Không may 'dính' tắc đường khi trở lại thành phố, lái xe cần làm gì?

Nếu là 'nạn nhân' của tắc đường sau kỳ nghỉ lễ, đừng quá lo lắng. Hãy luôn tuân thủ đi đúng làn đường, giữ khoảng cách an toàn, đồng thời chuẩn bị cho mình tâm lý thái thoải mái nhất sau tay lái.

Cảnh tắc đường (kẹt xe) khiến ô tô phải nhích từng mét trong nhiều giờ đồng hồ chính là nỗi ám ảnh đối với nhiều người sử dụng xe cá nhân. Chắc chắn khi "khăn gói" trở lại thành phố sau kỳ nghỉ lễ dài ngày, không ai muốn gặp lại cảnh ùn tắc "kinh hoàng" như ở một số tuyến cửa ngõ Hà Nội vào chiều tối 28 và ngày 29/4 vừa qua.

Tuy vậy, nếu không may trở thành "nạn nhân" của tắc đường, cũng hãy luôn giữ cho mình trạng thái thoải mái nhất sau tay lái bởi sự nóng vội, ức chế hay mất tập trung vừa có thể làm hại bạn chứ không giúp đường đỡ tắc hơn.

Cảnh ùn tắc nhiều giờ đồng hồ tại cửa ngõ phía Nam của Hà Nội vào tối 28/4 vừa qua. (Ảnh: Đình Hiếu)

Cảnh ùn tắc nhiều giờ đồng hồ tại cửa ngõ phía Nam của Hà Nội vào tối 28/4 vừa qua. (Ảnh: Đình Hiếu)

Dưới đây là một số lời khuyên cho tài xế nếu không may gặp cảnh tắc đường khi trở lại thành phố sau kỳ nghỉ lễ:

1. Đi đúng làn đường, phần đường

Một thói xấu mà nhiều lái xe mắc phải khi đường đông là kiểu “điền vào chỗ trống”. Hễ thấy làn bên cạnh có khoảng trống là chuyển làn, tạt đầu xe phía sau để “ngoi” lên trên.

Tắc đường là điều không ai mong muốn, nhưng nếu chỉ vì nóng vội mà chuyển làn, tạt đầu các xe khác sẽ khiến tình trạng ùn tắc càng thêm nghiêm trọng hơn. Đồng thời, điều này còn rất dễ xảy ra va chạm không đáng có.

Lời khuyên của những lái xe có kinh nghiệm là hãy bình tĩnh, cố gắng đi đúng là đường và chỉ chuyển làn khi thực sự cần thiết, tránh gây ức chế cho những người tham gia giao thông xung quanh. Chỉ có lưu thông một cách tuần tự mới giúp đường đông bớt "nóng".

2. Không di chuyển vào làn đường khẩn cấp

Thực tế khi đường đông, không hiếm gặp nhiều ô tô đi cả vào làn khẩn cấp hoặc vào phần đường dành cho xe máy, rồi sau đó lại tạt ra rất thiếu văn minh.

Việc đi vào làn đường khẩn cấp không chỉ vi phạm Luật Giao thông đường bộ và có thể bị xử phạt nặng mà còn có nguy cơ va chạm với một số phương tiện gặp sự cố đang phải dừng đỗ tại đây.

3. Giữ khoảng cách an toàn, không phanh gấp

Khi xảy ra tắc đường, khoảng cách giữa các xe thường bị thu hẹp lại đáng kể. Trong khi đang di chuyển, xe phía trước có thể phanh gấp bất cứ lúc nào mà nếu không chú ý, bạn rất dễ đâm vào. Khi đó, lỗi sai hoàn toàn thuộc về bạn khi đã không giữ khoảng cách an toàn, đồng thời chiếc xe của bạn sẽ ít nhiều bị hư hỏng.

Cùng với việc giữ khoảng cách an toàn, bạn cũng nên hạn chế tối đa việc phanh gấp bởi nó làm tăng nguy cơ bị xe phía sau đâm phải. Và tất nhiên, nếu va chạm nghiêm trọng thì sẽ rất mất thời gian để giải quyết hậu quả, không những vậy còn khiến cả đoạn đường phía sau kẹt cứng hơn.

Tuyệt đối tuân thủ theo sự điều tiết của lực lượng CSGT khi trở lại thành phố. (Ảnh: Hoàng Hiệp)

Tuyệt đối tuân thủ theo sự điều tiết của lực lượng CSGT khi trở lại thành phố. (Ảnh: Hoàng Hiệp)

4. Tuân thủ theo điều tiết của CSGT

Vào những ngày cao điểm như lễ tết, lực lượng CSGT sẽ tiến hành điều tiết, phân luồng giao thông từ xa tại các cửa ngõ vào thành phố để chống ùn tắc.

Và khi nhận được sự khuyến cáo, điều tiết và phân luồng từ phía CSGT, bạn nên tuân thủ tuyệt đối vì điều đó sẽ giúp hành trình của bạn thuận lợi hơn.

5. Liên tục kiểm tra nhiệt độ của động cơ

Thông thường, kim nhiệt trên bảng đồng hồ của xe luôn ở một vị trí an toàn, nằm giữa C (Cold) và H (Hot). Tuy nhiên, nếu phải "bò" trên đường trong một khoảng thời gian dài, cộng với việc nước làm mát bị rò rỉ, kim nhiệt này có nguy cơ tăng dần đến H, khi đó lái xe cần xử lý thích hợp, nếu không chiếc xe có thể sẽ bị bó máy rất nguy hiểm.

Khi đi đường tắc, cần liên tục để ý kim báo nhiệt độ động cơ của xe.

Khi đi đường tắc, cần liên tục để ý kim báo nhiệt độ động cơ của xe.

Ngay khi phát hiện ra kim chỉ nhiệt độ tăng bất thường, hãy tìm cách tấp thật gọn gàng vào lề đường để dừng xe an toàn, bật đèn cảnh báo, tắt máy, mở nắp ca-pô để động cơ nguội. Sau khoảng 10-20 phút tùy vào tình trạng xe, bạn có thể bổ sung thêm nước làm mát hoặc nước lọc và tiếp tục di chuyển.

Ngoài những lưu ý trên, việc đảm bảo tình trạng kỹ thuật của xe trước khi khởi hành luôn là điều cần được các tài xế quan tâm.

Các chuyên gia đưa ra lời khuyên, trước khi khởi hành, hãy dành một chút thời gian kiểm tra kỹ các chi tiết trên xe như nước làm mát, lốp xe, phanh, hệ thống đèn, mức nhiên liệu,... để đảm bảo "xế cưng" ở trong tình trạng tốt nhất.

Nếu có thể, hãy điều chỉnh thời điểm xuất phát cho phù hợp, tránh đi vào "giờ cao điểm". Đồng thời tham khảo các ứng dụng như Google Maps để lựa chọn tuyến đường hợp lý.

Chúc các bạn lái xe an toàn, thuận lợi!

Bạn có góc nhìn nào về vấn đề trên? Hãy để lại ý kiến dưới phần bình luận. Mời bạn đọc gửi bài cộng tác về Ban Ô tô xe máy theo email: otoxemay@vietnamnet.vn. Các nội dung phù hợp sẽ được đăng tải. Xin cảm ơn!

Hoàng Hiệp

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/khong-may-dinh-tac-duong-khi-tro-lai-thanh-pho-lai-xe-can-lam-gi-2138087.html