Không nên lạm dụng khám hậu Covid-19

Lo lắng cho sức khỏe của bản thân và gia đình sau khi mắc Covid-19, nhiều người đã đi kiểm tra sức khỏe ngay sau khi khỏi bệnh. Tuy nhiên, không phải trường hợp F0 nào cũng cần phải tầm soát sức khỏe hậu Covid-19. Việc người dân “đổ xô” đi kiểm tra sức khỏe hậu Covid-19 không chỉ gây lãng phí thời gian, công sức, tiền bạc mà còn tạo áp lực đối với các cơ sở y tế.

Người dân khám hậu Covid-19 tại Bệnh viện Hữu nghị Lạc Việt

Người dân khám hậu Covid-19 tại Bệnh viện Hữu nghị Lạc Việt

Hậu Covid-19 là vấn đề sức khỏe được nhiều người quan tâm, lo lắng, nhất là đối với những bệnh nhân vừa hồi phục sức khỏe sau khi mắc bệnh. Có lẽ chưa có căn bệnh nào mà mọi người lại nói về những triệu chứng sau đó nhiều như Covid-19.

Những thông tin về di chứng sau mắc Covid-19 như mệt mỏi, tâm thần kinh đa dạng, di chứng tim mạch, hệ hô hấp bất thường, xơ phổi, rối loạn nội tiết… khiến nhiều người hoang mang, lo lắng. Do đó, không ít hợp sau khi mắc Covid-19, mặc dù tình trạng sức khỏe ổn định, không có triệu chứng gì nhưng vẫn quyết định đi khám hậu Covid-19 cho yên tâm.

Chị Vũ Thị Lâm, phường Liên Bảo, thành phố Vĩnh Yên cho biết: “Thông tin về di chứng hậu Covid-19 đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng, các trang mạng xã hội… nhiều đến mức khiến tôi không sợ trở thành F0 mà chỉ sợ hậu Covid-19. Cả gia đình tôi có 4 người đều đã mắc Covid-19. Chúng tôi chỉ có một số triệu chứng nhẹ như mệt mỏi, ho, rát họng… trong 3- 4 ngày và đều âm tính khi xét nghiệm vào ngày thứ 7.

Vì lo lắng sau khi mắc Covid-19 có thể để lại những di chứng, nên sau khi khỏi bệnh, tôi đã đăng ký cho cả gia đình kiểm tra sức khỏe hậu Covid-19. May mắn là sức khỏe của gia đình tôi đều ổn, không có vấn đề gì nghiêm trọng”.

Sau thời gian cách ly, điều trị Covid-19 tại nhà, chị Hoàng Thùy Linh, phường Tích Sơn, thành phố Vĩnh Yên đã quay trở lại cuộc sống sinh hoạt bình thường, tình trạng sức khỏe ổn định. Tuy nhiên, đọc nhiều thông tin về di chứng hậu Covid-19 trên các phương tiện thông tin đại chúng khiến chị Linh cảm thấy bồn chồn, lo lắng đến mất ngủ mấy đêm liền. Sau đó, chị quyết định đi kiểm tra sức khỏe cho yên tâm.

Chị Linh cho biết: “Thời gian gần đây tôi đọc được rất nhiều thông tin về những di chứng hậu Covid-19 nên cảm thấy rất lo lắng cho sức khỏe của bản thân. Tôi và 3 đồng nghiệp cùng công ty đã rủ nhau đi khám hậu Covid-19, chi phí cho các xét nghiệm cơ bản như công thức máu, chụp x quang phổi, điện tim… hết gần 1 triệu đồng. Sau khi nhận kết quả xét nghiệm các chỉ số đều bình thường, không phát hiện di chứng hậu Covid-19, tôi mới có thể yên tâm”.

Các nghiên cứu cho thấy, không phải tất cả các trường hợp mắc Covid-19 đều bị các triệu chứng hậu Covid-19; chỉ có gần 30% bệnh nhân Covid-19 là người lớn sau khi khỏi bệnh bị những di chứng ảnh hưởng đến sức khỏe, chủ yếu là bệnh nhân hồi sức cấp cứu và người có bệnh nền; tỷ lệ này ở trẻ em và người khỏe mạnh rất thấp.

