Không muốn thu thập ADN, giọng nói khi làm Căn cước có bị phạt?

Hiện nay, người làm thẻ Căn cước sẽ phải thực hiện thu nhận thông tin sinh trắc học. Vậy, trong trường hợp người dân không muốn thu thập ADN, giọng nói có bị phạt?

Theo quy định tại Điều 15 Luật Căn cước 2023, thông tin sinh trắc học trong Cơ sở dữ liệu căn cước bao gồm ảnh khuôn mặt, vân tay, mống mắt, ADN, giọng nói.

Căn cứ theo quy định tại điểm d khoản 1 Điều 16 Luật Căn cước 2023, thông tin sinh trắc học về giọng nói và ADN là những thông tin mà người dân không bắt buộc phải cung cấp khi thực hiện thủ tục làm thẻ.

Thông tin sinh trắc học về ADN và giọng nói chỉ được thu thập khi người dân tự nguyện cung cấp hoặc được thu thập trong trường hợp: Khi thực hiện trưng cầu giám định đối với người bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính; hoặc khi cơ quan, tổ chức thu thập được thông tin sinh trắc học về ADN, giọng nói của người dân thì chia sẻ cho cơ quan quản lý căn cước.

Thay vào đó, tại điểm b Điều 23 Luật Căn cước 2023 quy định, người dân bắt buộc phải cung cấp 3 thông tin sinh trắc học khi làm thẻ Căn cước bao gồm ảnh khuôn mặt, vân tay, mống mắt.

Có thể đề nghị thu thập thông tin về ADN và giọng nói thông qua VNeID

Căn cứ vào khoản 3 Điều 13 Nghị định 70/2024/NĐ-CP có quy định, người dân có thể đề nghị thu thập, cập nhật thông tin sinh trắc học về ADN và giọng nói theo 2 hình thức đó là: Trực tiếp tại cơ quan quản lý căn cước; Thông qua ứng dụng định danh quốc gia - VNeID.

Như vậy, người dân có thể đề nghị thu thập thông tin sinh trắc học về ADN và giọng nói qua ứng dụng ứng dụng định danh quốc gia VNeID.

Căn cứ theo quy định tại khoản 4 Điều 13 Nghị định 70/2024/NĐ-CP thì thông tin sinh trắc học về ADN và giọng nói được thu thập vào Cơ sở dữ liệu căn cước phải đáp ứng được điều kiện sau:

- Cơ quan, tổ chức xét nghiệm, phân tích, tạo lập dữ liệu phải đáp ứng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật do Bộ Công an hướng dẫn.

- Thông tin tạo lập phải bảo đảm giá trị pháp lý của thông điệp dữ liệu; bảo đảm xác định duy nhất công dân đó trong Cơ sở dữ liệu căn cước.

Đề xuất các mức phạt liên quan đến thẻ Căn cước

Bộ Công an hiện đang lấy ý kiến về dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 144/2021/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy, chữa cháy; cứu nạn, cứu hộ; phòng, chống bạo lực gia đình.

Theo đó, Dự thảo Nghị định đề xuất các mức phạt liên quan đến thẻ căn cước như sau:

Thứ nhất, không đổi thẻ Căn cước khi hết hạn có thể bị phạt đến 500.000 đồng

Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 300.000 đồng đến 500.000 đồng đối với một trong những hành vi sau:

- Không xuất trình thẻ căn cước công dân, thẻ căn cước hoặc căn cước điện tử, giấy chứng nhận căn cước hoặc giấy xác nhận thông tin số chứng minh nhân dân 9 số với số định danh cá nhân, giấy xác nhận số định danh cá nhân đã hủy với số định danh cá nhân đã xác lập lại khi có yêu cầu kiểm tra của người có thẩm quyền;

- Không thực hiện đúng quy định của pháp luật về cấp, đổi, cấp lại thẻ căn cước, giấy chứng nhận căn cước; cấp căn cước điện tử;

- Không nộp lại thẻ căn cước công dân, thẻ căn cước hoặc giấy chứng nhận căn cước cho cơ quan thi hành lệnh tạm giữ, tạm giam, cơ quan thi hành án phạt tù, cơ quan thi hành quyết định đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc.

