Không nên tiếp tục tạm giam ông hiệu trưởng ở Cà Mau bị cáo buộc tham ô 10,7 triệu đồng
Ông hiệu trưởng bị cáo buộc tham ô 10,7 triệu đồng đã bị tạm giam gần một năm rồi; việc tiếp tục tạm giam ông nữa là điều rất xót xa, thật sự không cần thiết.
Liên quan vụ TAND tỉnh Cà Mau xử phúc thẩm, tuyên hủy toàn bộ bản án sơ thẩm (xử 7 năm tù) đối với ông Trần Văn Tâm - Hiệu trưởng Trường THCS Tam Giang Tây (huyện Ngọc Hiển cũ) phạm tội tham ô tài sản với số tiền 10,7 triệu đồng; nhiều bạn đọc bày tỏ băn khoăn về việc áp dụng biện pháp ngăn chặn tạm giam đối với ông.
Ông Tâm bị bắt tạm giam từ ngày 15-8-2024, tính đến nay ông đã bị tạm giam gần một năm trời.

Các luật sư cùng chung quan điểm rằng việc tiếp tục tạm giam ông Tâm là không cần thiết.
Không nhất thiết áp dụng biện pháp tạm giam
Chia sẻ thêm góc nhìn về vụ án, Luật sư Trần Văn Giới, Đoàn Luật sư TP.HCM cho biết: Với tính chất vụ án thể hiện trong hồ sơ, căn cứ mức độ phạm tội của ông Tâm thì việc áp dụng biện pháp ngăn chặn tạm giam là không cần thiết.
Bởi lẽ, theo quy định tại Điều 119 Bộ luật Tố tụng hình sự (sửa đổi, bổ sung năm 2021, 2025; gọi tắt là BLTTHS): Tạm giam có thể áp dụng đối với bị can, bị cáo về tội đặc biệt nghiêm trọng, tội rất nghiêm trọng (khung hình phạt cao nhất đến 15 năm tù).
Trường hợp bị can, bị cáo về tội nghiêm trọng (khung hình phạt cao nhất đến 7 năm tù), tội ít nghiêm trọng (khung hình phạt cao nhất đến 3 năm tù) mà BLHS quy định hình phạt tù trên 02 năm thì có thể áp dụng biện pháp tạm giam khi có căn cứ xác định người đó thuộc một trong các trường hợp như: (1) Đã bị áp dụng biện pháp ngăn chặn khác nhưng vi phạm; (2) Không có nơi cư trú rõ ràng hoặc không xác định được lý lịch của bị can; (3) Tiếp tục phạm tội hoặc có dấu hiệu tiếp tục phạm tội...
Tuy khung hình phạt mà các cơ quan tiến hành tố tụng truy tố, xét xử ông Tâm là khoản 2 Điều 353 BLHS (khung hình phạt từ 7-15 năm tù, thuộc loại tội phạm rất nghiêm trọng) nhưng xét về nhân thân thì ông Tâm có nhân thân tốt, có nơi cư trú rõ ràng, không có tình tiết tăng nặng, bản thân có nhiều thành tích xuất sắc trong công tác, không có ý định bỏ trốn hay tiếp tục phạm tội...
Do vậy, ông Tâm hoàn toàn có đủ điều kiện để áp dụng biện pháp bảo lĩnh (để thay thế biện pháp tạm giam, thường gọi là được cho tại ngoại) theo quy định tại Điều 121 BLTTHS.

Luật sư Trần Văn Giới, Đoàn Luật sư TP.HCM.
Bảo lĩnh là biện pháp ngăn chặn thay thế tạm giam. Căn cứ vào tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi và nhân thân của bị can, bị cáo, Cơ quan điều tra, VKS và Tòa án có thể quyết định cho họ được bảo lĩnh.
Cũng cần nhấn mạnh rằng, ông Tâm bị truy tố, xét xử theo khoản 2 Điều 353 BLHS vì tình tiết định khung "phạm tội hai lần trở lên" chứ không phải căn cứ vào số tiền gây thiệt hại 10,7 triệu đồng.
Một bị can, bị cáo bị truy tố, xét xử về tội thuộc trường hợp phạm tội rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng không đồng nghĩa với việc hành vi của người đó là đặc biệt nguy hiểm cho xã hội, gây thiệt hại đặc biệt lớn cho tài sản Nhà nước.
Rõ ràng, một thầy hiệu trưởng vì sự nhiệt tình và tận tâm đối với hoạt động của trường - thay vì mua sắm trang thiết bị theo quy trình - ông Tâm đã tận dụng "cây nhà lá vườn" tạo ra các sản phẩm phục vụ cho hoạt động chung của trường.
Hơn nữa, số tiền ông Tâm đang bị cáo buộc chiếm đoạt chỉ là 10,7 triệu đồng (không quá lớn), chưa tính đến chuyện thực tế hiện nay ông Tâm đã nộp khắc phục toàn bộ thiệt hại của vụ án.
Trong vụ án này, cơ quan tiến hành tố tụng không cần phải chờ người thân của ông Tâm gửi đơn xin bảo lĩnh mà tự mình cân nhắc, xem xét thay đổi biện pháp ngăn chặn, cho ông Tâm được tại ngoại.
Luật sư Hoàng Kim Minh Châu
Có thể áp dụng biện pháp ngăn chặn khác thay thế tạm giam
Đồng quan điểm, luật sư Hoàng Kim Minh Châu, Đoàn Luật sư TP.HCM, cho rằng để cơ quan tố tụng quyết định có áp dụng biện pháp bảo lĩnh thay cho biện pháp tạm giam hay không, có 2 yếu tố quyết định, đó là: Tính chất hành vi phạm tội và nhân thân của người phạm tội.
Xét về tính chất, hậu quả của hành vi phạm tội trong vụ án này, có thể thấy thiệt hại là không đáng kể (10,7 triệu đồng).

