Không 'mặc đồng phục' cho các trạm y tế xã

'Dự phòng là mục tiêu quan trọng, nhưng chữa bệnh cũng cần được coi là chìa khóa để y tế cơ sở có đủ sức tồn tại và phát triển trong nền kinh tế thị trường'. Nhấn mạnh điều này, các đại biểu Quốc hội đề nghị, không 'mặc đồng phục' cho các trạm y tế xã. Cần thử nghiệm mô hình mới, coi trạm y tế xã, phường là 'phòng khám' của trung tâm y tế huyện để thực hiện được cả hai chức năng của y tế cơ sở.

Tiếp tục phiên họp toàn thể sáng nay, 29.5, các đại biểu Quốc hội đã nêu nhiều khuyến nghị quan trọng nhằm nâng cao năng lực của y tế dự phòng, y tế cơ sở.

Có nên chuyển Trung tâm y tế huyện về UBND huyện quản lý?

Theo ĐBQH Nguyễn Lân Hiếu (Bình Định), nhiệm vụ phát triển y tế dự phòng là thách thức lớn trong giai đoạn hiện nay. Từ thực tế cùng Đoàn giám sát của Quốc hội làm việc với các trạm y tế xã, đại biểu cho biết, những khó khăn nổi bật nhất là nhân lực, thu nhập và chất lượng khám, chữa bệnh và cơ sở vật chất. Tuy nhiên, theo đại biểu, "tăng lương và đầu tư để mua máy móc không giải quyết được gốc rễ. Lương không thể tăng mãi, cơ sở khang trang mà không có bệnh nhân, máy móc hiện đại mà không có ai biết sử dụng, cuối cùng sẽ là lãng phí rất lớn".

Đại biểu Nguyễn Lân Hiếu (Bình Định) phát biểu. Ảnh: Hồ Long

Đại biểu Nguyễn Lân Hiếu (Bình Định) phát biểu. Ảnh: Hồ Long

Hiện nay, trạm y tế xã có hai nhiệm vụ. Một là, dự phòng (như: tiêm chủng, phòng chống dịch, giáo dục, tuyên truyền...). Hai là, điều trị và chăm sóc sức khỏe người bệnh, quản lý bệnh mãn tính, sơ cứu cấp cứu tại cộng đồng. Tuy nhiên, theo đại biểu Nguyễn Lân Hiếu, nhiệm vụ thứ hai ngày nay ngày càng teo tóp khiến cho việc hoàn thành nhiệm vụ thứ nhất trở nên bội phần khó khăn so với trước. "Dự phòng là mục tiêu quan trọng, nhưng chữa bệnh cũng cần được coi là chìa khóa để y tế cơ sở có đủ sức tồn tại và phát triển trong nền kinh tế thị trường", đại biểu nhấn mạnh.

Từ thực tiễn công tác trong ngành y tế, đại biểu Nguyễn Lân Hiếu cho rằng, sự bất hợp lý về chính sách bóp nghẹt sự phát triển của trạm y tế xã, phường. Không có lý gì cùng một bệnh nền, nếu chữa ở xã chỉ được sử dụng thuốc hạ huyết áp giá 100 đồng, trong khi đó liên tỉnh, liên huyện thì được sử dụng thuốc đắt tiền hơn. "Một đêm trực tiền thù lao không đáng là bao, khám cho bệnh nhân chỉ được 27 nghìn đồng mà còn bị trừ ngược trừ xuôi".

Kiến nghị giải pháp để y tế cơ sở - một hệ thống được dày công xây dựng từ nhiều thế hệ đi trước không bị teo tóp và mất hoàn toàn chức năng điều trị mà còn phải nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động, đại biểu Nguyễn Lân Hiếu đề nghị, cần thử nghiệm mô hình mới, coi trạm y tế xã, phường là phòng khám của trung tâm y tế huyện. Các tiêu chuẩn con người là tương đương nhau, cả người bệnh và nhân viên y tế. Các bác sĩ trung tâm y tế huyện sẽ có buổi khám ngoại trú cố định ở các xã, phường, đặc biệt các bệnh mãn tính không lây nhiễm như huyết áp, đái đường, bệnh phổi, tắc nghẽn mãn tính...; có buổi khám về ngoại, sản, nhi để tư vấn cho người bệnh đi khám, chữa đúng địa chỉ sau khi đã chữa tại cơ sở y tế của tuyến huyện, tuyến cao hay những vấn đề đơn giản có thể xử lý luôn ở trạm y tế xã, phường.

