Không nên tùy tiện nghỉ việc

Không ít người lao động muốn thay đổi công việc, chỗ làm nhưng vì không nắm rõ luật nên tự ý nghỉ việc ngang, phải bồi thường cho doanh nghiệp

Kết quả khảo sát mới đây của Công ty CP Anphabe cho thấy có đến 42% người lao động (NLĐ) đang trong trạng thái stress (căng thẳng, mệt mỏi, chán nản). Trong đó, quản lý cấp trung, nhân viên có thâm niên 2 - 5 năm cảm thấy áp lực nhất. NLĐ các ngành sản xuất, vật liệu xây dựng và ngân hàng bị stress nhiều nhất, kế đến là ngành hóa chất, dược, chăm sóc sức khỏe, xây dựng và kiến trúc. Ngoài ra, trong nhóm nhân viên bán hàng và chăm sóc khách hàng cũng có tỉ lệ stress khá cao.

Thích thì làm, không thích thì nghỉ

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên nhưng tựu trung vẫn là do áp lực tài chính, gia đình, tính chất công việc, môi trường và điều kiện làm việc, quan hệ công sở...

Là nhân viên phòng thu mua của một doanh nghiệp (DN) sản xuất thực phẩm tại KCN Hiệp Phước (huyện Nhà Bè, TP HCM), đầu tháng 12-2022, chị Lữ Thị Thu Phương (26 tuổi; ngụ quận 7, TP HCM) được điều chuyển xuống xưởng sản xuất làm việc ở phòng thống kê, kiêm quản đốc một chuyền sản xuất.

Vị trí công việc mới có mức thu nhập cao hơn nhưng nơi làm việc ồn ào, nóng nực nên chị Phương không hài lòng. Chị Phương gặp quản lý đề xuất chuyển về văn phòng nhưng không được chấp nhận. Ấm ức, chị cho biết sẽ không quay lại làm việc sau Tết Nguyên đán sắp tới và có ý định không thông báo nghỉ việc để "chọc tức bà trưởng phòng nhân sự".

Những hoạt động vì cộng đồng sẽ giúp người lao động xả stress, gắn kết hơn trong công việc

Những hoạt động vì cộng đồng sẽ giúp người lao động xả stress, gắn kết hơn trong công việc

Không chờ sau Tết mới nghỉ như chị Phương, anh Lê Văn Thiện (30 tuổi, quê Trà Vinh) đã không quay lại làm việc sau kỳ nghỉ Tết dương lịch. Là nhân viên bảo trì điện cho một công ty sản xuất cơ khí tại KCN Tân Bình (quận Tân Phú, TP HCM), anh Thiện luôn được đánh giá cao trong công việc nên khi anh nghỉ ngang khiến nhiều người bất ngờ.

Anh cho biết gia đình có việc nên về quê rồi quyết định không quay lại công ty nữa, sẽ kiếm việc làm ở quê cho gần cha mẹ. "Nhiều năm bôn ba, giờ về phụng dưỡng cha mẹ. Tôi cũng đã gửi email cho phòng nhân sự xin nghỉ, chấp nhận hay không tùy ở họ" - anh Thiện nói.

Anh Vũ Ngọc Xuân - quản lý một xưởng may gia công nhỏ của một công ty ở quận Tân Phú, TP HCM - kể năm ngoái, theo lịch nghỉ Tết xưởng thông báo là hết mùng 6. Tuy nhiên, đến ngày trở lại làm việc chỉ khoảng 40% công nhân. Có 10 người trong số không đến làm việc đúng hẹn nhắn tin xin phép, số còn lại không liên lạc được, người liên lạc được thì nói không đến làm nữa.

Trong khi đó, tất cả công nhân đều đang còn hợp đồng làm việc với xưởng. "Nhiều năm như vậy rồi nên tôi cũng không bất ngờ lắm nhưng quả thật không hiểu sao NLĐ bây giờ thích thì làm, không thích thì nghỉ. Công ty dù nhỏ vẫn bảo đảm mọi quyền lợi của NLĐ cuối năm nhưng họ lại đối xử khá phũ phàng" - anh Xuân bộc bạch.

Phải bồi thường

Trước tình trạng nhiều người đột ngột nghỉ việc mà không thông báo trước, có trường hợp trái pháp luật, tự gây thiệt hại cho bản thân, luật sư Nguyễn Minh Tâm, Trưởng Văn phòng Luật sư Đắc Nhân Tâm (quận 7, TP HCM), cho hay NLĐ có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động (HĐLĐ) nhưng phải bảo đảm thời hạn báo trước theo quy định của Bộ Luật Lao động 2019. Do vậy, NLĐ phải báo trước ít nhất 45 ngày nếu HĐLĐ không xác định thời hạn; ít nhất 30 ngày nếu HĐLĐ có thời hạn từ 12 tháng đến 36 tháng; ít nhất 3 ngày nếu HĐLĐ có thời hạn dưới 12 tháng.

Bên cạnh đó, bộ luật này cũng quy định NLĐ có quyền đơn phương chấm dứt HĐLĐ mà không cần báo trước trong các trường hợp: Không được bố trí theo đúng công việc, địa điểm làm việc hoặc không được bảo đảm điều kiện làm việc theo thỏa thuận; không được trả đủ lương hoặc trả lương không đúng thời hạn; bị người sử dụng lao động ngược đãi, đánh đập hoặc có lời nói, hành vi nhục mạ, hành vi làm ảnh hưởng đến sức khỏe, nhân phẩm, danh dự, bị cưỡng bức lao động…

"NLĐ sẽ phải bồi thường cho DN nếu nghỉ ngang, không báo trước với các khoản: nửa tháng tiền lương theo hợp đồng, tiền ứng với tiền lương của những ngày không báo trước. Ngoài ra, những trường hợp được đi học nghề, đào tạo nghề có kinh phí, NLĐ phải hoàn trả chi phí đào tạo" - luật sư Tâm nói.

Theo bà Nguyễn Thị Việt Thanh, Giám đốc điều hành Công ty CP Anphabe, một khi NLĐ đã quyết tâm ra đi thì DN cũng không nên giữ. Tuy nhiên, để cuộc chia tay trở nên êm đẹp và đúng luật, cả NLĐ và DN cần thực hiện đúng thủ tục cần thiết. Việc bàn giao công việc trước khi nghỉ phải đúng quy định. Đặc biệt, với những vị trí công việc có liên quan đến dữ liệu, tài khoản các ứng dụng trong công việc... cũng được bảo toàn, bàn giao nguyên bản.

Bà Thanh cho rằng trong giai đoạn hiện nay, để giữ chân NLĐ, các chủ DN cần quan tâm từ sức khỏe thể chất, cảm xúc, tinh thần, tài chính đến sự nghiệp của NLĐ. "Chú trọng an sinh toàn diện cho NLĐ, nhất là những dịp lễ, Tết bằng những việc làm thiết thực với nhu cầu của NLĐ. DN nào thể hiện rõ sự quan tâm chân thành tới NLĐ sẽ là thỏi nam châm hút nguồn nhân lực và NLĐ cũng sẽ tận tâm cống hiến cho sự phát triển của DN đó" - bà Thanh nhấn mạnh.

Bài và ảnh: GIANG NAM

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/cong-doan/khong-nen-tuy-tien-nghi-viec-20230106211237212.htm