Thứ hai, sử dụng thẻ Căn cước đã hủy có thể bị phạt đến 2.000.000 đồng

Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau:

- Chiếm đoạt, sử dụng thẻ căn cước công dân, thẻ căn cước, căn cước điện tử, giấy chứng nhận căn cước, giấy xác nhận thông tin số chứng minh nhân dân 9 số với số định danh cá nhân, giấy xác nhận số định danh cá nhân đã hủy với số định danh cá nhân đã xác lập lại;

- Tẩy xóa, sửa chữa hoặc có hành vi khác làm sai lệch nội dung của thẻ căn cước công dân, thẻ căn cước, giấy chứng nhận căn cước, giấy xác nhận thông tin số chứng minh nhân dân 9 số với số định danh cá nhân, giấy xác nhận số định danh cá nhân đã hủy với số định danh cá nhân đã xác lập lại;

- Hủy hoại, cố ý làm hư hỏng thẻ căn cước công dân, thẻ căn cước, giấy chứng nhận căn cước, giấy xác nhận thông tin số chứng minh nhân dân 9 số với số định danh cá nhân, giấy xác nhận số định danh cá nhân đã hủy với số định danh cá nhân đã xác lập lại;

- Không nộp lại thẻ căn cước công dân hoặc thẻ căn cước cho cơ quan có thẩm quyền khi được thôi, bị tước quốc tịch, bị hủy bỏ quyết định cho nhập quốc tịch Việt Nam;

Không nộp lại giấy chứng nhận căn cước khi người gốc Việt Nam chưa xác định được quốc tịch được được nhập quốc tịch Việt Nam hoặc xác nhận có quốc tịch Việt Nam hoặc xác định có quốc tịch nước ngoài.

Thứ ba, cung cấp thông tin sai sự thật để được cấp thẻ Căn cước có thể bị phạt đến 4.000.000 đồng

Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 4.000.000 đồng đối với một trong những hành vi:

- Làm giả, sử dụng giấy tờ, tài liệu, dữ liệu giả để được cấp thẻ căn cước công dân, thẻ căn cước, căn cước điện tử, giấy chứng nhận căn cước, giấy xác nhận thông tin số chứng minh nhân dân 9 số với số định danh cá nhân, giấy xác nhận số định danh cá nhân đã hủy với số định danh cá nhân đã xác lập lại;

- Cung cấp thông tin, tài liệu sai sự thật để được cấp thẻ căn cước công dân, thẻ căn cước, căn cước điện tử, giấy chứng nhận căn cước; giấy xác nhận thông tin số chứng minh nhân dân 9 số với số định danh cá nhân, giấy xác nhận số định danh cá nhân đã hủy với số định danh cá nhân đã xác lập lại.

Thứ tư, mượn, cho mượn thẻ Căn cước có thể bị phạt đến 6.000.000 đồng

Phạt tiền từ 4.000.000 đồng đến 6.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:

- Làm giả thẻ căn cước công dân, thẻ căn cước, căn cước điện tử, giấy chứng nhận căn cước, giấy xác nhận thông tin số chứng minh nhân dân 9 số với số định danh cá nhân, giấy xác nhận số định danh cá nhân đã hủy với số định danh cá nhân đã xác lập lại nhưng không bị truy cứu trách nhiệm hình sự;

- Sử dụng thẻ căn cước công dân giả, thẻ căn cước giả, căn cước điện tử giả, giấy chứng nhận căn cước giả, giấy xác nhận thông tin số chứng minh nhân dân 9 số với số định danh cá nhân, giấy xác nhận số định danh cá nhân đã hủy với số định danh cá nhân đã xác lập lại giả;

- Thế chấp, cầm cố, nhận cầm cố thẻ căn cước công dân, thẻ căn cước hoặc giấy chứng nhận căn cước;

- Mua, bán, thuê, cho thuê thẻ căn cước công dân, thẻ căn cước hoặc giấy chứng nhận căn cước;

- Mượn, cho mượn thẻ căn cước công dân, thẻ căn cước hoặc giấy chứng nhận căn cước để thực hiện hành vi trái quy định của pháp luật.

Ngoài hình thức phạt cảnh cáo, phạt tiền nêu trên, các hành vi vi phạm liên quan đến cấp, quản lý, sử dụng Căn cước công dân, thẻ Căn cước còn bị xử phạt bổ sung và bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả theo quy định.

Có thể thấy so với quy định hiện hành tại Nghị định 144/2021/NĐ-CP, mức phạt về các hành vi vi phạm không thay đổi.

Tuy nhiên theo Luật Căn cước 2023, công dân được cấp thẻ Căn cước, Giấy Chứng nhận Căn cước nên các loại giấy tờ mới này cũng đã được đề cập đến trong các hành vi vi phạm.

Cụ thể, những loại giấy tờ mới được đề cập đến gồm: Thẻ Căn cước; Giấy chứng nhận Căn cước; Giấy xác nhận thông tin số chứng minh nhân dân 9 số với số định danh cá nhân; Giấy xác nhận số định danh cá nhân đã hủy với số định danh cá nhân đã xác lập lại.

Đồng Xuân Thuận

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/khong-muon-thu-thap-adn-giong-noi-khi-lam-can-cuoc-co-bi-phat-204240903035823463.htm