Không ngừng đổi mới, sáng tạo khi kinh doanh đặc sản Ninh Bình

Bằng sự chân thành, kiên định và tinh thần ham học hỏi, chị Nguyễn Thị Lệ Thanh mong muốn món ăn quê hương Ninh Bình được nhiều người biết đến và tin dùng.

Chị Nguyễn Thị Lệ Thanh

Sinh ra và lớn lên tại Gia Viễn (Ninh Bình), nơi nổi tiếng với món mắm tép, năm 2019, chị Nguyễn Thị Lệ Thanh quyết định khởi nghiệp với sản phẩm "Thịt chưng mắm tép Thanh Nguyễn". Chị Thanh chia sẻ, những ngày đầu khởi nghiệp, khó khăn với chị chính là tìm cách làm thịt chưng mắm tép vừa đảm bảo chất lượng, vừa mang hương vị quê hương nhưng cũng phải phù hợp với khẩu vị của đa số người tiêu dùng.

Vì vậy, trên hành trình nghiên cứu, tìm ra hương vị ưng ý, chị Thanh đã không ít lần phải đổ đi hàng tạ thịt lợn. Xác định lấy chữ "tâm" làm triết lý kinh doanh, chị sẵn sàng lắng nghe phản hồi từ khách hàng để cải thiện sản phẩm.

"Có lần tôi đứng dưới mưa chỉ để mong muốn một khách hàng đồng ý trải nghiệm lại sản phẩm của mình sau khi không hài lòng. Và giờ chị ấy là một trong những khách "ruột" của tôi", chị Thanh nhớ lại.

Với mong muốn sản phẩm an toàn tuyệt đối, dưới sự hỗ trợ của chuyên gia Viện Công nghệ Thực phẩm, chị đã ra mắt sản phẩm thịt chưng mắm tép không chất bảo quản. Sản phẩm đạt chứng nhận OCOP 4 sao, "Sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp khu vực phía Bắc".

Sau một thời gian, chị đã phát triển cơ sở sản xuất thành Hợp tác xã (HTX) sản xuất và kinh doanh nông sản Thanh Nguyễn. Năm 2022, HTX Thanh Nguyễn phải đối mặt với nhiều khó khăn do tác động của đại dịch Covid-19. Để đưa HTX vượt qua khó khăn, chị Thanh liền nhanh chóng tìm hướng đi mới:

Chị Nguyễn Thị Lệ Thanh (ngồi, thứ 4 từ trái sang) giới thiệu sản phẩm của mình tới hội viên phụ nữ trong một hoạt động do Hội LHPN địa phương tổ chức

Chị Nguyễn Thị Lệ Thanh (ngồi, thứ 4 từ trái sang) giới thiệu sản phẩm của mình tới hội viên phụ nữ trong một hoạt động do Hội LHPN địa phương tổ chức

Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số trong kinh doanh online; đa dạng ngành nghề kinh doanh bằng cách cung cấp thực phẩm cho trường học và các khu công nghiệp, kinh doanh dịch vụ ăn uống.

Trong sản xuất, xác định "làm được đến đâu, tái đầu tư đến đó", chị Thanh không ngừng nâng cấp máy móc, trang thiết bị vào sản xuất, áp dụng hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến HACCP (nguyên tắc thiết lập hệ thống quản lý an toàn thực phẩm) nhằm kiểm soát chặt chẽ quy trình sản xuất, hạn chế tối đa sản phẩm hư hỏng.

Điều này giúp HTX Thanh Nguyễn ngày càng phát triển, đạt doanh thu năm 2023 là 7 tỷ đồng, gấp 3 lần so với năm trước. HTX tạo việc làm cho khoảng 40 lao động, trong đó phần lớn là nữ giới.

Đầu năm 2023, chị Thanh quyết định nghỉ công việc Nhà nước, toàn tâm toàn ý xây dựng thương hiệu "Thịt chưng mắm tép Thanh Nguyễn". Cùng lúc này, chị Thanh gây dựng nhà hàng Cơm quê tại phố cổ Hoa Lư (Ninh Bình). Nhưng việc kinh doanh nhà hàng không được thuận lợi.

Lúc này, chị nhận được phản hồi từ nhiều kiều bào mong muốn món thịt chưng mắm tép được xuất khẩu ra nước ngoài, đáp ứng nhu cầu của những người xa xứ. Được tiếp thêm động lực, chị Thanh đã đưa thịt chưng mắm tép Thanh Nguyễn xuất sang các nước: Camphuchia, Lào, Hàn Quốc…

Một trong những bài học kinh nghiệm chị Thanh rút ra từ quá trình khởi nghiệp của mình là "chậm mà chắc", từng bước phát triển và không ngừng trau dồi kiến thức và kỹ năng xây dựng kênh livestream bán hàng, làm truyền thông quảng cáo cho thương hiệu, học ngoại ngữ…

Minh Anh

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/khong-ngung-doi-moi-sang-tao-khi-kinh-doanh-dac-san-ninh-binh-20240619095435565.htm