Không ngừng chăm lo, nâng cao đời sống của nhân dân theo Di chúc của Bác
Suốt cả cuộc đời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn coi việc lo cơm ăn, áo mặc cho dân là điều vô cùng quan trọng. Trong Di chúc, Người nhấn mạnh: 'Đảng phải có kế hoạch thật tốt để phát triển kinh tế và văn hóa, nhằm không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân'. Đến nay, qua 50 năm thực hiện Di chúc của Người, sự nghiệp 'nâng cao đời sống của nhân dân' của Đảng, Nhà nước ta đã đạt được những thành tựu có ý nghĩa hết sức to lớn.
Làm theo lời căn dặn của Bác, sau khi đất nước thống nhất, nhất là từ năm 1986 - thời điểm đất nước tiến hành công cuộc “đổi mới” đến nay, Đảng, Nhà nước cùng quân và dân ta đã quán triệt sâu sắc, vận dụng sáng tạo tư tưởng của Người trong hoạch định đường lối, chiến lược phục vụ con người, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho mọi tầng lớp nhân dân. Trải qua hơn 30 năm đổi mới, đất nước ta đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, trong đó đặc biệt phải kể đến các chủ trương, chính sách cho con người, vì con người, mà cụ thể là hệ thống chính sách an sinh xã hội.
Điều này được thể hiện rõ trong Cương lĩnh xây dựng đất nước thời kỳ quá độ lên CNXH (bổ sung, phát triển năm 2011): “Con người là trung tâm của chiến lược phát triển, đồng thời là chủ thể phát triển”; thực hiện “chính sách xã hội đúng đắn, công bằng vì con người là động lực mạnh mẽ phát huy mọi năng lực sáng tạo của nhân dân”; “kết hợp chặt chẽ, hợp lý phát triển kinh tế với phát triển văn hóa, xã hội, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội”...
Đến nay, chúng ta có thể tự hào báo cáo với Bác, qua hơn 30 năm đổi mới đã luôn hướng tới mục tiêu không ngừng “nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân” như văn kiện Đại hội XII của Đảng đã khẳng định. Trong những năm qua, tăng trưởng GDP của Việt Nam đạt tốc độ trung bình khoảng 6,7%/năm. Đặc biệt, trong năm 2018, tăng trưởng GDP đạt 7,08%, mức cao nhất từ năm 2008 đến nay. Bình quân 3 năm (2016-2018) tăng 6,7%, đạt mục tiêu của cả giai đoạn 5 năm 2016-2020 được Quốc hội giao (6,5-7%).
Chỉ số lạm phát được kiểm soát. Liên tiếp trong 3 năm 2016-2018, chỉ số giá tiêu dùng bình quân (CPI) duy trì ở mức dưới 4%. Quy mô GDP theo giá hiện hành của Việt Nam ước đạt 5,5 triệu tỷ đồng, tương đương 240 tỷ USD. Năng lực cạnh tranh quốc gia tăng 5 bậc so với năm 2016 (từ vị trí 60/138 lên vị trí 55/137 nền kinh tế); môi trường kinh doanh tăng 14 bậc (từ vị trí 82 lên vị trí 69/190 nền kinh tế). GDP 6 tháng đầu năm 2019 tăng 6,76%, tuy thấp hơn mức tăng của 6 tháng đầu năm 2018 nhưng cao hơn mức tăng của 6 tháng các năm 2011-2017, điều này khẳng định tính kịp thời và hiệu quả của các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu được Chính phủ ban hành để thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2019.
Đời sống nhân dân tiếp tục được cải thiện; phát triển văn hóa, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội đạt được những kết quả tích cực; nhờ có chính sách an sinh xã hội bao phủ rộng khắp nên các đối tượng có hoàn cảnh khó khăn được đi học tăng lên, tỉ lệ mù chữ giảm xuống. Đến nay, chúng ta đã phổ cập giáo dục trung học cơ sở, đã xóa được “xã trắng” về giáo dục mầm non. Các tỉnh, huyện miền núi đã có trường nội trú, bán trú cho học sinh dân tộc thiểu số và số học sinh, sinh viên trong các trường đại học, cao đẳng tăng lên đáng kể nhờ chính sách hỗ trợ vay vốn.
