Không lo thiếu hàng hóa trong mùa dịch bệnh covid-19

Qua khảo sát, một số doanh nghiệp (DN) kinh doanh phân phối, bán lẻ đều chủ động tăng nguồn hàng dự trữ, nhất là những mặt hàng thiết yếu để cung ứng khi người dân cần. Đặc biệt, DN cam kết thực hiện bình ổn thị trường, không tăng giá trong thời điểm dịch bệnh Covid-19 xảy ra.

Nhân viên Công ty Cổ phần Thương mại Mộc Hóa chuẩn bị giao hàng đến đại lý bán lẻ

Nhân viên Công ty Cổ phần Thương mại Mộc Hóa chuẩn bị giao hàng đến đại lý bán lẻ

Cam kết bảo đảm nguồn cung

Những ngày này, tại Long An cũng như nhiều địa phương khác trong cả nước, người dân có tâm lý mua sắm, tích trữ nhiều mặt hàng như gạo, mì tôm, dầu ăn, gia vị, nước chấm, chất tẩy rửa,... để dùng trong mùa dịch bệnh Covid-19. Trước sự lo lắng của người dân, các DN kinh doanh thương mại, bán lẻ trong tỉnh có sự chủ động, tăng nguồn dự trữ và cung ứng ra thị trường.

Công ty (Cty) Cổ phần Thương mại Mộc Hóa (thị xã Kiến Tường) chịu trách nhiệm phân phối hàng hóa đến khoảng 1.000 đại lý bán lẻ thuộc 5 huyện, thị xã: Tân Hưng, Vĩnh Hưng, Mộc Hóa, Tân Thạnh và Kiến Tường. Hiện Cty phân phối, bán lẻ hơn 2.000 mặt hàng có nguồn gốc, xuất xứ tin cậy từ các DN trong nước. Các mặt hàng gồm lương thực, thực phẩm dạng đóng gói, đóng hộp, gia vị, nước chấm các loại, dầu ăn, hóa mỹ phẩm,...

Giám đốc Cty Cổ phần Thương mại Mộc Hóa - Nguyễn Văn Bé Hai cho biết, nhu cầu mua thực phẩm, nhất là mì gói của người dân tăng lên rất nhiều kể từ ngày 07/3/2020. Trước đây, bình quân mỗi tháng, Cty cung cấp ra thị trường khoảng 30.000 thùng mì nhưng hiện tại, nhu cầu tăng lên gấp đôi, khoảng 60.000 thùng. Trước nhu cầu của người dân, Cty trực tiếp đặt lượng hàng tăng lên và được đáp ứng tương đối tốt. Hiện Cty buộc phải lưu kho bình quân mỗi ngày từ 5.000-6.000 thùng mì để đáp ứng nhu cầu của người dân khi cần.

Nhân viên Công ty Cổ phần Thương mại Mộc Hóa chuẩn bị giao hàng đến đại lý bán lẻ

Nhân viên Công ty Cổ phần Thương mại Mộc Hóa chuẩn bị giao hàng đến đại lý bán lẻ

Đặc biệt, trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, nhu cầu mua thực phẩm của người dân tăng, Cty đã chuẩn bị lượng hàng tăng 50% so với ngày thường, tức hàng hóa dự trữ khoảng 15 tỉ đồng. Cty cam kết không để xảy ra hiện tượng thiếu hụt hàng hóa trên địa bàn phân phối. Nếu nơi nào xảy ra hiện tượng thiếu hàng cục bộ, Cty sẽ nhanh chóng điều xe hàng và phân công nhân viên đến nơi đó trực tiếp bán lẻ tận tay người tiêu dùng và cam kết không tăng giá bất kỳ mặt hàng nào trong mùa dịch bệnh.

Nếu như Cty Cổ phần Thương mại Mộc Hóa chịu trách nhiệm phân phối hàng ở vùng Đồng Tháp Mười thì Cty Cổ phần Thương mại và Xuất nhập khẩu Long An phân phối ở các huyện còn lại trong tỉnh. Đại diện Cty Cổ phần Thương mại và Xuất nhập khẩu Long An chia sẻ, trong mùa dịch bệnh, mì gói là mặt hàng biến động nhất. Bình thường, Cty phân phối mì ra thị trường thông qua hơn 6.300 đại lý bán lẻ với số tiền khoảng 300 triệu đồng/ngày thì những ngày này, số tiền thu được từ việc phân phối mì tăng lên 900 triệu đồng/ngày. Trước nhu cầu của người dân, Cty thực hiện chương trình bình ổn giá và bảo đảm đủ hàng phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân.

Hiện nay, lượng hàng hóa của Cty, nhất là các mặt hàng có thể dự trữ dạng đóng gói, đóng hộp, sữa,... đều được dự trữ khá tốt. Theo đó, lượng hàng hóa dự trữ có thể tăng hơn cả dịp Tết Nguyên đán với giá trị lên đến vài chục tỉ đồng.

Tồn kho trên 160.000 tấn quy gạo

Ngoài thực phẩm đóng gói, mặt hàng được người dân mua nhiều nhất trong những ngày qua là gạo. Phó Giám đốc Công ty Lương thực Long An - Huỳnh Thị Thùy Trang chia sẻ, bình thường, mỗi ngày, cửa hàng gạo của Cty chỉ bán hơn 400kg gạo các loại nhưng những ngày qua, lượng gạo được tiêu thụ hơn 4 tấn/ngày. Người dân mua tích trữ nhiều hơn dịp Tết Nguyên đán.

