Không nên lạm dụng xông thảo dược trong điều trị Covid-19

Để phòng và điều trị Covid-19 tại nhà, nhiều người đã chia sẻ cho nhau các bài thuốc xông bằng thảo dược. Việc xông các loại thảo dược sẽ giúp người bệnh cải thiện triệu chứng về hô hấp, làm dịu thần kinh, giảm đau nhức, an thần, dễ ngủ… Tuy nhiên, theo khuyến cáo của các bác sĩ, mọi người không nên quá lạm dụng xông thảo dược trong điều trị Covid-19.

Xông các loại thảo dược giúp người nhiễm Covid-19 giảm các triệu chứng về hô hấp, song không nên quá lạm dụng. Ảnh: Trường Khanh

Xông các loại thảo dược giúp người nhiễm Covid-19 giảm các triệu chứng về hô hấp, song không nên quá lạm dụng. Ảnh: Trường Khanh

Anh N.M.T, phường Khai Quang, thành phố Vĩnh Yên bị dương tính với SARS-CoV-2. Anh T đến trạm y tế phường khai báo và được chỉ định tự cách ly, điều trị tại nhà. Trong quá trình điều trị tại nhà, bên cạnh duy trì việc uống thuốc đều đặn theo hướng dẫn của nhân viên y tế địa phương, ngày nào anh T cũng xông mũi, họng và xông phòng bằng tinh dầu chanh, sả.

Anh T cho biết: Khi anh có kết quả xét nghiệm dương tính với Covid-19, mọi người trong nhà ai cũng lo lắng. Được mấy người hàng xóm chỉ bài thuốc xông thảo dược giúp điều trị Covid-19, mẹ anh đã đi tìm đủ các loại thảo dược để nấu nước xông. Ngày đầu, triệu chứng nhẹ, anh chỉ xông 1 lần. nhưng 3 ngày sau, anh thấy ho, ngạt mũi nhiều hơn, người mệt mỏi và sốt nên anh đã tăng số lần xông lên từ 3-4 lần/ngày. Mỗi lần xông xong anh thấy đỡ ngạt mũi, người đỡ đau nhức và dễ ngủ hơn.

Gia đình chị N.T.Q.H, xã Tân Phong, huyện Bình Xuyên cũng dùng phương pháp xông thảo dược để điều trị Covid - 19 khi chồng trở thành F0.

Chị H cho biết: Vì vườn nhà có sẵn mấy khóm xả và một ít tía tô, lại được bà ngoại tiếp tế chanh, gừng nên ngày nào chị cũng nấu 1 nồi nước to để xông cho cả gia đình vào sáng, trưa và tối. Mặc dù việc này rất mất thời gian, nhưng thấy trên mạng chia sẻ là chỉ cần chịu khó xông đều đặn mỗi ngày sẽ phòng và điều trị được Covid-19 nên tôi cố gắng nấu nước xông cho cả nhà ít nhất 3 lần/ngày. Để thuận tiện hơn cho việc xông thảo dược, tôi còn đặt mua trên mạng 1 chiếc lều xông bằng vải, với giá gần 200 nghìn đồng.

Không chỉ anh T, chị H, mà nhiều người dân khác trên địa bàn tỉnh xem việc xông các loại thảo dược là phương pháp phòng và điều trị Covid-19 tại nhà “không thể thiếu”. Vì thế, những mặt hàng được người dân tìm mua nhiều nhất là các loại thảo dược, tinh dầu và thiết bị dùng để xông.

Từ chợ truyền thống đến chợ online, hoạt động mua, bán các mặt hàng này trở nên sôi động.

Bà Nguyễn Thị Huê, một tiểu thương ở chợ Láng, thị trấn Thanh Lãng, huyện Bình Xuyên cho biết: Trước đây, bà chỉ bán rau, củ. Khoảng 2 tuần nay, nhiều khách hàng hỏi mua lá xông nên bà nhập thêm về để bán. Mặc dù giá nhập vào và bán ra cao hơn trước, nhưng các mặt hàng này vẫn bán khá chạy. Có hôm bà còn không có đủ hàng để bán cho khách.

Việc xông thảo dược giúp người nhiễm Covid-19 giảm các triệu chứng về hô hấp, tạo cảm giác thư giãn, thoải mái. Tuy nhiên, nếu người dân lạm dụng xông thái quá, sẽ gây ra những tác dụng ngược lại.

Đặc biệt, ở một số lứa tuổi, xông thảo dược có thể gây nguy hiểm đến sức khỏe, tính mạng. Khi xông, trẻ em dễ bị bỏng niêm mạc mắt, mũi, họng, viêm da kích ứng... Còn đối với người già có tiền sử về bệnh huyết áp, tim mạch, việc xông thảo dược không đúng cách có thể gây nên đột quỵ, các bệnh về não, thần kinh.

Bác sĩ chuyên khoa II Hoàng Hữu Việt, Trưởng Khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Đa khoa tỉnh cho biết: Xông các loại thảo dược không có tác dụng ngăn ngừa hoặc chữa khỏi Covid-19, mà chỉ có tác dụng hỗ trợ điều trị làm giảm các triệu chứng.

Vì thế, người dân cần thận trọng và tuyệt đối không lạm dụng việc xông mũi, họng bằng thảo dược. Bởi, nếu xông quá nhiều có thể gây ra nhiều nguy cơ về sức khỏe như bị bỏng; hơi nước quá nóng cũng sẽ làm tổn thương niêm mạc đường hô hấp, làm mất đi hàng rào bảo vệ tự nhiên của cơ thể. Đối với các F0, nếu xông khi đang bị sốt sẽ khiến cơ thể mất nước và mệt mỏi hơn.

Về vấn đề xông mũi họng cho trẻ em, cũng được các bác sĩ khuyến cáo, không nên xông cho trẻ nhỏ, bởi niêm mạc mũi, niêm mạc đường hô hấp của trẻ rất mỏng, cha mẹ không thể xác định được nhiệt độ xông phù hợp cho trẻ.

Vì thế, việc xông thảo dược có thể dẫn đến nguy cơ trẻ bị bỏng niêm mạc. Hơn nữa, nếu các sản phẩm xông không đảm bảo an toàn, chứa hóa chất độc hại khi xông vào mũi trẻ có thể gây viêm nhiễm, bội nhiễm đường hô hấp.

Thanh Huyền

Nguồn Vĩnh Phúc: http://baovinhphuc.com.vn/xa-hoi/74945/khong-nen-lam-dung-xong-thao-duoc-trong-dieu-tri-covid-19.html