Luật sư Hoàng Kim Minh Châu, Đoàn Luật sư TP.HCM.
Trong quá trình điều tra, truy tố và xét xử, các cơ quan tố tụng đã ghi nhận ông Tâm được hưởng các tình tiết giảm nhẹ, như: Tự nguyện sửa chữa, bồi thường thiệt hại hoặc khắc phục hậu quả; thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải...
Theo luật sư Hoàng Kim Minh Châu, ông Tâm hoàn toàn có thể được hưởng tình tiết giảm nhẹ theo điểm h khoản 1 Điều 51 BLHS, đó là "Phạm tội nhưng chưa gây thiệt hại hoặc gây thiệt hại không lớn".
Thiệt hại không lớn ở đây có thể hiểu là hành vi phạm tội gây ra thiệt hại không lớn so với mức bình thường. Mức thiệt hại bình thường của mỗi loại tội phạm là khác nhau, nó phụ thuộc vào khách thể xâm hại, tính chất phạm tội... Việc đánh giá và quyết định thuộc thẩm quyền của các cơ quan tiến hành tố tụng.
Xét về thực tiễn điều tra, truy tố, xét xử các tội phạm về chức vụ nói chung và tội tham ô tài sản nói riêng (trong các vụ án gần đây), có thể thấy thiệt hại trong vụ này chỉ 10,7 triệu đồng.
Cho dù mọi sự so sánh đều khập khiễng, nhưng so với nhiều vụ án khác gần đây (tham ô, hối lộ hàng chục tỉ, thậm chí hàng trăm tỉ, ngàn tỉ...) thì thiệt hại trong vụ án này là quá nhỏ.
Như đã đề cập, người có nhân thân tốt, phạm tội lần đầu, có nơi cư trú rõ ràng, thái độ thành khẩn khai báo, có thể được xem xét áp dụng biện pháp bảo lĩnh hoặc các biện pháp ngăn chặn khác như cấm đi khỏi nơi cư trú... thay vì tạm giam.
Biện pháp tạm giam là biện pháp ngăn chặn mang tính chất nghiêm khắc nhằm bảo đảm quá trình điều tra, truy tố, xét xử, nhưng cũng hạn chế nghiêm trọng quyền tự do cá nhân.
Biện pháp này được áp dụng khi có căn cứ cho rằng người đó sẽ gây khó khăn cho việc điều tra, truy tố, xét xử hoặc nguy hiểm cho xã hội, ví dụ như có dấu hiệu bỏ trốn, tiếp tục phạm tội, mua chuộc người khai báo gian dối hoặc gây nguy hại đến an ninh quốc gia...
Tuy nhiên, trong vụ án này, với một người có nhân thân tốt như ông Tâm và với một vụ việc có tính chất đơn giản thì việc vẫn tạm giam ông là không cần thiết. Vì vậy, không cần phải chờ người thân của ông Tâm gửi đơn xin bảo lĩnh mà cơ quan tiến hành tố tụng có thể cân nhắc, xem xét thay đổi biện pháp ngăn chặn, cho ông Tâm được tại ngoại.
Thủ tục để xin bảo lĩnh
Trong vụ án này, người thân của ông Tâm có thể gửi đơn xin bảo lĩnh đến Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Cà Mau, kèm theo đó là các giấy tờ như:
Giấy cam đoan có xác nhận của chính quyền địa phương nơi người nhận bảo lĩnh cư trú hoặc cơ quan, tổ chức nơi người nhận bảo lĩnh làm việc, học tập đối với trường hợp cá nhân nhận bảo lĩnh cho bị can (phải có giấy cam đoan của ít nhất 02 người bảo lĩnh).
Giấy cam đoan thực hiện các nghĩa vụ của bị can được bảo lĩnh: Có mặt theo giấy triệu tập, trừ trường hợp vì lý do bất khả kháng hoặc do trở ngại khách quan; Không bỏ trốn hoặc tiếp tục phạm tội...
Người nhà cũng có thể nộp thêm các giấy tờ về địa chỉ cư trú rõ ràng, công việc ổn định trước khi phạm tội, tài liệu về nhân thân tốt...
Trường hợp Cơ quan điều tra ra quyết định áp dụng biện pháp bảo lĩnh để thay thế cho biện pháp tạm giam thì Cơ quan điều tra phải có văn bản nêu rõ lý do, kèm theo chứng cứ, tài liệu gửi VKS có thẩm quyền đề nghị xét phê chuẩn.
Trong thời hạn 03 ngày, kể từ ngày nhận được hồ sơ đề nghị của Cơ quan điều tra, VKS có thẩm quyền phải ra quyết định phê chuẩn hoặc không phê chuẩn hoặc có văn bản yêu cầu Cơ quan điều tra bổ sung chứng cứ, tài liệu để xét phê chuẩn quyết định áp dụng biện pháp bảo lĩnh.
Căn cứ pháp lý cho việc trên được quy định tại Điều 121 Bộ luật Tố tụng hình sự và hướng dẫn tại Thông tư liên tịch 04/2018/TTLT-VKSNDTC-BCA-BQP.
Luật sư Hoàng Kim Minh Châu, Đoàn Luật sư TP.HCM