Không khí ô nhiễm, người Ấn Độ như 'hút 50 điếu thuốc' mỗi ngày
Ô nhiễm không khí nghiêm trọng, bao gồm bụi mịn, ở thủ đô New Delhi, Ấn Độ với những màn sương mù dày đặc đã đạt tới ngưỡng 'khẩn cấp' và 'nghiêm trọng'. Tại một số khu vực, việc hít thở không khí đã trở nên độc hại giống như hút 50 điếu thuốc lá một ngày.
Ô nhiễm không khí nghiêm trọng, bao gồm bụi mịn, ở thủ đô New Delhi, Ấn Độ với những màn sương mù dày đặc đã đạt tới ngưỡng “khẩn cấp” và “nghiêm trọng”. Tại một số khu vực, việc hít thở không khí đã trở nên độc hại giống như hút 50 điếu thuốc lá một ngày.
"Ngưỡng nguy hiểm"
Theo trang tin Vox, vấn đề ô nhiễm không khí ở thủ đô New Delhi đang trở nên đáng báo động, và đây cũng là tình trạng chung tại Ấn Độ. Báo cáo của WHO năm ngoái cho biết 11/12 thành phố trên thế giới có nhiều bụi mịn PM2.5 nhất đến từ Ấn Độ. Loại bụi có đường kính nhỏ hơn hoặc bằng 2,5 micromet có thể gây ra hàng loạt hiểm họa về vấn đề tim mạch và hô hấp.
Vào một ngày giữa tháng 11, khi đường phố New Delhi ngập tràn trong khói mù mịt, Nikunj Pandey cảm thấy mắt cay xè và cổ họng đau rát khi bước ra đường.
Pandey tạm dừng việc tập thể dục hàng ngày vì cảm thấy ngột ngạt. Anh phải dùng khẩu trang và cảm thấy tức giận vì không thể hít thở không khí một cách an toàn.
“Đây (hít thở không khí trong lành) là quyền lợi cơ bản. Là quyền cơ bản của con người”, Pandey bức xúc nói.
Pandey là một trong số ngày càng nhiều người dân New Delhi ý thức được về sự độc hại của không khí tại thủ đô của Ấn Độ và lo ngại điều này sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe của mọi người.
Seema Upadhyaya, hiệu trưởng một trường tiểu học, nói rằng bà chưa bao giờ chứng kiến nhiều trẻ em mắc bệnh hô hấp như vậy vào năm nay. Nhà giáo dục này tin rằng đây là vấn đề đã tác động nghiêm trọng tới tất cả mọi người.
Jyoti Pande Lavakare, một nhà hoạt động kêu gọi các biện pháp chống ô nhiễm không khí ở New Delhi và Ấn Độ, cho biết cô chọn làm việc này vì cô đã chứng kiến mẹ mình qua đời vì ung thư phổi. Mẹ cô, bà Kamale Pande, một ca sĩ nhạc cổ điển, người không hút thuốc lá và gia đình không có tiền sử mắc bệnh phổi, đã rất “sốc” khi phát hiện mắc căn bệnh nan y.
Theo Vox, 20 triệu người dân New Delhi đang phải đối mặt tình trạng ô nhiễm không khí nghiêm trọng, có thể gây ra tác hại tới sức khỏe khi thành phố thủ đô Ấn Độ đang bước vào mùa đông. Nguyên nhân của tình trạng này xuất phát từ nhiều nguyên nhân bao gồm điều kiện thời tiết, vấn đề khí thải đô thị và khói bụi từ khu vực nông thôn.
Tháng 11, Bộ trưởng của Delhi Arvind Kejriwal lên Twitter mô tả thành phố ông đang sống giống như “phòng hơi ngạt” do khói từ việc đốt vụ mùa ở các bang lân cận. Ông Kejriwal khuyến cáo người dân phải tự bảo vệ lấy mình và đeo khẩu trang bất cứ lúc nào thấy cần.
Màn sương xám bao trùm thành phố này đã dẫn tới việc hủy hàng loạt chuyến bay, trường học đóng cửa, dẫn tới chính quyền thông báo tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cho người dân. Chính quyền địa phương đã phát 5 triệu khẩu trang cho các học sinh.
