Không làm căng thẳng thêm tình hình Biển Đông vì lợi ích chung
Tại Hội nghị trực tuyến quan chức cao cấp các nước tham gia Hội nghị cấp cao Đông Á (EAS) đầu tuần qua, các quốc gia cùng khẳng định rằng, EAS là diễn đàn đóng góp tích cực cho đối thoại và hợp tác duy trì hòa bình, an ninh, thịnh vượng và ứng phó có hiệu quả với các thách thức đang nổi lên trong khu vực. Trong đó nhấn mạnh tới việc không làm căng thẳng thêm tình hình Biển Đông.
Thúc đẩy đối thoại và tăng cường xây dựng lòng tin
Tham dự hội nghị lần này còn có các đối tác gồm Australia, Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, New Zealand, Hàn Quốc, Nga, Mỹ và Phó Tổng Thư ký ASEAN. Việt Nam trong vai trò là nước Chủ tịch ASEAN và Chủ tịch khuôn khổ EAS.
EAS đã tiếp tục khẳng định tầm quan trọng khi là diễn đàn cho các nhà lãnh đạo khu vực thảo luận về các vấn đề chiến lược, tìm sự đồng thuận, nhất trí tiếp tục triển khai hiệu quả các lĩnh vực hợp tác ưu tiên hiện nay, trong đó có vấn đề an ninh và Biển Đông.
ASEAN và các nước đối tác EAS nhất trí cần phối hợp chặt chẽ, đề ra những định hướng tăng cường vai trò quan trọng của EAS trong giai đoạn mới, tiếp tục đóng góp tích cực cho đối thoại và hợp tác duy trì hòa bình, an ninh, thịnh vượng và ứng phó có hiệu quả với các thách thức đang nổi lên trong khu vực.
Dự kiến, Hội nghị cấp cao Đông Á (EAS) lần thứ 15 sẽ được tổ chức vào tháng 11 năm nay gồm các nội dung kỷ niệm 15 năm thành lập EAS, tăng cường hợp tác biển bền vững, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế khu vực ổn định, nâng cao năng lực ứng phó dịch bệnh và về vai trò phụ nữ đối với bảo đảm hòa bình và an ninh. Nổi bật trong đó, vấn đề Biển Đông sẽ là một chủ đề quan trọng trong hội nghị này.
Tại Hội nghị các quan chức cao cấp, các đối tác EAS khẳng định, coi trọng vai trò trung tâm của ASEAN trong cấu trúc khu vực, đồng thời đánh giá cao vai trò Chủ tịch ASEAN 2020 của Việt Nam tích cực điều phối các nỗ lực của ASEAN và các đối tác.
Về vấn đề Biển Đông, các quốc gia cùng nhấn mạnh, hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông là lợi ích chung của tất cả các nước. Những diễn biến phức tạp hiện nay đang ảnh hưởng tiêu cực đến hòa bình, an ninh và thượng tôn pháp luật trong khu vực. Các quốc gia cùng nhấn mạnh tới việc thúc đẩy đối thoại và tăng cường xây dựng lòng tin, kiềm chế không có hoạt động làm gia tăng căng thẳng và phức tạp tình hình, không quân sự hóa, không sử dụng và đe dọa sử dụng vũ lực, giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS 1982). Các quốc gia cũng kêu gọi ASEAN và Trung Quốc thực hiện đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), đồng thời nỗ lực hơn nữa để sớm hoàn tất xây dựng một Bộ quy tắc ứng xử tại Biển Đông (COC).
Tại Hội nghị quan chức cao cấp, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Quốc Dũng, Trưởng SOM (quan chức cao cấp) ASEAN của Việt Nam, trong vai trò nước Chủ tịch ASEAN và Chủ tịch khuôn khổ Hội nghị cấp cao Đông Á (EAS) nhấn mạnh, Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 36 đã nhấn mạnh lập trường, nguyên tắc chung. Trong đó, đề nghị các bên cần thượng tôn pháp luật, kiềm chế, không có các hành động gây phức tạp thêm tình hình, không quân sự hóa, giải quyết các tranh chấp thông qua các biện pháp hòa bình. Đồng thời nhấn mạnh, cần tiếp tục thực hiện đầy đủ và hiệu quả DOC và cố gắng vượt qua khó khăn do dịch bệnh để sớm hoàn tất COC ở Biển Đông hiệu lực, hiệu quả, phù hợp với luật pháp quốc tế, đặc biệt là UNCLOS 1982; đóng góp duy trì hòa bình, an ninh, ổn định ở Biển Đông và trong khu vực.
Việt Nam - Trung Quốc đạt nhiều thành quả cụ thể
Cùng thời gian này, đồng chí Phạm Bình Minh, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Ngoại giao cùng Ủy viên Quốc vụ, Bộ trưởng Bộ Bộ Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị đã đồng chủ trì Hội nghị trực tuyến Phiên họp lần thứ 12 Ủy ban chỉ đạo hợp tác song phương Việt Nam - Trung Quốc.
Tại hội nghị này, hai bên đã trao đổi toàn diện về vấn đề biên giới lãnh thổ. Trong đó, về biên giới trên đất liền, hai bên đánh giá tình hình cơ bản ổn định, quản lý tốt đường biên, mốc giới và các cặp cửa khẩu, thúc đẩy hoạt động kinh tế biên giới, kể cả trong thời gian dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp. Hai bên nhất trí tăng cường phối hợp trong công tác quản lý, bảo vệ biên giới, nghiêm túc tuân thủ các quy định của 3 văn kiện pháp lý về biên giới trên đất liền và các thỏa thuận liên quan.
Về vấn đề trên biển, hai bên ghi nhận những kết quả đạt được của 10 cuộc đàm phán liên quan đến phân định và hợp tác cùng phát triển trên biển được tiến hành từ sau Phiên họp lần thứ 11 Ủy ban chỉ đạo hợp tác song phương đến nay. Đồng thời ghi nhận các thành quả về sự hợp tác trong lĩnh vực ít nhạy cảm trên biển. Hai bên cũng đã trao đổi thẳng thắn về tình hình trên biển thời gian qua và những điểm còn khác biệt về vấn đề trên biển.
Tại hội nghị, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh đã nêu quan ngại trước những diễn biến phức tạp ở Biển Đông gần đây. Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh đề nghị hai bên kiểm soát tốt bất đồng trên biển, không có hành động làm phức tạp tình hình, mở rộng tranh chấp, tôn trọng các quyền và lợi ích hợp pháp của Việt Nam, duy trì hòa bình, ổn định ở Biển Đông.
Hai bên nhất trí tuân thủ nhận thức chung cấp cao và Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển Việt Nam - Trung Quốc; tuân thủ luật pháp quốc tế, đặc biệt là UNCLOS 1982; thúc đẩy các cơ chế đàm phán về vấn đề trên biển đạt kết quả thực chất; thực hiện toàn diện, hiệu quả DOC; thúc đẩy đàm phán COC sớm đạt kết quả thực chất. Hai bên đánh giá, hội nghị thành công tốt đẹp, đạt được nhiều thành quả cụ thể, nhất trí cao.
Thanh Trúc (tổng hợp)