Không nên cho phép các ngân hàng liên doanh, liên kết bán bảo hiểm

Đại biểu Phạm Văn Hòa nhấn mạnh hệ lụy của việc các ngân hàng liên doanh, liên kết bán bảo hiểm thời gian qua đã rất rõ. Do vậy, đại biểu ủng hộ quan điểm không cho phép các ngân hàng liên doanh, liên kết bán bảo hiểm…

Toàn cảnh phiên họp Quốc hội chiều 15-1.

Toàn cảnh phiên họp Quốc hội chiều 15-1.

Tiếp tục chương trình kỳ họp bất thường lần thứ năm, chiều 15-1, dưới sự chủ trì của Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Quốc hội thảo luận về dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi). Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành phiên họp.

Xử lý trường hợp tổ chức tín dụng bị rút tiền hàng loạt

Báo cáo tóm tắt một số vấn đề lớn tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết, dự thảo Luật sau khi tiếp thu, chỉnh lý gồm 15 chương và 210 điều, tăng 7 điều so với dự thảo trình Quốc hội tại kỳ họp thứ sáu.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày báo cáo.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày báo cáo.

Về nghiệp vụ ủy thác và đại lý, giao đại lý (Điều 113), ông Vũ Hồng Thanh cho biết, tiếp thu ý kiến của các đại biểu, Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉnh lý dự thảo Luật theo hướng bổ sung quy định tại Khoản 2 Điều 113 và tương tự tại các điều tương ứng với từng loại hình tổ chức tín dụng như sau: “Ngân hàng thương mại được thực hiện hoạt động đại lý bảo hiểm theo quy định của pháp luật về kinh doanh bảo hiểm, phù hợp với phạm vi hoạt động đại lý bảo hiểm theo quy định của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước”.

Về dự phòng rủi ro, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉnh lý theo hướng Chính phủ quy định mức trích lập dự phòng rủi ro, phương pháp trích lập dự phòng rủi ro và việc sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro trong hoạt động của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài (Khoản 3 Điều 147) do các nội dung này có liên quan đến các quy định về chế độ kế toán, thuế thu nhập doanh nghiệp...

Về kiểm soát đặc biệt tổ chức tín dụng (Chương X), Ủy ban tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật theo hướng giao thẩm quyền cho Ngân hàng Nhà nước xem xét, quyết định đặt tổ chức tín dụng vào kiểm soát đặc biệt khi thuộc các trường hợp được quy định cụ thể trong dự thảo Luật.

Để có cơ sở xử lý các tình huống đặc biệt có thể phát sinh, kế thừa Luật Các tổ chức tín dụng hiện hành, dự thảo Luật quy định: “Trường hợp nhằm bảo đảm an toàn hệ thống tổ chức tín dụng, trật tự, an toàn xã hội khi xử lý tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt, Chính phủ quyết định việc áp dụng biện pháp đặc biệt trên cơ sở đề xuất của Ngân hàng Nhà nước và báo cáo Quốc hội tại kỳ họp gần nhất”.

Đại biểu Phạm Văn Hòa (Đoàn Đồng Tháp) phát biểu ý kiến.

Đại biểu Phạm Văn Hòa (Đoàn Đồng Tháp) phát biểu ý kiến.

Về chức năng thanh tra, giám sát ngân hàng (Chương XIII), Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp thu chỉnh lý dự thảo Luật theo hướng quy định: “Ngân hàng Nhà nước có thẩm quyền kiểm tra, thanh tra, giám sát tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, văn phòng đại diện nước ngoài theo quy định của Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và quy định khác của pháp luật có liên quan” tại Khoản 1, Điều 207.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đề nghị Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước, Thanh tra Chính phủ, các bộ, ngành có liên quan (Bộ Tài chính) tiếp tục có giải pháp tăng cường, nâng cao hiệu quả công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát, bảo đảm các tổ chức tín dụng hoạt động lành mạnh, tăng tính hiệu lực, hiệu quả của Luật khi ban hành. Đồng thời, giải trình, tiếp thu ý kiến đại biểu liên quan đến xử lý trường hợp tổ chức tín dụng bị rút tiền hàng loạt, vay, cho vay đặc biệt; xử lý nợ xấu, tài sản bảo đảm…

Hiện tượng ép khách hàng vay vốn phải mua bảo hiểm nhân thọ

Thảo luận tại hội trường, đại biểu Phạm Văn Thịnh (Đoàn Bắc Giang) cho biết, tại hai kỳ họp trước đã phát biểu về việc ngân hàng thương mại làm đại lý bảo hiểm nhân thọ, cơ quan soạn thảo tiếp thu một phần những vẫn còn băn khoăn.

