Không khoan nhượng trong cuộc chiến với ma túy
Tỉnh Gia Lai vừa tổ chức Hội nghị toàn tỉnh học tập, quán triệt và triển khai thực hiện một số chỉ thị, nghị quyết, kết luận quan trọng của Bộ Chính trị, Ban Bí thư khóa XII, trong đó có Chỉ thị số 36-CT/TW ngày 16-8-2019 của Bộ Chính trị khóa XII 'về tăng cường, nâng cao hiệu quả công tác phòng-chống và kiểm soát ma túy'.
Cùng với việc ghi nhận kết quả của công tác phòng-chống ma túy: “Sau 10 năm thực hiện Chỉ thị số 21-CT/TW của Bộ Chính trị khóa X về tiếp tục tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng-chống và kiểm soát ma túy trong tình hình mới, đã đạt được những kết quả quan trọng”, Chỉ thị số 36-CT/TW của Bộ Chính trị khóa XII cũng đồng thời nhận định: “Tình hình tội phạm và tệ nạn ma túy vẫn diễn biến phức tạp, là một nguy cơ an ninh phi truyền thống mang tính xuyên quốc gia”, và “tội phạm và tệ nạn ma túy có nguy cơ trở thành hiểm họa, đe dọa đến sự phát triển bền vững của đất nước, làm tổn hại sức khỏe một bộ phận nhân dân và làm phát sinh nhiều loại tội phạm, gây lo lắng, bức xúc trong nhân dân”.
Người truyền đạt chỉ thị này là Đại tá Vũ Văn Lâu-Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Giám đốc Công an tỉnh. Cùng với thông tin nội dung Chỉ thị số 36-CT/TW của Bộ Chính trị khóa XII, báo cáo viên cũng đã dành thời gian cung cấp, phân tích làm rõ thêm tình hình buôn bán, vận chuyển, sử dụng, công tác đấu tranh với vấn nạn ma túy của ngành chức năng trên địa bàn tỉnh. Theo đó, toàn tỉnh có trên 900 người sử dụng ma túy, sinh sống ở 116/222 xã, phường, thị trấn. Tỷ lệ người nghiện trên tổng số dân của Gia Lai rất thấp so với các tỉnh thành trong cả nước. Tuy nhiên, con số thống kê trên cũng chưa phản ánh thật đầy đủ, chính xác. Đại tá Vũ Văn Lâu cho rằng, số người nghiện có thể gấp 3 lần so với con số thống kê được! Và sự gia tăng này áp dụng cho cả các tỉnh, thành trong phạm vi cả nước.
Theo một báo cáo gần đây của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, hiện cả nước có 225.000 người nghiện có hồ sơ quản lý. Tuy nhiên, thực tế số người sử dụng ma túy phải gấp 3-4 lần. Người nghiện có mặt ở tất cả các tỉnh thành, gần 90% quận, huyện, thành phố và khoảng 70% xã, phường, thị trấn. Tình trạng tụ tập sử dụng trái phép chất ma túy tại quán bar, karaoke, nhà nghỉ... ở nhiều địa phương vẫn tồn tại có khi đến hàng trăm người tham gia. Trước đây, người sử dụng ma túy là thành phần bất hảo thì nay có cả giáo viên, công chức, học sinh, sinh viên... Những vụ án đau lòng hiếp, giết, hủy hoại, tàn phá gia sản, cơ thể kiểu như con giết cha, em giết anh, chồng giết vợ, giết người yêu... liên quan đến ma túy chưa thôi chấn động và làm bàng hoàng xã hội. 5 tháng đầu năm 2019, cả nước phát hiện tới 4 tấn ma túy. Việc sử dụng, mua bán ma túy đang trở thành đại nạn, cần giải pháp cấp bách, mạnh mẽ.
