Không lo giảm thu ngân sách

Theo Bộ Tài chính, mặc dù Việt Nam phải cắt giảm nhiều dòng thuế quan khi tham gia các Hiệp định thương mại tự do (FTA), nhưng không lo giảm thu ngân sách.

Thuế nhập khẩu giảm, nhưng thu nội địa

gia tăng Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ Tài chính) cho rằng, có nhiều băn khoăn về việc Việt Nam sẽ phải cắt giảm nhiều dòng thuế quan khi tham gia các FTA, dẫn đến số thu thuế nhập khẩu (NK) giảm và giảm thu ngân sách nhà nước (NSNN).

Cắt giảm thuế suất theo các FTA nhưng nhiều sắc thuế vẫn được thực hiện, nên thu ngân sách không giảm

Cắt giảm thuế suất theo các FTA nhưng nhiều sắc thuế vẫn được thực hiện, nên thu ngân sách không giảm

Tuy nhiên, ông Lê Mạnh Hùng - Phó Cục trưởng Cục Thuế xuất nhập khẩu (XNK) - Tổng cục Hải quan - khẳng định: Riêng đối với ngành hải quan, không chỉ phụ thuộc vào số thu từ thuế XNK, mà còn có các khoản thu khác như: Thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB), thuế giá trị gia tăng (VAT), thuế bảo vệ môi trường và một số thuế NK bổ sung, thuế chống bán phá giá…

“Vì vậy, khi cắt giảm thuế suất theo các FTA thì chỉ cắt giảm thuế NK, còn các sắc thuế khác vẫn thực hiện theo quyết định hiện hành. Đơn cử, có những mặt hàng chỉ có 1 sắc thuế, khi thuế NK bằng 0 thì vẫn còn thuế VAT, còn có mặt hàng vừa có thuế NK vừa có thuế VAT. Cũng có mặt hàng có cả thuế NK, thuế TTĐB và thuế VAT như mặt hàng máy lạnh” - ông Lê Mạnh Hùng chỉ rõ.

Ông Lê Mạnh Hùng lý giải, đối với thuế NK ôtô năm 2017 có C/O mẫu D ASEAN là 30%, năm 2018 giảm còn 0%, việc giá giảm bao nhiêu còn phụ thuộc nhiều yếu tố như: Thị hiếu tiêu dùng, thị trường khan hiếm… Khi một mặt hàng giảm thuế sẽ kéo theo giảm giá bán trong nước, nhưng tại một số thời điểm chưa chắc giảm ngay. Số thu của ngành hải quan vẫn tăng do kim ngạch XNK tăng, đặc biệt ôtô dưới 9 chỗ tăng lên nhiều do lượng xe NK chiếm tỷ trọng cao từ một số nước trước thời điểm giảm thuế.

Cũng theo ông Lê Mạnh Hùng, việc tăng thu thuế XNK phụ thuộc vào kim ngạch XNK và các biện pháp quản lý thu thuế của ngành hải quan. Toàn bộ số thu của ngành thuộc ngân sách trung ương, nhưng so với tổng số thu không giảm. 11 tháng năm 2019, ngành hải quan đã thu 320 nghìn tỷ đồng.

Hướng tới hoàn thành lộ trình xóa bỏ thuế với nhiều nước

Trong 12 FTA đang được thực thi tại Việt Nam, Hiệp định Đối tác toàn diện và tTiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) là hiệp định mới nhất, có hiệu lực từ ngày 14/1/2019.

Đáng chú ý, Nghị định số 57/2019/NĐ-CP về Biểu thuế xuất khẩu (XK) ưu đãi, Biểu thuế NK ưu đãi đặc biệt của Việt Nam để thực hiện Hiệp định CPTPP giai đoạn 14/1/2019 - 31/12/2022 đã quy định rõ các cam kết về thuế XNK của Việt Nam.

Về thuế NK, Việt Nam cam kết xóa bỏ gần 100% số dòng thuế. Theo đó, 65,8% số dòng thuế có thuế suất 0% ngay khi CPTPP có hiệu lực; 86,5% số dòng thuế có thuế suất 0% vào năm thứ 4 và 97,8% số dòng thuế có thuế suất 0% vào năm thứ 11 kể từ khi Hiệp định có hiệu lực; các mặt hàng còn lại cam kết xóa bỏ thuế NK với lộ trình xóa bỏ thuế tối đa vào năm thứ 16 hoặc theo hạn ngạch thuế quan.

Ngoài cam kết xóa bỏ thuế NK theo lộ trình, Việt Nam và các nước thành viên CPTPP cam kết, miễn thuế đối với các trường hợp như: Hàng hóa tái NK sau khi được sửa chữa hoặc thay thế; hàng tạm NK để sửa chữa hoặc thay thế mà không thay đổi đặc tính cơ bản của sản phẩm; hàng mẫu thương mại có giá trị không đáng kể và ấn phẩm quảng cáo; hàng tạm nhập là các thiết bị chuyên ngành.

Việt Nam cam kết xóa bỏ thuế XK đối với phần lớn các mặt hàng hiện đang áp dụng thuế XK, cơ bản theo lộ trình từ 5 - 15 năm sau khi CPTPP có hiệu lực.

Lan Anh

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/khong-lo-giam-thu-ngan-sach-130183.html