Vox cho hay, một số chỉ số theo dõi chất lượng không khí đã đạt đến ngưỡng cực đại 999, và mức độ ô nhiễm không khí ở New Delhi đang gấp 50 lần mức an toàn do Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ban hành. Economic Times India dẫn lời các chuyên gia nói rằng các chỉ số ô nhiễm không khí Ấn Độ có thể hiểu 1 cách đơn giản là việc ra ngoài hít không khí lúc này tương đương như hút 45-50 điếu thuốc trong một ngày.
Đại sứ quán Mỹ ở New Delhi, vốn có hệ thống đo đạc chất lượng không khí, cho biết hồi tháng 11, không khí của thủ đô Ấn Độ đã đạt ngưỡng “nguy hiểm”.
Bài toán nan giải
Ô nhiễm không khí được cho là hậu quả từ cả yếu tố thiên nhiên lẫn yếu tố con người và nhiều nền kinh tế đang phát triển trên toàn thế giới cũng đang phải đối mặt với những vấn đề tương tự trong bối cảnh đô thị hóa và chuyển đổi từ nông nghiệp sang công nghiệp.
Vào tháng 11, không khí ở New Delhi trở nên mát và khô hơn. Điều này khiến không khí khó phân tán, làm cho khói bụi từ các nguồn không thể bay đi dẫn tới sương mù dày đặc.
Nguồn gây ô nhiễm nhiều và thường xuyên nhất ở New Delhi xuất phát từ 10 triệu phương tiện giao thông gồm xe hơi và xe tải. Nhiều xe cơ giới ở Ấn Độ sử dụng động cơ 2 thì, gây ô nhiễm trầm trọng hơn động cơ 4 thì. Tùy thuộc vào từng thời điểm trong năm, các phương tiện có thể đóng góp từ 40-80% vào việc thành phố bị ô nhiễm. Ngoài ra, bụi bẩn từ việc xây dựng hàng loạt công trình, lò nung gạch dùng nhiên liệu rắn, nhà máy nhiệt điện dùng than cũng là nguyên nhân gây nên sương mù dày đặc ở New Delhi.
Vào mùa đông, khi nhiệt độ tụt xuống, người dân nghèo thường đốt than để nấu nướng và sưởi ấm, đẩy khói bụi bay lên khu đô thị.
Một trong những nguồn gây ô nhiễm nhiều nhất hồi tháng 10 vừa qua ở New Delhi đến từ lễ hội ánh sáng Diwali. Lễ hội này nổi tiếng với việc đốt đèn, bắn pháo hoa và kéo dài trong 5 ngày.
Tháng 11, nông dân bắt đầu việc đốt rơm rạ làm sạch cánh đồng và nâng cao chất lượng đất đai cho mùa vụ kế tiếp. Đây là nguồn gây ô nhiễm nghiêm trọng biến New Delhi thành màn sương dày đặc.
Năm nay, New Delhi đã ra lệnh cấm pháo hoa ở lễ hội Diwali, bắt 210 người và thu 3,7 tấn pháo. Tuy nhiên, việc cấm vẫn chưa triệt để và pháo vẫn xuất hiện vào ngày lễ.
Các nhà máy nung gạch cũng đang bị đóng cửa. New Delhi cũng thực thi chính sách xe cơ giới biển chẵn lẻ nhằm cấm một nửa số xe ra đường vào một số ngày nhất định để làm giảm ô nhiễm. Tòa Tối cao Ấn Độ cũng mới ban hành lệnh cấm đốt rơm rạ.
Mặc dù vậy, các chuyên gia cho rằng dù New Dehli có nhiều chính sách tuy nhiên việc thực thi cần phải được thực hiện quyết liệt hơn nữa mới có thể mang lại hiệu quả rõ rệt.
Tình trạng ô nhiễm nặng khiến những người bán máy lọc không khí đang “hốt bạc” ở New Delhi. “Tôi phải đi mất 1 giờ 10 phút để đến được cửa hàng này. Chúng tôi chỉ muốn an toàn ở một mức độ nào đó. Và nó thực sự đắt tiền”, Pearl Bahal, một người mẹ, cho biết.
Sanjiv Luthra, một người bán máy lọc không khí, cho biết trước khi có rất ít công ty sản xuất máy lọc không khí, nhưng hiện thời, hàng loạt thương hiệu đã xuất hiện tại New Delhi. Luthra nói doanh số kinh doanh tháng này đã tăng 25%.