Không khí hối hả ngày cuối năm trên các 'đại công trường'

Những ngày cận Tết Nguyên đán 2024, không khí làm việc trên 'đại công trường' dự án sân bay quốc tế Long Thành (Đồng Nai) và nhà ga T3 - sân bay Tân Sơn Nhất (thành phố Hồ Chí Minh) diễn ra khẩn trương, nhộn nhịp với hàng nghìn nhân công và thiết bị máy móc được huy động, miệt mài lao động ngày đêm. Ghi nhận của phóng viên Báo Lao động Thủ đô qua chùm ảnh.

Dự án nhà ga hành khách T3 - sân bay Tân Sơn Nhất có tổng mức đầu tư gần 11.000 tỷ đồng từ nguồn vốn của Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam - CTCP (ACV) với công suất 20 triệu hành khách/năm.

Phối cảnh dự án nhà ga hành khách T3. (Nguồn ACV).

Phối cảnh dự án nhà ga hành khách T3. (Nguồn ACV).

Hạng mục nhà ga hành khách có quy mô 1 tầng hầm và 4 tầng nổi, tổng diện tích sàn xây dựng là 112.500 m2. Nhà ga có hình tuyến tính tương đồng với nhà ga hiện hữu, được thiết kế thành 2 cao trình đi và đến riêng biệt, có 90 quầy thủ tục hàng không truyền thống, 20 quầy bagdrop thả hành lý tự động và 42 kiosk check in, 27 cửa ra tầu bay. Ngoài ra có 6 đảo xử lý hành lý đi và 10 đảo trả hành lý đến, 25 cửa kiểm soát an ninh hành khách đi.

 Hiện các đơn vị đã huy động 1.400 công nhân tham gia thi công của 5 nhà thầu, 16 cẩu tháp và trên 350 đầu xe, phương tiện thi công.

Hiện các đơn vị đã huy động 1.400 công nhân tham gia thi công của 5 nhà thầu, 16 cẩu tháp và trên 350 đầu xe, phương tiện thi công.

Hạng mục nhà xe và trung tâm dịch vụ phi hàng không gồm tổ hợp 2 tầng hầm, 4 tầng nổi và khối nhà để xe máy 3 tầng nổi được kết nối với nhau bằng hành lang cầu, tổng diện tích sàn xây dựng là 130.000 m2. Hạng mục hệ thống đường tầng trên cao (cầu cạn) gồm tầng 2 cao trình +6,0m, quy mô từ 2-3 làn xe, chiều rộng mỗi làn 3,5m, chiều dài 640m; tầng 3 có cao trình +11,5m, quy mô từ 2-5 làn xe, chiều rộng mỗi làn 3,5m, chiều dài 840m; cầu vượt rẽ nhánh vào nhà xe cao tầng với chiều dài 129,6 m.

Thi công trên công trường nhà ga T3.

Thi công trên công trường nhà ga T3.

Hiện nay khối lượng chung đạt khoảng 50% phần thô, trong đó đã hoàn thành gói thầu số 11 “Thi công phá dỡ, nền đất, móng cọc, sàn đáy tầng hầm công trình”. Riêng gói thầu số 12 “Thi công xây dựng và lắp đặt thiết bị nhà ga hành khách T3” được khởi công vào ngày 31/8/2023. Hiện nay hạng mục sàn đáy tầng hầm đạt 92,4%, sàn nắp tầng hầm đạt 46,46%, cột tầng 1 đạt 45%, dầm sàn SOG tầng 1 đạt 68%, sàn 2 đạt 27%...

Không khí lao động khẩn trương trên đại công trường nhà ga T3.

Không khí lao động khẩn trương trên đại công trường nhà ga T3.

Chủ đầu tư và nhà thầu, đơn vị thi công phấn đấu đến ngày 5/2/2024 (trước Tết Giáp Thìn) hoàn thành toàn bộ sàn, nắp tầng hầm, sàn SOG, toàn bộ sàn tầng 2 phía giáp sân đỗ máy bay và đến 15/5/2024 hoàn thành toàn bộ các sàn và bắt đầu lắp dựng kết cấu kèo sắt, mái.

Để tổ chức thi công, chủ đầu tư và các đơn vị thi công đã huy động nhiều phương tiện, cần cẩu.

Để tổ chức thi công, chủ đầu tư và các đơn vị thi công đã huy động nhiều phương tiện, cần cẩu.

Hiện nay dự án đang gặp vướng mắc do giải phóng mặt bằng chậm, chia làm nhiều giai đoạn rất khó tổ chức thi công cuốn chiếu trên quy mô rộng. Việc tổ chức mặt bằng thi công, lắp dựng cẩu, đường công vụ, bãi vật liệu, lán trại công nhân gặp khó khăn do mặt bằng chật hẹp. Cùng với đó, do thi công cùng thời điểm với các dự án lân cận của Thành phố nên việc kết nối giao thông rất khó khăn; việc vận chuyển vật liệu, xe bê tông, xe đổ thải tiếp cận công trường phải thực hiện vào ban đêm, thời gian rất ngắn, ảnh hưởng đến tiến độ.

