Không khí lạnh tăng cường, Bắc Bộ tiếp tục xảy ra rét hại
Sáng nay (17-12), nhiều tỉnh, thành phố thuộc khu vực Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ xảy ra rét hại. Đáng ngại, từ ngày mai (18-12), bộ phận không khí lạnh khác tiếp tục tràn tới các khu vực này. Để giảm thiệt hại do giá rét gây ra, người dân cần lưu ý các biện pháp phòng tránh...
Mặc quần áo mỏng nhiều lớp, đeo khẩu trang, quàng khăn... là cách để bảo vệ sức khỏe trong những ngày rét. Ảnh: Nguyễn Định
Hà Nội xảy ra nhiều đợt rét đậm, rét hại
6h sáng nay (17-12), nhiều tỉnh, thành phố thuộc khu vực Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ chìm trong giá rét, khi nền nhiệt phổ biến 10-12 độ C. Đặc biệt, tại Trạm khí tượng Mẫu Sơn (tỉnh Cao Bằng), nhiệt độ thấp nhất ghi được ở mức 1 độ C, Sa Pa (tỉnh Lào Cai) 4,6 độ C, Đồng Văn (tỉnh Hà Giang) 4,8 độ C, Trùng Khánh (tỉnh Cao Bằng) 5,3 độ C... Còn tại thành phố Hà Nội, nhiệt độ thấp nhất phổ biến ở mức 11,6 độ C.
Đến trưa và chiều nay, thành phố Hà Nội giảm mây, hửng nắng, nhiệt độ tăng khoảng 3 độ C, ở mức 14-16 độ C... Các tỉnh, thành phố khác thuộc khu vực Bắc Bộ tiếp tục xảy ra rét đậm (dưới 13 độ C), rét hại (dưới 11 độ C)...
Đáng lưu ý, ở phía Bắc đang có bộ phận không khí lạnh di chuyển xuống phía Nam. Trong ngày mai (18-12), bộ phận không khí lạnh này sẽ ảnh hưởng đến các tỉnh, thành phố thuộc khu vực Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ.
Do ảnh hưởng của không khí lạnh tăng cường nên gần sáng và ngày mai, các tỉnh, thành phố thuộc khu vực Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ tiếp tục xảy ra rét đậm, có nơi rét hại với nhiệt độ thấp nhất 10-13 độ C, vùng núi 7-10 độ C, vùng núi cao có nơi dưới 5 độ C và có khả năng xảy ra băng giá.
Thành phố Hà Nội trong ngày 18-12 có mưa nhỏ và tiếp tục xảy ra rét đậm, rét hại, nhiệt độ thấp nhất phổ biến 11-13 độ C. Cơ quan khí tượng nhận định, đợt rét đậm, rét hại này tại thành phố Hà Nội còn kéo dài đến ngày 20-12.
Từ ngày 21 đến 24-12, thành phố Hà Nội xuất hiện nắng hanh, nhiệt độ ban ngày tăng thêm 3-4 độ C so với những ngày trước đó, ở mức 18-19 độ C. Tuy nhiên, nhiệt độ ban đêm và sáng sớm những ngày nêu trên tại Hà Nội vẫn duy trì ở mức 10-14 độ C, ngưỡng rét đậm, rét hại...
Đài Khí tượng thủy văn khu vực Đồng bằng Bắc Bộ vừa đưa ra nhận định, từ tháng 1 đến 6-2021, thành phố Hà Nội chịu ảnh hưởng 15-18 đợt không khí lạnh; trong đó có 4-6 đợt rét đậm, rét hại kéo dài từ 2 ngày trở lên và 1-2 đợt rét đậm, rét hại kéo dài trên 5 ngày. Các đợt rét đậm, rét hại này xảy ra trên địa bàn thành phố sẽ tập trung trong tháng 1 và 2-2021. Nhiệt độ trung bình trong tháng 1-2021 tại khu vực nội thành 16,5-17,5 độ C, ngoại thành 16-17 độ C. Tháng 2-2021, nền nhiệt trung bình sẽ cao hơn tháng 1-2021 khoảng 1,5-2,5 độ C, ở mức 18-19 độ C...
Chủ động phòng tránh
Rét đậm, rét hại là một trong 21 loại hình thiên tai nguy hiểm đối với sức khỏe con người và sản xuất nông nghiệp. Rét hại làm mất nhiệt cơ thể con người dẫn đến tử vong; làm vật nuôi chết cóng hoặc giảm sức đề kháng, dễ mắc các bệnh truyền nhiễm; còn với cây trồng có thể bị chết hoặc héo úa...
Vì vậy, để bảo vệ sức khỏe trong những ngày rét đậm, rét hại, cơ quan y tế khuyến cáo người dân Thủ đô và các tỉnh miền Bắc lưu ý biện pháp giữ ấm nhà bằng cách đóng kín cửa, sử dụng chăn, đệm, đèn sưởi; tuyệt đối không sử dụng bếp than tổ ong để sưởi trong phòng kín. Trước khi đi ngủ, người cao tuổi nên ngâm chân bằng nước ấm, giúp lưu thông máu và làm ấm cơ thể...
Những ngày rét, người dân nên tăng cường thể dục thể thao nhưng nên tập trong nhà, nơi kín gió, hạn chế tập ở ngoài trời khi nhiệt độ giảm ở mức quá thấp và có mưa, gió mạnh... Khi ra ngoài trời, người dân nên mặc quần áo mỏng nhiều lớp, giữ ấm phần đầu, cổ, ngực, đeo khẩu trang và mặc trang phục không thấm nước...
Để tăng khả năng chống rét cho cơ thể, người dân nên ăn đủ chất và lượng (tăng cường ăn rau xanh, trái cây và gia vị...); uống nước ấm, không uống rượu, bia và không tắm trong thời gian quá dài...
Đối với sản xuất nông nghiệp, cơ quan khuyến nông khuyến cáo, nông dân lưu ý các biện pháp phòng, chống rét cho vật nuôi bằng cách che chắn chuồng trại, không để gió lùa, mưa hắt, nền trại ẩm ướt, lầy lội; thường xuyên vệ sinh tiêu độc, khử trùng chuồng trại, xử lý chất thải chăn nuôi để tránh dịch bệnh...
Những ngày rét, nông dân không nên chăn thả gia súc, gia cầm ở ngoài trời; cung cấp đủ thức ăn, nước uống cho vật nuôi có bổ sung thức ăn tinh (bột ngô, sắn hoặc cám gạo), muối khoáng, men tiêu hóa... Để cây trồng không chết vì rét, người dân có thể sử dụng ni lông để che chắn mưa, gió; tăng cường biện pháp chăm sóc, tưới dưỡng...