Không lo lắng với vi khuẩn nhầm tưởng 'ăn thịt người' whitmore

Từ tháng 6/2019 đến nay, Khoa Hồi sức tích cực (Bệnh viện Đa khoa tỉnh) đã tiếp nhận và điều trị cho 4 bệnh nhân bị bệnh whitmore. Sau khoảng 20 ngày điều trị, 3 bệnh nhân sức khỏe đã ổn định và được xuất viện.

Bệnh nhân Quách Công D., xã Thanh Lương (Lương Sơn) đang được điều trị tại Khoa Hồi sức tích cực (Bệnh viện Đa khoa tỉnh).

Bệnh nhân Quách Công D., xã Thanh Lương (Lương Sơn) đang được điều trị tại Khoa Hồi sức tích cực (Bệnh viện Đa khoa tỉnh).

Ngày 23/9 vừa qua, Khoa Hồi sức tích cực tiếp nhận bệnh nhân Quách Công D. 87 tuổi, xã Thanh Lương (Lương Sơn) trong tình trạng sốt, viêm đầu gối, nhiễm độc máu… Qua xét nghiệm, các bác sỹ chẩn đoán bệnh nhân bị bệnh whitmore. Đây là bệnh nhân thứ 4 Khoa tiếp nhận và điều trị. Trao đổi với chúng tôi, bác sỹ Hoàng Công Tình, Trưởng khoa Hồi sức tích cực cho biết: Sau khi khám, xét nghiệm, chúng tôi chẩn đoán bệnh nhân bị bệnh whitmore và đưa ra phác đồ điều trị. Sau vài ngày, sức khỏe bệnh nhân dần ổn định. Theo bác sỹ Tình, bệnh melioidosis (whitmore) do trực khuẩn Gram âm Burkholderia pseudomallei tồn tại trong môi trường tự nhiên gây ra. Vi khuẩn này không ăn thịt người. Nó cũng như các loại vi khuẩn khác, có thể gây bệnh cho người ở những mức độ khác nhau, nặng nhất là gây tử vong. Vi khuẩn thường cư trú trong đất, nước hoặc bụi đất. Đường xâm nhập vào cơ thể người chủ yếu qua tiếp xúc giữa vết trầy xước trên da với đất hoặc nước có vi khuẩn. Con đường lây bệnh qua hít phải bụi hoặc ăn phải thức ăn có vi khuẩn là rất hiếm gặp. Khi xâm nhập vào cơ thể con người, vi khuẩn này có thể gây nhiễm khuẩn với các mức độ khác nhau: nhiễm khuẩn tại chỗ (khu trú), nhiễm khuẩn toàn thân (nhiễm khuẩn huyết), sốc nhiễm khuẩn hoặc suy đa tạng. Những trường hợp tử vong thường do bệnh ở giai đoạn muộn, khi đã có tình trạng nhiễm khuẩn huyết, sốc nhiễm khuẩn hoặc suy đa tạng. Ngoài ra, bệnh nhân mắc các bệnh mạn tính từ trước (đái tháo đường, suy thận mạn, bệnh phổi mạn tính…) cũng có tỷ lệ tử vong cao hơn.

Trong một thời gian dài, căn bệnh này bị lãng quên nên bệnh thường bị che lấp trong các bệnh nhiễm khuẩn khác. Trên thực tế, vi khuẩn vẫn tồn tại trong đất, nước và trong cơ thể người bệnh. Khi có môi trường thuận lợi thì phát bệnh, nhất là với những bệnh nhân bị bệnh mãn tính, sức đề kháng yếu. Số ca bệnh whitmore xuất hiện nhiều hơn trong những năm gần đây là do các cơ sở y tế đã cảnh giác hơn đến loại vi khuẩn này. Bệnh whitmore hoàn toàn có thể phòng tránh và điều trị hiệu quả nếu phát hiện sớm, bằng các loại kháng sinh đặc hiệu. Nếu bệnh ở giai đoạn muộn khi đã có tình trạng nhiễm khuẩn huyết, sốc nhiễm khuẩn hoặc suy đa tạng thì tỷ lệ tử vong rất cao. Do vậy, người bệnh khi thấy có dấu hiệu sốt cao, viêm loét, mụn, áp xe; toàn thân nhiễm khuẩn huyết, suy đa tạng; với những người bệnh mãn tính có triệu chứng giống hệt bệnh lao cần đến cơ sở y tế để được tư vấn, điều trị kịp thời.

Cũng theo bác sỹ Tình, mọi người không nên quá lo lắng với bệnh whitmore bởi bệnh không lây từ người sang người và không lây lan thành dịch. Để phòng bệnh, mọi người nên hạn chế tiếp xúc với đất, nước, bùn bẩn, đặc biệt những nơi bị ô nhiễm nặng. Sử dụng giày, dép và găng tay đối với những người thường xuyên làm việc ngoài trời, tiếp xúc với đất và nước bẩn. Khi có vết thương hở, vết loét cần tránh tiếp xúc với đất hoặc nước có khả năng bị ô nhiễm. Những bệnh mãn tính như tiểu đường, suy giảm miễn dịch cần được chăm sóc, bảo vệ các tổn thương.

Việt Lâm

Nguồn Hòa Bình: http://www.baohoabinh.com.vn/219/133406/khong-lo-lang-voi-vi-khuan-nham-tuong-an-thit-nguoi-whitmore.htm