Không khí Hà Nội hôm nay ô nhiễm rất nghiêm trọng, vì sao AQI luôn ở mức cao?

Theo chỉ số AQI, chất lượng không khí Hà Nội bị ô nhiễm nghiêm trọng, nhiều nơi lên ngưỡng tím là mức rất có hại. Mức bụi mịn tại Hà Nội đang cao gấp nhiều lần tiêu chuẩn của WHO.

AQI tại Hà Nội cao mức báo động

Hà Nội hiện đang trong giai đoạn ô nhiễm không khí nhất trong năm. Chỉ số chất lượng không khí (AQI) tại Thủ đô Hà Nội từ đầu tháng 2 đến nay có tới 10 ngày ở mức kém.

Tính đến 9h sáng hôm nay (ngày 3/3), AQI nhiều nơi ở ngưỡng tím (mức rất có hại). Nồng độ bụi mịn PM2.5 lên tới 211 US AQI. Với mức nồng độ này rất có hại cho sức khỏe của mọi người nhất là nhóm người nhạy cảm, mắc các bệnh về hô hấp, người già và trẻ nhỏ.

Theo chỉ số quan trắc AQI một số khu vực tại Hà Nội của iqair.com, mức chỉ số ô nhiễm không khí lên mức rất xấu với nồng độ bụi mịn nhiều trạm vượt con số 200, ở mức tím (mức không khí rất có hại). Cụ thể: Tây Hồ là 256 US AQI, Hoàn Kiếm là 233 US AQI, Bồ Đề là 232 US AQI…

Nhiều khu vực ở Hà Nội chỉ số AQI ở mức rất cao (nguồn: https: aqicn.org).

Nhiều khu vực ở Hà Nội chỉ số AQI ở mức rất cao (nguồn: https: aqicn.org).

Vì sao AQI ở Hà Nội luôn ở mức cao?

Trên VTV New, Sở TN&MT Hà Nội cho biết, số người thiệt mạng do các nguyên nhân bắt đầu từ bụi mịn của Hà Nội gần 5.800 người mỗi năm, chiếm 32% của miền Bắc. Qua quá trình thực đo, các nhà khoa học đã chỉ ra rằng, khoảng 1/3 lượng bụi PM2.5 có trong không khí đến từ các nguồn tại chỗ ở Hà Nội. Trong đó phát thải từ giao thông là nguyên nhân hàng đầu.

Theo kết quả từ năm 2015, 40% dân số của Thủ đô Hà Nội đã bị phơi nhiễm với nồng độ bụi PM2.5 ở mức trên 45 μg/m3, hơn gấp đôi mức quy chuẩn quốc gia. Đến nay, con số này cũng không giảm bởi gần 8 năm trôi qua vấn đề ô nhiễm không khí do giao thông chưa được giải quyết.

Tuy nhiên, lượng bụi mịn do giao thông chỉ chiếm 1/3 số bụi mịn ở Hà Nội. Các số liệu đo đạc cho thấy nguyên nhân ô nhiễm không khí Thủ đô còn nằm ở yếu tố bên ngoài. 2/3 lượng bụi mịn có nguồn gốc từ các hoạt động công nghiệp, bao gồm các nhà máy điện và công nghiệp lớn cũng như các làng nghề.

Các làng nghề nằm ở các tỉnh lân cận như Hưng Yên và Bắc Ninh vẫn ngày ngày thổi khói bụi về phía Hà Nội. Các loại khói thải này được sinh ra từ việc đốt than, đốt củi tại các nồi hơi và lò nung. Vào những ngày có gió, bụi mịn không chỉ được vận chuyển vào Hà Nội nhanh mà còn đậm đặc hơn rất nhiều.

Cần làm gì khi chỉ số AQI Hà Nội ở mức cao?

Trong bối cảnh ô nhiễm không khí nghiêm trọng và có thể kéo dài, các chuyên gia khuyến cáo người dân hạn chế ra khỏi nhà, vận động tập thể dục, lao động ngoài trời.

Khi ra đường nên sử dụng khẩu trang đảm bảo chất lượng và đeo khẩu trang đúng quy cách (đảm bảo kín, khít mặt).

Đặc biệt, ô nhiễm không khí ở Hà Nội chủ yếu là ô nhiễm bụi mịn PM 2,5. Người ra đường nên sử dụng các loại khẩu trang có khả năng ngăn bụi mịn, thay vì khẩu trang thông thường.

Bộ Y tế cũng khuyến cáo người dân nên vệ sinh mũi, súc họng sáng tối bằng nước muối sinh lý, đặc biệt sau khi ra đường. Tra rửa mắt bằng nước muối sinh lý vào buổi tối trước khi đi ngủ.

Nên hạn chế mở cửa sổ, cửa ra vào thời điểm không khí bị ô nhiễm nặng, đặc biệt các gia đình gần đường giao thông, gần khu vực ô nhiễm.

Thường xuyên vệ sinh phòng ở và nhà cửa, dọn dẹp thông thoáng môi trường sống. Hạn chế sử dụng hoặc thay thế sử dụng bếp than tổ ong, củi, rơm rạ bằng bếp điện, bếp từ hoặc bếp ga.

Trồng cây xanh trong và quanh nhà giúp ngăn bụi và làm sạch không khí.

Đối với người có bệnh hô hấp, bệnh tâm phế mạn tính, bệnh tim mạch, suy dinh dưỡng, già yếu, cần thực hiện các biện pháp dự phòng trên nghiêm ngặt hơn như tuân thủ và duy trì điều trị theo đơn của bác sĩ chuyên khoa. Nếu có dấu hiệu khó chịu, tăng nặng nên khám ngay tại các cơ sở y tế chuyên khoa.

Không đốt rác, đốt rơm rạ vì đây được coi là nguồn gây ô nhiễm không khí nguy hiểm vì có khả năng phát thải lượng bụi mịn rất lớn cũng như các chất độc khác.

L.Vũ (th)

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/khong-khi-ha-noi-hom-nay-o-nhiem-rat-nghiem-trong-vi-sao-aqi-luon-o-muc-cao-172230303100042773.htm