Không khai thác thương mại trên ghềnh Nam Ô

Chủ đầu tư phối hợp với chính quyền quản lý, vận hành hoạt động du lịch không thu phí tại đây.

Dự án khu nghỉ dưỡng Nam Ô đang hướng đến lợi ích của cộng đồng

Dự án khu nghỉ dưỡng Nam Ô đang hướng đến lợi ích của cộng đồng

Thăng trầm của một dự án

Năm 2010, sau khi Tập đoàn Trung Thủy đầu tư trạm dừng đường bộ Hải Vân, (nằm trên đường tránh Nam hầm Hải Vân), TP. Đà Nẵng đã kêu gọi Trung Thủy tiếp tục đầu tư phát triển du lịch tại làng biển Nam Ô, nằm trên địa bàn phường Hòa Hiệp Nam, quận Liên Chiểu để xóa đi cảnh nhếch nhác đang tồn tại ở đây. Khu vực này trước đây từng được giao cho một chủ đầu tư khác, song vì nhiều lý do nên không thể triển khai, buộc chính quyền địa phương phải thu hồi…

Ngay sau đó, dự án khu du lịch sinh thái Nam Ô với chủ đầu tư là Công ty cổ phần Trung Thủy Đà Nẵng, đã được UBND TP. Đà Nẵng phê duyệt tại quyết định 9926/QĐ- UBND ngày 20/12/2010, có điều chỉnh năm 2014. Tổng hồ sơ cần giải tỏa đền bù là 676. Đến ngày 17/9/2010, chủ đầu tư đã hoàn thành nghĩa vụ tài chính.

Sau hơn 7 năm triển khai công tác giải phóng mặt bằng, cùng nhiều công việc khác, đến cuối năm 2017, Trung Thủy Đà Nẵng được bàn giao mặt bằng để thi công. Trước đó, chủ đầu tư đã nỗ lực hoàn thiện các thủ tục, nhằm đẩy nhanh tiến độ để xây dựng một dự án nghỉ dưỡng, sinh thái và văn hóa tâm linh theo quyết định phê duyệt của UBND TP. Đà Nẵng.

Tuy nhiên, đến đầu năm 2018, dự án lại gây ra nhiều phản ứng không đồng thuận trong dư luận. Theo đó, nhiều người dân địa phương đã đồng loạt bao vây dự án để phản đối. Lý do họ đưa ra là dự án cản trở lối đi xuống biển của bà con.

Trước sức ép của dư luận, cuối năm 2018 TP Đà Nẵng đã quy hoạch lại dự án. Theo đó điều chỉnh quy hoạch diện tích của dự án xuống chỉ còn 16 ha, bảo toàn ghềnh đá và các di tích lâu đời. Cụ thể là điều chỉnh mặt tiền đường Nguyễn Tất Thành để bố trí công viên, giao cho quận Liên Chiểu quản lý; điều chỉnh lối xuống biển; giữ lại diện tích hồ nước, khu vực lăng Ngư ông, miếu Âm hồn… Chính vì thế, chủ đầu tư lại phải điều chỉnh quy hoạch của dự án, theo đúng chỉ đạo của chính quyền địa phương.

Điều đáng nói, trong khi chờ tìm được tiếng nói chung giữa chính quyền và nhà đầu tư, người dân địa phương lại kéo ra khu vực xung quanh ghềnh Nam Ô dựng lều trái phép để buôn bán hàng rong, phục vụ khách du lịch. Việc làm tự phát trái phép này đã khiến mất mĩ quan đô thị, an ninh trật tự và ô nhiễm môi trường do du khách xả rác. Trước tình trạng trên, UBND TP. Đà Nẵng lại phải chỉ đạo tháo dỡ toàn bộ lều trái phép, trả lại hiện trạng ban đầu.

Hướng đến lợi ích của cộng đồng

Mới đây, để tháo gỡ những vướng mắc cho dự án, đồng thời khai thác hiệu quả những tiềm năng du lịch tại khu vực, ông Đặng Việt Dũng - Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP. Đà Nẵng đã chủ trì cuộc họp về Phương án quản lý ghềnh Nam Ô và Đề án “Du lịch trải nghiệm bình minh ở vịnh Nam Ô trên thuyền thúng” do Trung Thủy Đà Nẵng đề xuất. Cuộc họp có sự tham gia đầy đủ của đại diện các sở ban ngành TP. Đà Nẵng, chính quyền quận Liên Chiểu và Công ty cổ phần Trung Thủy Đà Nẵng.

