Không muốn thành 'gà'

Thứ hai tuần này, ba bà mẹ đợi đón con tan học trong một quán cà phê ở gần trường.

Câu chuyện về kỳ thi “vào 10” năm nay của các con đượm vẻ lo âu khi một chị nói: “Em sợ rằng đề thi có phần liên hệ thực tế, với những vấn đề nóng hiện nay. Nếu phải nói về “thằng vi-rút” xuất hiện vào cuối tuần qua thì khó quá, con em không biết gì vì em không cho cháu vào mạng xã hội”...

“Vi-rút” được đề cập trong câu chuyện này là tên hiệu nhân vật chính của màn tranh luận trực tiếp giữa một số người “có tên” trên mạng xã hội. Đó là một phiên livestream giữa đêm khuya, có hẹn trước và được hơn 1 triệu người theo dõi, bao gồm không ít người phải trả tiền để được quyền tham gia bình luận.

Nội dung chính của buổi livestream không có gì khác hơn là những lời tranh luận tình ái cá nhân “không đâu vào đâu”, loanh quanh ồn ã hàng giờ lúc nửa đêm... Tầm ảnh hưởng của màn livestream này không thể xem thường, bởi con số hơn 1 triệu người ngóng “hít drama” chỉ là một chuyện; màn “khẩu chiến” giữa cư dân mạng sau đó cho thấy vấn đề lớn hơn.

Sáng thứ ba, 1-4, Ngày nói dối, hàng nghìn người đã tham gia bình luận khi một số trang cá nhân dẫn lại thông tin về việc cơ quan quản lý văn hóa sẽ “tìm hiểu” sự việc nói trên trước khi có thông báo chính thức.

Một số bình luận rằng màn livestream đó là “rác”, “màn kịch”, “thao túng cư dân mạng”... Nhiều người bênh vực “nhóm vi-rút” - theo cách phát âm của vị nữ phụ huynh, khẳng định phía livestream “không phạm luật”, “kiếm tiền như thế cũng là giỏi”, coi sự can thiệp là “nhiều chuyện”, “mắc mớ gì xía vô”...

Màn livestream nói trên chỉ là một trong số nhiều "drama" diễn ra trong khoảng thời gian ngắn gần đây. Trước đó là liên tiếp chuyện về “sự cố phát ngôn” của người trong gia đình danh thủ bóng đá, về nhóm người lợi dụng tên tuổi cá nhân trên mạng xã hội để thổi phồng công dụng sản phẩm được rao bán online...

Ngay cả rắc rối đời tư của ngôi sao giải trí người nước ngoài cũng được cập nhật hằng ngày nhằm đáp ứng nhu cầu “hóng biến” đã ở mức khủng khiếp. Những người “đứng sau màn” hay trực tiếp xuất hiện dẫn dắt câu chuyện có thể không học một cách bài bản về tâm lý học nhưng biết cách tận dụng hiệu ứng tâm lý đám đông để thu hút người theo dõi, một số đủ nhạy bén để không vượt ranh giới mà luật pháp không cho phép.

Những gì đã và đang diễn ra trên mạng xã hội bao gồm điều tốt đẹp, nhưng có nhiều câu chuyện vô bổ và một số xứng đáng được coi là cái bẫy “lùa gà” nhằm thu lợi không chính đáng.

Mạng xã hội và nhan nhản câu chuyện "drama", trong đó bao gồm rất nhiều chuyện không đáng để nghiêm túc lắng nghe, đáng tiếc là đang lấy đi quá nhiều thời gian, năng lượng, cảm xúc của không ít người.

Bất chấp điều đó, có cảm giác nhiều người không thể bỏ thói quen “hóng biến”, “ngóng drama”, dễ dàng mủi lòng cho qua cho hành vi gây tổn hại cho cộng đồng của người nổi tiếng. Người ta vẫn sẵn sàng bỏ thời gian dõi theo những câu chuyện gây sốc, lý lẽ “chẳng giống ai”, không ngại thêm thắt vào đó quan điểm cá nhân và bởi vậy, tiếp tục góp phần nuôi dưỡng những điều vô bổ, những người kiếm tiền bằng “câu lai”.

Cách nay chưa lâu, nhóm người nổi danh trên mạng xã hội bán “kẹo rau” đã nhận được cái kết hợp lý. Tuần này, có tin về việc MV của một nhân vật tham gia livestream với nội dung được coi là vô bổ bị “mất top 1 trending”... Đó có thể là ví dụ cho thấy hiệu quả từ việc cộng đồng quay lưng với những ai muốn biến họ thành “gà”.

Hoàng Lê

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/khong-muon-thanh-ga-697993.html