Bên cạnh đó, số người dân tham gia Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế ngày càng tăng theo hướng bền vững; công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân được chú trọng; chính sách dân tộc, tôn giáo được quan tâm và đảm bảo. Chính phủ Việt Nam đề ra Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững (giai đoạn 2016 - 2020) với số vốn 41.449 tỷ đồng. Ngoài ra, Nhà nước còn bố trí 44.214 tỷ đồng để thực hiện chính sách giảm nghèo thường xuyên, hỗ trợ người nghèo về y tế, giáo dục, nhà ở, tín dụng... Đến nay, tỷ lệ nghèo trong đồng bào các dân tộc thiểu số tiếp tục giảm là kết quả rất đáng khích lệ. 70% người dân Việt Nam đã được đảm bảo về mặt kinh tế; trong đó, có 13% thuộc tầng lớp trung lưu theo chuẩn thế giới... chính là những con số “biết nói”, góp phần từng bước đặt nền móng cho sự phát triển bền vững của Việt Nam trong tương lai.
Để công bằng, khách quan trong đánh giá việc thực hiện “công việc đối với con người”, 50 năm qua, chúng ta có thể lấy các số liệu từ các tổ chức của Liên hợp quốc, trong đó có số liệu về phát triển con người. Nếu như trong những Báo cáo phát triển con người đầu tiên của UNDP cho thấy chỉ số phát triển con người (HDI) của Việt Nam năm 1990 là 0,472, được xếp vào nhóm các nước có chỉ số HDI thấp; thì với chỉ số 0,694 (năm 2018), Việt Nam đã vươn lên đứng thứ 116 trong tổng số 189 nước tham gia xếp hạng và chỉ cần đạt thêm 0,006 điểm để nâng hạng lên mức “Phát triển con người cao”. Có được bước tiến bộ vượt bậc này, phải kể đến thành tựu trong xóa đói giảm nghèo, chính sách giáo dục và chính sách y tế.
Theo ông Ousmane Dione, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ có lẽ là điều kiện tiên quyết quan trọng nhất để phát triển thành công. “Mức tăng trưởng kinh tế đạt gần 7%/năm, thu nhập bình quân đầu người tăng gần gấp 5 lần, tỷ lệ nghèo giảm xuống dưới 7% so với mức hơn 60% vào cuối những năm 1980, là những thành tựu nổi bật của nền kinh tế Việt Nam. Để đạt được khát vọng trở thành nước có thu nhập trung bình cao thành công vào năm 2030 và là nước có thu nhập cao vào năm 2045, nền kinh tế Việt Nam cần hoạt động hiệu quả và bền vững trong suốt hơn 25 năm tới” - Ông Ousmane Dione chia sẻ.
Qua những thành tựu trên cho thấy, “chăm lo nâng cao đời sống nhân dân” là nhiệm vụ chính trị trung tâm, là thước đo và tiêu chí đánh giá sự hoàn thành trách nhiệm của Đảng và Nhà nước, Chính phủ, Quốc hội đối với nhân dân. Mới đây, tại Hội nghị các nhà khoa học đóng góp ý kiến cho Tiểu ban Kinh tế - Xã hội của Đại hội XIII của Đảng, đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ đã nhấn mạnh quan điểm, định hướng, đột phá phát triển, nhiệm vụ, giải pháp trong 5 năm, 10 năm tới và tầm nhìn đến năm 2045 trên các lĩnh vực mà Chiến lược 10 năm đưa ra, đặc biệt là sự phát triển bền vững, mối quan hệ hài hòa giữa phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, môi trường cũng như quốc phòng, an ninh của đất nước. Đây cũng là một trong những nội dung quan trọng tiếp theo trong việc thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh và chuyên đề năm 2019 về “Xây dựng ý thức tôn trọng nhân dân, phát huy dân chủ, chăm lo đời sống nhân dân theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”.