Tại đây, đại diện Trung Thủy Đà Nẵng cho biết, dưới sự chỉ đạo của UBND thành phố, công ty đã hoàn tất điều chỉnh quy hoạch 1/500 dự án khu nghỉ dưỡng Nam Ô và đang tích cực làm việc với các cơ quan chức năng theo đúng quy trình để tiến hành thẩm định, trình phê duyệt quy hoạch theo quy định hiện hành. Với sự chuẩn bị sẵn sàng về tiềm lực tài chính, nhân sự cũng như kỹ thuật trong suốt thời gian qua, Trung Thủy Đà Nẵng cam kết sẽ triển khai dự án trong thời gian sớm nhất ngay khi quy hoạch được phê duyệt.

Dưới sự chỉ đạo của UBND TP. Đà Nẵng dựa trên đề xuất của quận Liên Chiểu, Công ty cổ phần Trung Thủy Đà Nẵng sẽ quản lý ghềnh Nam Ô theo đúng các tiêu chí: Không khai thác thương mại trên ghềnh Nam Ô; đồng thời, đầu tư xây dựng các hạng mục như, bãi đậu xe, nhà nghỉ chân, nhà vệ sinh công cộng, phục vụ chụp ảnh, cầu dây đi xung quanh ghềnh… nhằm phục vụ khách du lịch và người dân.

Công ty sẽ phối hợp với chính quyền địa phương để quản lý vận hành hoạt động du lịch không thu phí trên ghềnh, chỉ cho phép chụp hình, tham quan và không cho phép tắm tại khu vực bãi biển ngay chân ghềnh đá Nam Ô nhằm đảm bảo an toàn.

Bên cạnh đó, Trung Thủy Đà Nẵng cũng cam kết giữ nguyên hiện trạng thực vật tự nhiên trên ghềnh, sử dụng các vật liệu thân thiện với môi trường, tiến hành dọn dẹp vệ sinh, cải tạo cảnh quan và thực hiện các hoạt động nâng cao ý thức người dân trong việc bảo đảm vệ sinh môi trường trên ghềnh. Tổng chi phí cho việc đầu tư quản lý ghềnh Nam Ô dự kiến khoảng 7 tỷ đồng, chưa kể các chi phí duy trì và vận hành hàng năm. Những chi phí này đều do Trung Thủy Đà Nẵng đầu tư và không hoàn lại.

Đặc biệt, đề án “Du lịch trải nghiệm bình minh ở vịnh Nam Ô trên thuyền thúng kết hợp trải nghiệm ăn uống và mua sắm trong làng Nam Ô”, của Trung Thủy Đà Nẵng đã được UBND thành phố đánh giá cao và đạt được tiếng nói chung về việc triển khai. Đề án được Trung Thủy Đà Nẵng đầu tư toàn bộ kinh phí, có sự tham gia thực hiện của chính quyền địa phương, cư dân Nam Ô và Trung Thủy Đà Nẵng nhằm đảm bảo mô hình phát triển lâu dài, đảm bảo chất lượng và dung hòa lợi ích giữa các bên.

Trong đó, các hạng mục trọng tâm đề án cũng sẽ giải quyết hiệu quả các vấn đề mà dư luận đang quan tâm trong thời gian qua. Cụ thể, chủ đầu tư sẽ xây dựng các tour khám phá văn hóa, lịch sử Nam Ô trên cơ sở bảo tồn các công trình tâm linh: Các công trình như lăng Ngư Ông, miếu Âm Hồn, miếu Bà Liễu Hạnh, mộ Tiền Hiền, giếng vuông…

Với mong muốn được góp sức trong việc quảng bá niềm tự hào của người dân khi Nghề làm nước mắm Nam Ô trở thành Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia, Trung Thủy Đà Nẵng sẽ xây dựng các tour tham quan làng Nam Ô. Đặc biệt, Trung Thủy Đà Nẵng sẽ triển khai mô hình du lịch ngắm cảnh bằng thuyền thúng để mang đến một trải nghiệm độc đáo chưa từng có tại Đà Nẵng, giúp du khách chiêm ngưỡng được trọn vẹn vẻ đẹp vốn có của Nam Ô. Đây là hoạt động giúp người dân Nam Ô tạo thêm thu nhập từ việc kinh doanh du lịch.

Trong khu vực dự án, chủ đầu tư sẽ bố trí các lối xuống biển để phục vụ công cộng cho người dân và du khách. Nguồn nhân lực chính được sử dụng trong đề án chính là người dân làng Nam Ô, góp phần giải quyết việc làm cho các lao động ở địa phương…

Như vậy, sau nhiều vướng mắc, thăng trầm đến nay dự án khu nghỉ dưỡng Nam Ô đã có hướng ra, khi chính quyền và chủ đầu tư đã tìm được tiếng nói chung. Hy vọng, lần này dự án sẽ “xuôi chèo, mát mái” để góp phần vào sự phát triển khu vực tây bắc Đà Nẵng.

Bài và ảnh Nghi Lộc

Nguồn TBNH: http://thoibaonganhang.vn/khong-khai-thac-thuong-mai-tren-ghenh-nam-o-92786.html