Điều này phản ánh, vấn nạn ma túy đã, đang và sẽ tiếp tục trở nên phức tạp, trở thành hiểm họa khôn lường, rất khó ngăn chặn, phòng-chống. Cùng với số người nghiện tăng lên, việc vận chuyển, buôn bán ma túy và các chất liên quan đến ma túy trên địa bàn tỉnh cũng diễn biến phức tạp. Tính riêng chỉ trong 1 tháng (từ 15-9 đến 14-10-2019), lực lượng chức năng trên địa bàn tỉnh đã phát hiện, xử lý 16 vụ/31 đối tượng liên quan đến tội phạm và vi phạm pháp luật về ma túy, tập trung chủ yếu ở TP. Pleiku với 10 vụ. Trong số này có 8 vụ/18 đối tượng tàng trữ trái phép chất ma túy; 2 vụ/3 đối tượng mua bán trái phép chất ma túy; 5 vụ/10 đối tượng sử dụng trái phép chất ma túy và 1 vụ trồng cây cần sa trái phép. Lực lượng chức năng đã thu giữ tổng cộng 3 gói heroin, 27 gói ma túy tổng hợp và 2.117 cây cần sa để xử lý theo quy định của pháp luật.
Tình hình trở nên nghiêm trọng, theo nhận định của Trung ương, nguyên nhân là do công tác chỉ đạo triển khai thực hiện về phòng-chống ma túy, quản lý người nghiện và tổ chức cai nghiện ở một số đơn vị, địa phương chưa được quyết liệt; công tác tuyên truyền về phòng-chống và cai nghiện ma túy trong nhân dân chưa đạt hiệu quả như mong muốn; công tác quản lý, giúp người sau cai nghiện chưa đảm bảo; cơ sở vật chất, trang-thiết bị và kinh phí cho công tác cai nghiện ma túy chưa đầy đủ.
Bày tỏ sự quan ngại sâu sắc, đồng thời thể hiện quyết tâm ngăn chặn vấn nạn ma túy, phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn Trang yêu cầu hệ thống chính trị các cấp trong tỉnh, đặc biệt là lực lượng Công an, Biên phòng, Hải quan tăng cường kiểm soát, đi đầu trong phòng-chống ma túy; xây dựng báo cáo việc thực hiện nhiệm vụ này, kịp thời sơ kết, tổng kết đánh giá tình hình và đề ra giải pháp mạnh mẽ, kiên quyết. Tới đây, Tỉnh ủy sẽ ban hành chương trình, kế hoạch hành động thực hiện Chỉ thị số 36-CT/TW, các cấp, các ngành, các địa phương cũng phải căn cứ yêu cầu nhiệm vụ đặt ra để có chương trình, kế hoạch thực hiện phù hợp, hiệu quả. Mặt trận và các tổ chức chính trị-xã hội tiếp tục phát động sâu rộng toàn dân ủng hộ thành hợp lực tham gia đấu tranh phòng-chống ma túy. Trong tháng 11 này, ngành công an phải triển khai triệt phá cho được các tụ điểm, điểm sử dụng ma túy (vũ trường, quán bar, nhà hàng, nhà nghỉ...) và báo cáo với Thường trực Tỉnh ủy về kết quả của công tác đấu tranh này. Bí thư Tỉnh ủy nhấn mạnh: Sau 10 năm thực hiện Chỉ thị số 21-CT/TW của Bộ Chính trị khóa X, Bộ Chính trị tiếp tục ban hành Chỉ thị số 36 với nội dung tăng cường hiệu quả công tác phòng-chống và kiểm soát ma túy, đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng. Bộ Chính trị yêu cầu: “Các Tỉnh ủy, Thành ủy, cấp ủy, tổ chức Đảng, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể chính trị-xã hội các cấp có trách nhiệm quán triệt và tổ chức thực hiện chỉ thị này; xây dựng kế hoạch, chương trình hành động cụ thể và thường xuyên kiểm tra, đôn đốc thực hiện”. Điều đó có nghĩa Trung ương tiếp tục nhấn mạnh đến một nhiệm vụ chính trị quan trọng phải được tăng cường và thực hiện quyết liệt hơn, mạnh mẽ hơn, không khoan nhượng-đó là phòng-chống và kiểm soát ma túy.