Không lo thiếu hàng hóa trước dịch bệnh Covid-19
Những thông tin chưa được kiểm chứng về dịch bệnh Covid-19 lan truyền trên mạng xã hội, gây tâm lý bất ổn cho người dân. Hiện tượng nhiều người dân tích trữ lương thực, thực phẩm đã khiến nguồn cung những mặt hàng này trên thị trường bị xáo trộn. Các nhà cung cấp lớn trên địa bàn tỉnh đã chủ động nguồn hàng, đáp ứng đủ nhu cầu của người tiêu dùng.
Ông Nguyễn Văn Tuấn, tổ 8, phường Tân Hà (TP Tuyên Quang) chia sẻ, trước dịch bệnh đang diễn biến phức tạp, gia đình hạn chế ra ngoài ăn, nên tranh thủ vào siêu thị mua rau, củ, quả với giá rẻ, tươi hơn và dự trữ được lâu hơn. Riêng rau, quả, ông mua nhiều để gia đình ăn tăng cường sức đề kháng như cần tây, táo, cam…
Tại Siêu thị Tuyên Quang, lượng hàng hóa 2 ngày cuối tuần (7-8/3) bán ra gấp 4 lần so với cuối tuần trước. Ông Hoàng Văn Long, Quản lý Siêu thị Tuyên Quang cho biết, riêng trong chiều thứ Bảy, ngày 7-3, hơn 100 thùng mì tôm các loại được bán hết sạch chỉ trong chưa đầy 2 tiếng đồng hồ. Hiện siêu thị đang tích cực làm việc với các nhà cung cấp để có đủ hàng bán cho người dân. Ngoài mì tôm, các mặt hàng khác như dầu ăn, các loại gia vị cũng có sức mua tăng gấp 2 gấp 3 lần ngày thường. Ông Long khẳng định, Siêu thị Tuyên Quang không tăng giá bán các mặt hàng này cũng như tất cả các mặt hàng thiết yếu khác. Nguồn hàng tại siêu thị cũng được nhập liên tục, đủ để đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng, nên người dân không nên hoang mang, không nên tích trữ hàng hóa.
Tại Siêu thị Vinmart, các cửa hàng Vinmart +, lượng người mua 2 ngày gần đây cũng tăng gấp đôi gấp 3 lần ngày thường. Chị Đào Thu Huyền, nhân viên cửa hàng Vinmart + khu vực Bệnh viện Phục hồi chức năng Hương Sen cho biết, hiện các mặt hàng như mỳ tôm, mỳ gạo, phở... trong cửa hàng đã hết. Đơn vị đang chờ đợi nguồn cung từ các nhà cung cấp để tiếp tục đáp ứng nhu cầu người dân. Các cửa hàng Vinmart + cũng hoàn toàn không tăng giá bán, thậm chí một số loại hàng thiết yếu như gạo, đơn vị này đang thực hiện chương trình giảm giá để góp phần bình ổn thị trường.
Tại các cửa hàng tự chọn, các đại lý hàng hóa, nhu cầu mua các mặt hàng thiết yếu như mỳ tôm, các loại gia vị, giấy vệ sinh... những ngày này cũng tăng đột biến. Theo ghi nhận, giá bán các mặt hàng này cũng có biến động nhẹ khi tăng từ 5-10 nghìn đồng so với ngày thường.
Theo Sở Công Thương, hiện nay các doanh nghiệp vẫn giữ đơn hàng ổn định, trước, trong và sau Tết, nên lượng hàng ở các siêu thị tương đối ổn định, giá cả vẫn giữ như trong dịp trước Tết. Một số mặt hàng rau, củ, quả trong siêu thị hiện nay đang rẻ hơn chợ truyền thống. Theo thống kê, lượng khách hàng vào siêu thị tăng 15 - 20% so với cùng kỳ Tết năm 2019. Trong thời gian xảy ra dịch bệnh này, hầu hết các doanh nghiệp tăng lượng hàng gấp 2-3 lần, nhiều đơn vị còn chủ động khai thác lượng hàng từ các nhà cung cấp mới để cung ứng cho người tiêu dùng. Sở đã yêu cầu các siêu thị, cửa hàng không tăng giá bán nhằm ổn định thị trường hàng hóa; đa dạng các hình thức phân phối, không chỉ phân phối trong hệ thống tập trung mà còn dùng hình thức, phương thức thương mại điện tử, người dân đăng ký thương mại điện tử ship đến tận nhà để hạn chế người dân đến chỗ đông người.