi, đánh và lột hết quần áo của vợ, sau đó lấy cây củi đang cháy rực trong bếp dí vào người vợ. Toàn thân chị O. bỏng nặng phải vào bệnh viện cấp cứu. Câu chuyện đau lòng này được Chủ tịch Hội Phụ nữ xã chia sẻ lại. Dù vậy, bao nhiêu năm nay cho O. chịu đựng không dám lên tiếng bởi chị sợ ly hôn sẽ mang tai tiếng.

Chị N. (mã số CĐBK0582019065 ở huyện Chợ Đồn) thường xuyên bị chồng đánh nhưng không dám chia sẻ với ai bởi sợ chồng biết càng bị đánh nhiều hơn. Lần đau đớn nhất là anh chồng dùng dao đâm, đánh chị gãy xương sườn, phải đi điều trị tại Thái Nguyên.

Chị H.T.T (mã số BBBK21102019073 ở huyện Ba Bể) kết hôn với anh T.V.H và sinh được 2 con. Mấy năm gần đây, anh H. đổi tính thường xuyên chửi, đánh, thậm chí bóp cổ vợ. Một hôm, chị T. đang giặt quần áo thì chồng về bắt đưa sổ đỏ, rồi bất ngờ lao đến đấm, đá, kéo tai chị. Hậu quả chị T. bị thâm tím khắp người, rách tai phải vào trạm y tế xã khâu 5 mũi. Chị đã làm đơn xin ly hôn, nhưng anh H. không đồng ý.

Chị X. (mã số BTBK150220210116 tại huyện Bạch Thông) chia sẻ: Anh chị sinh được 2 cô con gái, khi biết mình mang thai đứa thứ 3 thì thai đã gần 6 tháng, chị đi khám biết là con gái. Bố mẹ chồng chửi mắng rồi bắt chị phá thai, nhưng chị không đồng ý. Giờ con gái đã 5 tuổi, bố mẹ chồng bắt chị phải sinh bằng được đứa cháu trai. Anh chị lại cố, lần sinh thứ tư này chị chửa con trai, nhưng do lớn tuổi, sức khỏe kém dẫn đến đẻ non. Cháu bé mới được hơn 6 tháng, hay ốm yếu thường xuyên phải vào bệnh viện. Bố mẹ chồng chẳng đoái hoài, mặc kệ chị chăm con. Khi cháu ốm, ông bà lại chửi thậm tệ vì cho rằng chị không biết nuôi con. Chồng đi làm thuê không ở nhà, một mình chăm sóc 4 đứa con, chị thấy mệt mỏi vô cùng...

Đó chỉ là một số ít câu chuyện buồn về bạo lực gia đình được người thân, nạn nhân bị bạo lực gọi điện đến chia sẻ tại "Góc tư vấn giới và gia đình"- Hội LHPN tỉnh Bắc Kạn.

Hãy lên tiếng!

Bạo lực gia đình thường được nghĩ đến là những vết thương trên thân thể do hành hung gây nên. Thế nhưng, có một loại bạo lực gây nên vết thương trong tâm hồn, đó là bạo lực tinh thần. Nỗi đau mà nạn nhân phải gánh chịu dai dẳng nhưng rất khó để kêu cứu.

Bà Nguyễn Thị Kim Thông- Tư vấn viên Góc tư vấn giới và gia đình, Hội LHPN tỉnh cho biết: Từ trước đến nay, tư tưởng "trọng nam, khinh nữ" vẫn còn tồn tại. Nhiều phụ nữ chưa nhận thức được quyền bình đẳng giữa phụ nữ và nam giới; giữ cách suy nghĩ phụ nữ phải chịu hy sinh, phải nghe lời chồng và luôn cho rằng công việc gia đình là “thiên chức” của phụ nữ. Đây cũng chính là nguyên nhân dẫn đến nhiều vụ bạo lực gia đình. Thực tế đa phần nạn nhân im lặng vì sợ bị đổ lỗi, trách cứ, sợ ảnh hưởng đến các mối quan hệ, sợ bị mọi người nhìn bằng ánh mắt khác… Khi bị bạo lực gia đình, nạn nhân cam chịu, im lặng, không dám lên tiếng, điều đó càng làm cho vấn nạn bạo hành gia đình thêm dai dẳng.

Bạo hành gia đình diễn ra hằng ngày, tuy nhiên số nạn nhân tìm đến chia sẻ với các cơ quan chức năng không nhiều. Từ năm 2017 - 2021, toàn tỉnh xảy ra 444 vụ bạo lực gia đình; riêng năm 2021 có 61 vụ. Góc tư vấn giới và gia đình - Hội LHPN tỉnh đã tiếp nhận và hỗ trợ tư vấn cho 140 trường hợp bị bạo lực gia đình.

Để hạn chế bạo lực gia đình, nhiều năm qua, Hội LHPN tỉnh phối hợp với các cơ quan liên quan tăng cường tuyên truyền đến hội viên phụ nữ để nâng cao nhận thức về bạo lực gia đình, từ đó có cách phòng tránh nhằm hạn chế mâu thuẫn có thể bùng nổ thành xung đột. Đồng thời ngăn chặn kịp thời và bảo vệ, hỗ trợ nạn nhân bị bạo lực, xử lý nghiêm các vụ vi phạm về bạo lực gia đình, bất bình đẳng giới.

Tuy nhiên, để ngăn chặn nạn bạo hành, không có cách nào khác là chính nạn nhân phải lên tiếng, tìm hiểu rõ quyền và trách nhiệm của mình. Khi bị bạo hành, người phụ nữ đừng nhẫn nhục chịu đựng, hãy lên tiếng để bảo vệ chính mình khi bị bạo lực gia đình. Hãy gọi ngay đến đường dây nóng 088.613.93.93 hoặc qua hộp thư điện tử tuvangiadinhbk@gmail.com của Góc tư vấn giới và gia đình Hội LHPN tỉnh Bắc Kạn để được hỗ trợ, tư vấn./.

H.N

Nguồn Bắc Kạn: http://baobackan.com.vn/xa-hoi/202205/khong-im-lang-truoc-bao-luc-gia-dinh-7b301c6/