Nhắc lại nội dung phát biểu của mình trước đây, đại biểu Phạm Văn Thịnh nêu rõ mức chiết khấu tối đa cho đại lý bảo hiểm nhân thọ với 2 loại sản phẩm bảo hiểm nhân thọ phổ biến là bảo hiểm nhân thọ tử kỳ và bảo hiểm hỗn hợp là 4% cho phí bảo hiểm năm đầu.

Đại biểu Phạm Văn Thịnh (Đoàn Bắc Giang) phát biểu.

Đại biểu Phạm Văn Thịnh (Đoàn Bắc Giang) phát biểu.

Đại biểu nêu thực tế, tại các ngân hàng thương mại có liên kết lại làm đại lý bảo hiểm nhân thọ có hiện tượng gợi ý ép khách hàng vay vốn phải mua bảo hiểm nhân thọ với mức đóng 1 năm bằng từ 2% đến 4% giá trị khoản vay. Tại các ngân hàng thương mại, nhân viên ngân hàng được giao chỉ tiêu số hợp đồng bảo hiểm và chỉ tiêu doanh thu phí bảo hiểm nhân thọ.

Đại biểu bổ sung thông tin, theo kết luận thanh tra của Bộ Tài chính tháng 7-2023 đối với 4 doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ cung cấp sản phẩm bảo hiểm cho khách hàng qua kênh ngân hàng thương mại đã cho thấy tỷ lệ hủy hợp đồng sau năm đầu tiên của khách hàng lên tới 70%, mà hủy năm đầu thì khách hàng mất không số phí đã nộp.

"Nếu dự thảo Luật chỉ tiếp thu theo hướng bổ sung Khoản 2, Điều 113: Ngân hàng thương mại được thực hiện hoạt động đại lý bảo hiểm theo quy định của pháp luật về kinh doanh bảo hiểm, phù hợp với phạm vi hoạt động đại lý bảo hiểm theo quy định của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, thì sẽ không có gì đảm bảo cho được tình trạng chèn ép khách hàng vay vốn mua bảo hiểm hoặc lợi dụng sự thiếu hiểu biết của khách hàng có tiền gửi tiết kiệm để mua sản phẩm bảo hiểm nhân thọ như thời gian qua”, đại biểu Phạm Văn Thịnh nêu ý kiến

Các đại biểu Quốc hội thảo luận tại hội trường chiều 15-1.

Các đại biểu Quốc hội thảo luận tại hội trường chiều 15-1.

Trên cơ sở đó, đại biểu Phạm Văn Thịnh đề nghị dự thảo Luật cần bổ sung 1 điều giao Chính phủ ban hành văn bản quy định việc kinh doanh các sản phẩm bảo hiểm mà ngân hàng thương mại và các tổ chức tín dụng làm đại lý để đảm bảo công khai, minh bạch, bảo vệ quyền của khách hàng vay vốn cũng như gửi tiết kiệm tại ngân hàng.

Đại biểu Dương Khắc Mai (Đoàn Đắk Nông) cho rằng, mặc dù đã có các quy định liên quan trong Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2022 và các văn bản pháp luật khác. Tuy nhiên để bảo vệ tốt hơn quyền lợi của khách hàng, cần nghiên cứu luật hóa để ngăn chặn, xử lý đối với các hành vi vi phạm của nhân viên các tổ chức tín dụng, ngân hàng như việc tư vấn không đầy đủ khiến một số khách hàng nhầm lẫn giữa sản phẩm bảo hiểm và sản phẩm ngân hàng hoặc việc yêu cầu mua bảo hiểm gắn với các khoản vay khi có nhu cầu vay vốn ngân hàng như các phương tiện thông tin đã phản ánh thời gian qua.

Đại biểu Dương Khắc Mai (Đoàn Đắk Nông) phát biểu ý kiến.

Đại biểu Dương Khắc Mai (Đoàn Đắk Nông) phát biểu ý kiến.

Trong khi đó, đại biểu Phạm Văn Hòa (Đoàn Đồng Tháp) nhấn mạnh hệ lụy của việc các ngân hàng liên doanh, liên kết bán bảo hiểm thời gian qua đã rất rõ. Do vậy, đại biểu ủng hộ quan điểm không cho phép các ngân hàng liên doanh, liên kết bán bảo hiểm…

Phát biểu kết luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, trong phiên thảo luận đã có 14 đại biểu phát biểu.

“Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ chỉ đạo các cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra, các cơ quan liên quan tập trung nghiên cứu, khẩn trương tiếp thu đầy đủ các ý kiến tham gia để hoàn thiện báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện dự án luật, trình báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội để chuẩn bị trình Quốc hội xem xét, thông qua”, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết.

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/khong-nen-cho-phep-cac-ngan-hang-lien-doanh-lien-ket-ban-bao-hiem-655907.html