Không khí Hà Nội ô nhiễm trong khi rơm rạ vẫn cứ đốt đầy đồng
Tình trạng đốt rơm rạ sau khi thu hoạch vụ lúa mùa 2020 vẫn tiếp diễn tại một số xã Tân Hòa, Ngọc Mỹ, huyện Quốc Oai và một số địa phương khác trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Theo báo cáo của Phòng Tài nguyên và môi trường huyện Chương Mỹ, toàn huyện có diện tích trồng lúa khoảng 16.434 ha với sản lượng 6,3 tấn/ha. 9 tháng đầu năm, người nông dân trên địa bàn huyện áp dụng nhiều phương pháp xử lý rơm rạ khác nhau. Trong đó, tỷ lệ rơm rạ được cắt bằng máy liên hoàn vùi gốc xuống ruộng đạt cao nhất với trên 10.810 ha (chiếm gần 66%), sử dụng làm thức ăn chăn nuôi đạt gần 20%, đốt (đun nấu) đạt 9,9% và thấp nhất là sử dụng chế phẩm cho diện tích 200 ha (1,2%)
Còn tại huyện Quốc Oai, người dân đã thu hoạch được 75% diện tích lúa mùa năm 2020, tương đương khoảng 2.400 ha. Số lượng rơm rạ sau khi thu hoạch được sử dụng làm thức ăn chăn nuôi (802 ha), đốt (482 ha) và các phương pháp khác (1926ha). Tỷ lệ đốt rơm rạ trên địa bàn huyện chiếm khoảng 15% diện tích trồng lúa, giảm so với các năm trước đây song vẫn tiếp diễn tại một nơi như xã Ngọc Mỹ (thôn Ngọc Than), xã Yên Sơn, xã Thạch Thán, thị trấn Quốc Oai. Đây là địa bàn xã có diện tích trồng lúa nhỏ, không sử dụng được máy gặt đập liên hoàn trong quá trình thu hoạch.
Theo đại diện Phòng Tài nguyên môi trường huyện Quốc Oai, mặc dù UBND huyện đã ban hành một số văn bản chỉ đạo về việc hạn chế đốt rơm , rạ của các hộ dân tại các xã, thị trấn trên địa bàn huyện và tổ chức tuyên truyền trên đài truyền thanh về tác hại của việc đốt rơm rạ và vận động các hộ dân sử dụng các pháp cổ truyền hay sử dụng chế phẩm sinh học FITO-BIOMIX-RR để xử lý rơm, rạ tại đồng ruộng, nhưng hiện tượng đốt rơm rạ vẫn tái diễn.
Theo báo cáo của các địa phương, nguyên nhân chủ yếu là do thói quen của người dân, thích đốt rơm, rạ vì nhanh gọn, một bộ phận người dân chưa nhận thức tác hại của đốt rơm rạ tới sức khỏe, sự an toàn cho người đi đường và gây ô nhiễm môi trường. Mặt khác, việc lựa chọn đống ủ gặp nhiều khó khăn do một số vị trí đường hẹp, người dân lại không muốn giành diện tích ủ tại ruộng. Một số chủ vườn cây có nhu cầu mua tro đốt từ rơm rạ về bón cho cây trồng với giá cao nên một số người dân muốn đốt rơm, rạ để lấy tro bán.
Trong khi đó, rơm sau khi thu hoạch không đáp ứng yêu cầu về chất lượng của các doanh nghiệp thu mua rơm. Thời gian thu hoạch ở các xã không đồng đều cũng ảnh hưởng trong việc áp dụng đồng bộ một số biện pháp xử lý rơm rạ.
Kiến nghị thành phố tiếp tục hỗ trợ kinh phí xử lý rơm rạ
Việc đốt rơm rạ gây tác động tiêu cực đến môi trường cũng như sức khỏe người dân vì gây phát thải ra bụi mịn, các chất khí CO2, CO, NOX và hợp chất anđehít (khi rơm rạ không cháy hết).
Từ thực tế khảo sát ý kiến của người nông dân tại một số xã, huyện trên địa bàn TP.Hà Nội, Chuyên gia xã hội học - Tiến sĩ Phạm Quỳnh Hương, cho biết hiện nay nhiều người nông dân không mấy “mặn mà” đối với việc trồng lúa, do trồng lúa hiện không có lãi, đa phần người dân chỉ trồng lúa đủ phục vụ nhu cầu của gia đình hoặc để “giữ đất”. Do vậy, để hạn chế và thay đổi thói quen đốt rơm, rạ sau thu hoạch, bên cạnh những biện pháp truyền thông nâng cao nhận thức của người dân, rất cần những biện pháp hỗ trợ cụ thể từ phía chính quyền địa phương, các chuyên gia về nông nghiệp hướng dẫn người dân các biện pháp xử lý rơm rạ, cách lựa chọn các chế phẩm sinh học xử lý rơm đảm bảo chất lượng.
Theo bà Hương việc hỗ trợ kinh phí để mua các chế phẩm, chi phí để vận chuyển, xử lý rơm rạ cũng đặc biệt cần thiết trong điều kiện người nông dân còn nhiều khó khăn. “Nếu không đưa ra những biện pháp hỗ trợ phù hợp, thì việc đốt rơm rạ sẽ vẫn còn kéo dài”, bà Hương khẳng định.
Chính quyền một số địa phương cũng đề nghị Sở Tài Nguyên và môi trường Hà Nội tổ chức các lớp tập huấn, hướng dẫn nhân dân xử lý rơm rạ sau thu hoạch, hỗ trợ kinh phí tiếp tục triển khai xử lý rơm rạ bằng chế phẩm sinh học và nhân rộng đối với các mô hình sản xuất nông nghiệp, tận dụng các loại phụ phẩm nông nghiệp làm nguyên liệu đầu vào cho quá trình sản xuất: chăn nuôi bò sữa, bò thịt, trồng nấm…
Sở Tài Nguyên và môi trường Hà Nội đang phối hợp với các chuyên gia của trường Đại học Khoa học tự nhiên tiến hành khảo sát và xây dựng bản đồ về thực trạng đốt rơm rạ, tỷ lệ phát thải gây ô nhiễm môi trường để từ đó, đề xuất UBND thành phố có những chỉ đạo cụ thể đến từng quận, huyện xử lý triệt để tình trạng này.
Được biết, UBND thành phố Hà Nội mới ban hành Chỉ thị số 15, yêu cầu các địa phương hạn chế nhằm hướng tới không đốt rơm rạ, mục tiêu đến cuối năm 2020 không còn tình trạng đốt rơm rạ trên địa bàn thành phố.
Theo một kết quả nghiên cứu của các chuyên gia tại Đại học Nông nghiệp, đăng trên Tạp chí Khoa học và phát triển năm 2012, tập 10, số 1:
Nếu tỷ lệ đốt rơm rạ dao động từ 20-80% ở khu vực đồng bằng sông Hồng, việc đốt rơm rạ gây phát thải 1,2-4,7 triệu tấn CO2/ năm, CH4 là 1-3,9 nghìn tấn/năm, CO là 28,3-113,2 nghìn tấn/năm. Ở đồng bằng sông Cửu Long, lượng rơm đốt ước tính hàng năm phát thải 17,95 triệu tấn CO2; 485,58 nghìn tấn CO và 10,38 nghìn tấn NOX vào khí quyển.