Không lùi, hoãn tiến độ ban hành văn bản quy định chi tiết thi hành các luật, nghị quyết của Quốc hội
Ngày 31/7/2023, Thủ tướng Chính phủ vừa có chỉ đạo tại văn bản 692/TTg-PL về việc ban hành văn bản quy định chi tiết thi hành các luật, nghị quyết của Quốc hội. Trong đó yêu cầu không lùi, hoãn tiến độ ban hành văn bản, bảo đảm chất lượng theo đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Tại văn bản 692/TTg-PL nêu rõ, trong thời gian qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã có nhiều chỉ đạo, phân công các bộ, cơ quan ngang bộ hoàn thành việc xây dựng, ban hành các văn bản quy định chi tiết thi hành các luật, nghị quyết của Quốc hội đã có hiệu lực.
Tuy nhiên, đến ngày 30/7/2023 vẫn còn một số văn bản quy định chi tiết chưa được ban hành (13 văn bản, gồm: Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật phòng, chống bạo lực gia đình; Nghị định quy định về cơ quan thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành và hoạt động thanh tra chuyên ngành; Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật thực hiện dân chủ ở cơ sở; Nghị định về xây dựng và thực hiện hương ước, quy ước của cộng đồng dân cư; Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật tần số vô tuyến điện; Nghị định quy định chi tiết về bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới, bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc, bảo hiểm bắt buộc trong hoạt động đầu tư xây dựng…).
Để đẩy nhanh tiến độ ban hành văn bản quy định chi tiết các luật, nghị quyết của Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh đây là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách, yêu cầu các đồng chí Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ khẩn trương trực tiếp chỉ đạo việc xây dựng, hoàn thiện các văn bản quy định chi tiết ban hành theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành; phối hợp chặt chẽ với Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ và các cơ quan liên quan xử lý các vấn đề vướng mắc.
Đặc biệt, không lùi, hoãn tiến độ ban hành văn bản, bảo đảm chất lượng theo đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật; báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả xử lý trước ngày 05/8/2023.
Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Tư pháp theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc soạn thảo các văn bản quy định chi tiết thi hành các luật, nghị quyết của Quốc hội đã có hiệu lực thi hành để bảo đảm tiến độ và chất lượng dự thảo văn bản quy định chi tiết, tổng hợp tình hình ban hành văn bản quy định chi tiết, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 10/8/2023.
Cùng với đó, văn phòng Chính phủ đôn đốc việc thực hiện nhiệm vụ của các bộ, cơ quan; phối hợp chặt chẽ với cơ quan chủ trì soạn thảo trong việc tiếp thu, hoàn thiện ý kiến Thành viên Chính phủ theo đúng Quy chế làm việc của Chính phủ; kịp thời báo cáo Phó Thủ tướng phụ trách lĩnh vực chỉ đạo hoặc tổ chức họp để xử lý ngay các vấn đề còn ý kiến khác nhau và các vấn đề phát sinh trong quá trình hoàn thiện dự thảo văn bản để khẩn trương ban hành văn bản quy định chi tiết.
Từ ngày 01/7/2023, một số luật được Quốc hội khóa XV thông qua có hiệu lực thi hành, bao gồm: Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở; Luật phòng, chống bạo lực gia đình; Luật Thanh tra; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện:
Cụ thể, ngày 09/11/2022, Quốc hội thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện và có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2023. Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện được thông qua gồm 04 Điều, sửa đổi, bổ sung 30 Điều so với Luật Tần số vô tuyến điện.
Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở năm 2022 được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XV thông qua tại kỳ họp thứ 4 ngày 10/11/2022. Luật có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/7/2023.
Ngày 14/11/2022, tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV đã thông qua Luật Thanh tra năm 2022 thay thế Luật Thanh tra năm 2010. Luật Thanh tra tăng 01 Chương và 40 Điều so với Luật Thanh tra năm 2010, Luật Thanh tra năm 2022 có tất cả 08 Chương và 118 Điều.
Luật phòng, chống bạo lực gia đình 2022, được Quốc hội thông qua ngày 14/11/2022, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình có hiệu lực thi hành từ 01/7/2023 gồm 6 chương, 56 điều, tăng 10 điều so với Luật 2007.