Các đại biểu dự phiên họp. Ảnh: Lâm Hiển

Các đại biểu dự phiên họp. Ảnh: Lâm Hiển

Cùng với đó, đại biểu Nguyễn Lân Hiếu nhấn mạnh, với từng địa phương cần có kế hoạch chi tiết tới từng trạm y tế, "cần may đo cẩn thận, không mặc đồng phục cho tất cả trạm y tế trong cả hệ thống". Nên chăng giao thêm quyền và trách nhiệm cho Trưởng trạm y tế, động viên họ để phát triển thế mạnh của mình? Đồng thời, khi đã vận hành trơn tru, chúng ta có thể tiến lên một bước nữa và phối hợp giữa các bệnh viện tỉnh và các trung tâm y tế quận, huyện, các bác sĩ giỏi ở tỉnh sẽ về huyện làm định kỳ trong tuần. Những bệnh nhân sau mổ sẽ được khám lại ở huyện khi hệ thống đã liên thông. Nhiều bệnh viện tuyến tỉnh và tuyến Trung ương đã áp dụng cách thức này nhưng đây vẫn chỉ là cải cách cá nhân nhỏ lẻ, chưa có hệ thống và hướng dẫn cụ thể.

Đại biểu Nguyễn Lân Hiếu cũng nhấn mạnh giải pháp số hóa ngành y tế bao gồm quản lý sức khỏe, khám chữa bệnh từ xa sẽ là chìa khóa thành công cho hệ thống chăm sóc khỏe ban đầu. Công nghệ thông tin còn giúp ích rất nhiều trong đào tạo.

Trung tâm y tế huyện nên trực thuộc Sở Y tế

Đặt vấn đề có nên giao UBND cấp huyện trực tiếp quản lý Trung tâm y tế huyện, đồng thời phát huy vai trò, trách nhiệm quản lý nhà nước về chuyên môn của ngành y tế, ĐBQH Nguyễn Văn Mạnh (Vĩnh Phúc) đề nghị, Quốc hội và Chính phủ, Bộ Y tế cần cân nhắc kỹ lưỡng nội dung này.

Đại biểu Nguyễn Văn Mạnh (Vĩnh Phúc) phát biểu

Đại biểu Nguyễn Văn Mạnh (Vĩnh Phúc) phát biểu

Theo đại biểu, toàn quốc hiện đang thực hiện hai mô hình. Một mô hình được áp dụng tại 60/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương: quy định trung tâm y tế là đơn vị sự nghiệp y tế công lập trực thuộc Sở Y tế, chỉ có 3 địa phương thực hiện mô hình Trung tâm y tế huyện trực thuộc UBND cấp huyện. Có thể nói, đa số các tỉnh hiện nay thực hiện mô hình trực thuộc Sở Y tế và phát huy vai trò, hiệu quả rất tốt, đặc biệt trong thời gian phòng, chống dịch Covid-19 vừa qua, bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ công tác lãnh đạo, chỉ đạo cả về chuyên môn, nhân lực, vật lực để huy động cho các công tác phòng, chống dịch cũng như là chăm sóc sức khỏe nhân dân. Mô hình này đã phát huy hiệu quả và ổn định cho đến nay.

Việc chuyển Trung tâm y tế huyện về trực thuộc UBND huyện có tranh thủ được sự thuận lợi về kinh phí của UBND huyện để đầu tư cho y tế cơ sở? Đại biểu Nguyễn Văn Mạnh cho rằng, cần cân nhắc vấn đề này bởi nếu xét về góc độ kinh phí thì cấp huyện còn rất nhiều nhiệm vụ để đầu tư, nhất là những huyện gặp nhiều khó khăn thì không có đủ điều kiện để đảm bảo đầu tư đầy đủ cho y tế cơ sở. Ngoài ra, việc chuyển Trung tâm y tế cấp huyện về trực thuộc UBND huyện sẽ phát sinh thêm tổ chức bộ máy, phải thành lập lại Phòng y tế - vốn đã được giải thể, để giúp cho UBND huyện quản lý. Ngoài ra, việc giao Trung tâm y tế về cho UBND huyện quản lý thì các huyện có quyền điều động cán bộ, bác sĩ, mua sắm các trang thiết bị không phù hợp với chuyên môn, nhiệm vụ sẽ ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng khám, chữa bệnh.

Do vậy, theo đại biểu Nguyễn Văn Mạnh, cần tiếp tục quy định Trung tâm y tế huyện là đơn vị sự nghiệp y tế công lập trực thuộc Sở Y tế để bảo đảm chất lượng cũng như công tác quản lý nhà nước. Giải pháp này cũng phù hợp với quan điểm chỉ đạo của Đảng, Nhà nước trong việc sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy, đó là một cơ quan, một nhiệm vụ thì chỉ giao cho một cơ quan chủ trì và chịu trách nhiệm chính, tránh trường hợp một việc giao cho nhiều cơ quan chủ trì nhưng khi xảy ra sai sót thì không cơ quan nào chịu trách nhiệm.

Thanh Hải

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/chinh-tri/khong-mac-dong-phuc-cho-cac-tram-y-te-xa-i330631/