Hậu Covid-19 xảy ra ở người có tiền sử nhiễm vi rút SARS-CoV-2 thường là 3 tháng kể từ khi bắt đầu mắc Covid-19 với các triệu chứng và kéo dài ít nhất 2 tháng mà không thể giải thích bằng chẩn đoán thay thế.

Về mặt lâm sàng, các triệu chứng sau Covid-19 chia thành 2 giai đoạn: Triệu chứng kéo dài 4 -12 tuần sau khi mắc bệnh gọi là tình trạng Covid-19 kéo dài; các triệu chứng kể từ khi mắc Covid-19 kéo dài sau 3 tháng thì mới gọi là hậu Covid-19. Triệu chứng hậu Covid-19 phổ biến gồm mệt mỏi, khó thở, mất ngủ, đau khớp, đau đầu, rối loạn chức năng nhận thức…

Trước nhu cầu khám hậu Covid-19 của người dân ngày càng tăng cao, không chỉ ở các cơ sở y tế công lập, rất nhiều cơ sở y tế tư nhân trên địa bàn tỉnh đã triển khai các gói khám sức khỏe hậu Covid-19 từ cơ bản đến chuyên sâu.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia y tế, không phải tất cả F0 đều cần phải đi khám hậu Covid-19. Việc nhiều người đi khám hậu Covid-19 dù không có triệu chứng không chỉ gây lãng phí thời gian, công sức, tiền bạc mà còn gây áp lực lên hệ thống y tế.

Trả lời cho câu hỏi những trường hợp nào cần đi khám hậu Covid-19, bác sĩ Chuyên khoa II Hoàng Hữu Việt, Trưởng Khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Đa khoa tỉnh cho biết: “Không phải ai mắc Covid-19 sau khi khỏi bệnh cũng phải đi khám di chứng, đối với người mắc Covid-19 nhẹ, không phải nhập viện thì chỉ nên đi khám khi xuất hiện các triệu chứng bất thường.

Các trường hợp được khuyến cáo đi khám hậu Covid-19 sau khi khỏi bệnh gồm người có bệnh lý nền (tiểu đường, huyết áp, tim mạch, suy giảm miễn dịch, rối chuyển hóa…); người 60 tuổi trở lên kể cả có bệnh nền hoặc không; người nhập viện do Covid-19 ở mức độ nặng cần phải hỗ trợ thở máy, sốt cao.

Khi khám hậu Covid-19, người bệnh sẽ được khám, tầm soát và điều trị toàn diện các di chứng của bệnh, đồng thời đánh giá nhu cầu can thiệp về dinh dưỡng, vật lý trị liệu, phục hồi chức năng, nhất là những người từng nhiễm bệnh ở mức độ nặng, nguy kịch hoặc suy giảm sức khỏe sau khi khỏi bệnh.

Tùy từng trường hợp cụ thể mà sau khi khám xong, bác sĩ sẽ cho chỉ định làm các xét nghiệm phù hợp để chẩn đoán, tránh lãng phí các thăm dò không thực sự cần thiết cho người bệnh…”.

Các chuyên gia y tế cũng khuyến cáo, người dân nên bình tĩnh, tìm hiểu nguồn thông tin chính xác, không hoang mang, lo lắng thái quá về các di chứng hậu Covid-19 dẫn đến việc “ồ ạt” đi kiểm tra sức khỏe dù không có triệu chứng bất thường hay mua các loại thực phẩm chức năng bổ sung, gây lãng phí, tốn kém. Trong trường hợp cần đi khám hậu Covid-19, người dân cũng chú ý lựa chọn các cơ sở y tế uy tín để đảm bảo tính chính xác và hiệu quả của việc điều trị.

Bài, ảnh: Lê Mơ

Nguồn Vĩnh Phúc: http://baovinhphuc.com.vn/thoi-su/76463/khong-nen-lam-dung-kham-hau-covid-19.html