Không khéo 'phố Tây' lại vắng 'khách Tây'!

Có nhiều ý kiến cho rằng mô hình hiện nay đang áp dụng tại một 'khu phố Tây' tại Đà Nẵng là không phù hợp, dễ khiến cộng đồng người nước ngoài ở đây dần rời đi nơi khác.

Lâu nay, thành phố biển Đà Nẵng hình thành các khu vực cộng đồng người nước ngoài đến du lịch và sinh hoạt. Ví dụ như cộng đồng Hàn Quốc thường chọn khu vực đường Phạm Văn Đồng, Trần Bạch Đằng ở quận Sơn Trà, trong khi nhóm khách Âu – Mỹ – Úc (thường gọi là khách Tây) chọn khu vực tứ giác An Thượng – Hoàng Kế Viêm ở quận Ngũ Hành Sơn làm nơi sinh hoạt. Những khu vực này đều gần biển.

Dần dà, những khu vực đó hình thành các dịch vụ phù hợp với lối sinh hoạt của những cộng đồng người nước ngoài nói trên. Tại “khu phố Hàn Quốc”, nhiều nhà hàng kiểu Hàn, dịch vụ nail và chăm sóc sắc đẹp mọc lên. Trong khi đó, các quán bar, pub dễ tìm thấy ở “khu phố Tây” vào ban đêm. Vào ban ngày, nếu không phải đi làm thì họ ra biển lướt sóng và tắm nắng.

Nói như vậy không có nghĩa là những nơi đó sẽ trở thành những khu phố “của” người nước ngoài hoặc “chỉ” dành cho người nước ngoài. Mà ở đây, xét trên góc độ là thành phố du lịch thì những nơi đó có thể được xem là những điểm đến thu hút cộng đồng du khách quốc tế. Và đương nhiên, người địa phương cũng như du khách trong nước vẫn lui tới sinh hoạt, vui chơi bình thường. Chỉ có điều, nếu xem đó là những khu phố du lịch quốc tế, việc đáng quan tâm là xây dựng một mô hình phù hợp sao cho những du khách nước ngoài cảm thấy không gian nơi đó gần gũi với họ, tránh cảm giác là một nơi lộn xộn, xô bồ.

Mới đây, chính quyền sở tại đã thực hiện thí điểm chợ đêm kết hợp với phố đi bộ tại “khu phố Tây” nhằm thúc đẩy kinh tế đêm, đáp ứng được nhu cầu giải trí và mua sắm của người dân địa phương và du khách.

Tuy nhiên, sau gần một tháng triển khai, có người nhận xét rằng mô hình này dành cho người Việt trong nước thì hợp hơn chứ không thể dành cho khách quốc tế. Khung cảnh hàng quán hai bên đường và những điểm “check in” vốn phù hợp với giới trẻ lại dường như lại là những điểm trừ với khách nước ngoài.

Một doanh nhân làm du lịch lâu năm ở Đà Nẵng cho rằng nên thay đổi cách làm hiện nay.

Anh gợi ý phát động một cuộc thi ý tưởng về phố đêm tại khu vực An Thượng (“khu phố Tây” nói trên). Chính quyền sở tại mời các chuyên gia và những du khách đi nhiều nơi trên thế giới đến ở tại khu phố này một tuần lễ. Sau đó kết hợp với ý tưởng của những người đã sống tại “khu phố Tây” này một thời gian để ra được một mô hình phù hợp hơn, đa dạng dịch vụ và sản phẩm hơn.

“Hiện nay chí ít chỉ cần phát động các quán bar, pub tại đây tham gia phong trào làm kinh tế đêm cũng như tạo cơ chế linh hoạt sẽ dần hình thành phố đêm chuẩn thu hút khách quốc tế”, vị doanh nhân chia sẻ.

Đi một vòng “khu phố Tây” ngày cuối tuần, người viết cũng thử hỏi những khách nước ngoài tại đây về việc “làm mới” khu phố này. Họ cho biết ban đầu cũng thấy tò mò và trải nghiệm thử. Tuy nhiên, chỉ qua ngày thứ ba là họ lại “quay về” với các quán bar, quán cà phê mang phong cách mà họ thấy quen thuộc.

Có thể nói rằng, luôn tạo ra các sản phẩm, dịch vụ mới để tăng trải nghiệm cho khách là đúng tại một điểm đến du lịch thu hút khách quốc tế như Đà Nẵng. Tuy nhiên, tạo ra sản phẩm, dịch vụ phù hợp lại là một câu chuyện khác và cần sự phối hợp từ nhiều bên. Câu chuyện cụ thể ở “khu phố Tây” là phải tạo ra được sản phẩm tăng trải nghiệm cho cộng đồng người nước ngoài hiện tại và những khách quốc tế khác khi đến Đà Nẵng, thậm chí là người địa phương.

Nhân Tâm

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/khong-kheo-pho-tay-lai-vang-khach-tay/