Không khí chuẩn bị đón Tết Nguyên đán tại đất nước Hồi giáo Indonesia
Là một đất nước có số dân theo Đạo hồi lớn nhất thế giới, nhưng năm mới âm lịch cũng là ngày lễ quốc gia của Indonesia.
Từ năm 2001, Tổng thống thứ 4 của nước Cộng Hòa Indonesia Abdurrahman Wahid đã ra quyết định xác định Tết nguyên đán là ngày lễ Quốc gia của đất nước này. Điều này chứng minh Indonesia là một quốc gia có nền văn hóa đa dạng và có tự do tín ngưỡng, tôn giáo.
Khoảng 1,2% dân số Indonesia là người gốc Trung Hoa. Một điều thú vị là, cộng đồng người gốc Trung Hoa tại Indonesia dù theo tôn giáo nào, kể cả Đạo hồi cũng đón ngày lễ này.
Trước Tết nguyên đán một tuần, chợ người Hoa tấp nập người dân đến mua sắm đồ trang trí tết như hoa đào, quất, đèn lồng, phong bao... Người dân bắt đầu dọn dẹp và trang hoàng nhà cửa.
Thời điểm này, không khí năm mới được cảm nhận rõ nhất tại các đền chùa Phật giáo và các khu vực có người gốc Hoa sinh sống. Tại đây người ta treo những chiếc đèn lồng đỏ thắm. Hình tượng những chú chuột tượng trưng cho năm mới Canh Tý và cây đào xuất hiện nhiều tại các trung tâm thương mại lớn.
Các bà nội trợ bắt đầu vào bếp làm bánh “tổ”, loại bánh được chế biến từ bột gạo nếp, đường nâu và gừng dùng để cúng trong ngày Tết Nguyên đán của người Trung Quốc. Mặc dù có thể ăn quanh năm, nhưng theo truyền thống, nó phổ biến nhất trong dịp tết. Ăn bánh tổ được coi là may mắn trong thời gian này.
Tại các đền chùa, người ta thực hiện nghi lễ tắm tượng, phóng sinh và cúng bái. Bởi vậy mà thông thường, vào các dịp Tết nguyên đán, ngành công nghiệp hương, nến và đèn lồng tại Indonesia đạt doanh thu ấn tượng, tăng từ 3 - 4 lần so với ngày thường.
Đêm giao thừa tại Indonesia cũng sẽ diễn ra các màn bắn pháo hoa và múa lân. Người dân gốc Trung Hoa sẽ đi đến đền chùa đầu năm, đi chúc tết họ hàng, làng xóm và trao nhau những phong bao lì xì đỏ, tượng trưng cho sự may mắn của năm mới. Ngày lễ năm mới của người gốc Hoa tại Indonesia kéo dài cho tới Tết nguyên tiêu, 15 tháng Giêng âm lịch./.