Phối cảnh dự án sân bay quốc tế Long Thành. (Nguồn ACV).

Phối cảnh dự án sân bay quốc tế Long Thành. (Nguồn ACV).

Tương tự, không khí lao động diễn ra nhộp nhịp không kém tại dự án sân bay quốc tế Long Thành. Dự án có tổng mức đầu tư giai đoạn 1 hơn 99.000 tỷ đồng với quy mô 1 đường cất hạ cánh, 1 nhà ga hành khách cùng các hạng mục phụ trợ đồng bộ với công suất 25 triệu hành khách/năm và 1,2 triệu tấn hàng hóa/năm. Dự kiến thời gian hoàn thành và đưa vào khai thác thương mại cuối năm 2026.

 Hạng mục nhà ga hành khách - “trái tim” của dự án trong giai đoạn 1, đến thời điểm hiện tại đã rõ đường nét với thiết kế hình hoa sen.

Hạng mục nhà ga hành khách - “trái tim” của dự án trong giai đoạn 1, đến thời điểm hiện tại đã rõ đường nét với thiết kế hình hoa sen.

Mục tiêu của dự án sân bay quốc tế Long Thành đạt cấp 4F theo phân cấp của Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế (ICAO), trở thành sân bay lớn nhất Việt Nam và hướng tới trở thành một trong những cảng hàng không trung chuyển nhộn nhịp trong khu vực, có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng an ninh của quốc gia.

Thi công khẩn trương trên "đại công trường" dự án sân bay quốc tế Long Thành.

Thi công khẩn trương trên "đại công trường" dự án sân bay quốc tế Long Thành.

Hiện tại, trên công trường dự án sân bay quốc tế Long Thành đang triển khai thi công các hạng mục xây dựng lớn như công trình nhà ga hành khách thuộc gói thầu 5.10; công trình đường cất hạ cánh, đường lăn, sân đỗ tàu bay thuộc gói thầu 4.6; hệ thống giao thông kết nối tuyến số 1 và tuyến số 2 thuộc gói thầu 6.12.

Ngoài ra, công tác thi công móng cọc nhà ga hành khách đã hoàn thành vào tháng 8/2022 với tổng 1.560 cọc. Công tác san nền - thoát nước về cơ bản đã hoàn thành, đảm bảo mặt bằng bàn giao cho thi công các hạng mục chính như đường cất hạ cánh, đường lăn, sân đỗ máy bay và các khu vực bố trí các dự án thành phần 1, 2, 4.

Các đơn vị đã huy động gần 4.000 kỹ sư, công nhân trong nước và quốc tế với gần 2.000 máy móc, phương tiện, trang thiết bị thi công để triển khai thi công các gói thầu chính. Các mũi thi công cũng được triển khai tối đa, thi công liên tục ngày đêm với mục tiêu cao nhất là đẩy nhanh tiến độ.

Các đơn vị đã huy động gần 4.000 kỹ sư, công nhân trong nước và quốc tế với gần 2.000 máy móc, phương tiện, trang thiết bị thi công để triển khai thi công các gói thầu chính. Các mũi thi công cũng được triển khai tối đa, thi công liên tục ngày đêm với mục tiêu cao nhất là đẩy nhanh tiến độ.

Liên danh các nhà thầu trong nước và quốc tế đã hoàn thiện công tác nội nghiệp bao gồm xây dựng khu nhà điều hành hiện đại, xây dựng phòng thí nghiệm, khu tập kết nguyên vật liệu, thành lập các Ban chỉ huy công trường, lập biện pháp thi công tổng thể và chi tiết... đồng thời triển khai làm việc với chính quyền địa phương chuẩn bị các điều kiện để thi công lâu dài.

Dự án sân bay quốc tế Long Thành dự kiến hoàn thành và đưa vào khai thác giai đoạn 1 vào năm 2026.

Dự án sân bay quốc tế Long Thành dự kiến hoàn thành và đưa vào khai thác giai đoạn 1 vào năm 2026.

Công trình đường cất hạ cánh, đường lăn được khởi công vào ngày 31/8/2023, đến nay tổng khối lượng đào đất và đắp đất lần lượt đạt 675.000 m3 (27%) và 545.000 m3 (26%). Các đơn vị cũng đã khẩn trương thi công hệ thống tuyến giao thông kết nối tuyến số 1 và tuyến số 2. Trong đó đối với tuyến số 1, công tác giải phóng mặt bằng cơ bản đã hoàn tất, thông tuyến hệ thống làm đường phục vụ thi công nhà ga hành khách. Đối với tuyến số 2, dù còn nhiều khó khăn về mặt bằng thi công “xôi đỗ”, diện tích mặt bằng bàn giao chỉ đạt 45,04% gây khó khăn cho việc vận chuyển và điều phối đất đắp.

Xuân Tình

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/khong-khi-hoi-ha-ngay-cuoi-nam-tren-cac-dai-cong-truong-165250.html