Hiện tất cả 24 doanh nghiệp xuất khẩu gạo trong tỉnh đang tồn kho trên 160.000 tấn quy gạo

Hiện tất cả 24 doanh nghiệp xuất khẩu gạo trong tỉnh đang tồn kho trên 160.000 tấn quy gạo

Bà Trang cho biết thêm, thời điểm này, bình quân mỗi ngày, Cty nhập mua khoảng 1.500 tấn lúa, gạo nguyên liệu các loại. Từ đầu năm 2020 đến nay, Cty đã mua vào gần 64.000 tấn lúa, gạo các loại và tồn kho hơn 43.000 tấn gạo. Ngoài lượng hàng tồn kho này, mỗi ngày, Cty có thể chế biến, đóng gói và xuất hàng lên đến hơn 2.500 tấn.

Giám đốc Sở Công Thương - Lê Minh Đức khẳng định, người dân không nên quá lo lắng, tích trữ gạo. Hiện nay, Sở đã yêu cầu DN xuất khẩu gạo tích trữ và cam kết không tăng giá so với ngày thường trong mùa dịch bệnh. Hiện tất cả 24 DN xuất khẩu gạo trong tỉnh đang tồn kho trên 160.000 tấn quy gạo (gồm lúa, gạo). Với lượng tồn kho trên, chắc chắn lượng gạo cung ứng đến người dân không thiếu. Nếu thị trường có tình huống xảy ra, thiếu hụt cục bộ ở bất kỳ địa phương nào, Sở yêu cầu DN lập tức điều xe phân phối đến tận tay người dân.

Cẩn thận khi mua hàng online

Chị Kim Thu, ngụ phường 5, TP.Tân An, chia sẻ, thời điểm này, dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp, dễ lây lan nên gia đình chị ngại đến nơi đông người, nhất là những nơi mua sắm. Chị chọn mua qua các trang bán hàng trên mạng đối với các loại thực phẩm khô như bánh, kẹo, trái cây, hóa mỹ phẩm. Nhưng theo chị, mua hàng qua mạng có nhiều rủi ro, hàng hóa không như ý muốn bởi không được chọn lựa trực tiếp. Chính vì lý do đó, những ngày này, chị chuyển qua mua hàng hóa qua điện thoại từ hệ thống Co.opmart và được nhân viên giao hàng tận nhà.

Hàng hóa tại hệ thống Co.opmart trên địa bàn tỉnh phong phú, đủ phục vụ nhu cầu mua sắm trong mùa dịch bệnh

Hàng hóa tại hệ thống Co.opmart trên địa bàn tỉnh phong phú, đủ phục vụ nhu cầu mua sắm trong mùa dịch bệnh

Giám đốc Co.opmart Cần Giuộc - Nguyễn Thụy Phương Lan cho biết, hệ thống siêu thị Co.opmart là một trong các đơn vị bảo đảm duy trì hoạt động để phục vụ ổn định đời sống người dân trong tất cả kịch bản có thể xảy ra của dịch bệnh Covid-19 cả trong giai đoạn hiện nay lẫn giai đoạn khôi phục sau dịch. Hiện nay, 3 điểm Co.opmart tại Long An đã dự trữ hàng hóa sẵn sàng với giá trị trên 70 tỉ đồng, tăng hơn 50% so với dịp Tết Nguyên đán. Hàng hóa dự trữ khá đa dạng như gạo, mì gói, cháo ăn liền, bún khô các loại, thịt hộp các loại, gia vị, nước tẩy rửa, nước rửa tay, khẩu trang,... Hệ thống Co.opmart cam kết không để thiếu hụt bất kỳ một mặt hàng nào trên kệ và bảo đảm giá ổn định. Hiện nay, nếu người dân ngại đến nơi mua sắm đông người, có thể đặt hàng qua điện thoại, nhân viên sẽ giao hàng tận nhà, miễn phí với hóa đơn từ 200.000 đồng trở lên, bán kính trong vòng 6km.

Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường - Võ Thiện Ngộ cho rằng, thời điểm này, nhiều cơ sở, cá nhân tranh thủ chạy đua kinh doanh, nhất là kinh doanh trực tuyến. Do đó, người dân cần lựa chọn những cửa hàng, đơn vị vận chuyển uy tín, nâng cao cảnh giác trong việc tiết lộ thông tin cá nhân, kiểm tra hàng hóa khi giao nhận. Đối với các điểm kinh doanh cố định, Cục đã chỉ đạo các đội trực thuộc tăng cường kiểm tra, thanh tra các kho hàng, điểm kinh doanh dạng sỉ nhằm kiểm soát chặt chẽ hàng hóa trước khi đưa ra thị trường, tránh thiệt hại cho người dùng.

Theo ông Lê Minh Đức, thuận lợi của Long An là có nhiều DN kinh doanh thương mại dạng phân phối, bán lẻ, cửa hàng tiện ích ở hầu hết các địa phương trong tỉnh. Qua khảo sát, các DN kinh doanh phân phối, bán lẻ chủ động nguồn hàng hóa, nhất là những mặt hàng thiết yếu để cung ứng khi người dân cần, vì vậy không thể xảy ra tình trạng thiếu hàng hóa trong thời điểm dịch bệnh. Do đó, người tiêu dùng không nên hoang mang, lo lắng, tích trữ hàng hóa bởi chính sự tích trữ hàng hóa không đúng cách sẽ tạo ra thiếu hàng hóa cục bộ, sốt giá. Hiện DN đã tích trữ hàng hóa số lượng khá lớn, người tiêu dùng không cần thiết mua tích trữ lương thực, thực phẩm và các nhu yếu phẩm với số lượng lớn, chỉ nên mua với số lượng đủ dùng để bảo đảm sinh hoạt hàng ngày cho gia đình./.

Mai Hương

Nguồn Long An: http://baolongan.vn/khong-lo-thieu-hang-hoa-trong-mua-dich-benh-covid-19-a91953.html