Không ngừng nâng cao chất lượng dạy và học

Trường Bổ túc văn hóa (BTVH) Pali Trung cấp Nam bộ được thành lập năm 1994 với mục tiêu của trường là đào tạo cán bộ sư sãi người Khmer các tỉnh khu vực Nam Bộ. Trường trang bị kiến thức ở cấp học phổ thông theo chương trình giáo dục thường xuyên để chuẩn bị tốt cho tăng sinh học lên bậc học cao hơn, tạo nguồn nhân lực tham gia hoạt động trong hệ thống Phật giáo Nam tông Khmer hoặc khi xuất tu sẽ tham gia hoạt động xã hội.

Thầy Thạch Rích – Phó Hiệu trưởng Trường BTVH Pali Trung cấp Nam bộ cho biết, hiện nay tổng số cán bộ, giáo viên, nhân viên của trường là 45 người, trong đó giáo viên trực tiếp giảng dạy là 22 người, có 213 tăng sinh đang theo học từ lớp 6 đến lớp 12. Trường thực hiện giảng dạy theo 3 chương trình chính: chương trình giáo dục thường xuyên cấp THCS và cấp THPT, chương trình tiếng Pali trung cấp, chương trình Ngữ văn Khmer trung học. Song song với giảng dạy văn hóa, trường còn có nhiệm vụ giáo dục chính trị tư tưởng để nâng cao trình độ nhận thức, quán triệt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các nghị quyết, chỉ thị của Trung ương, của địa phương, của ngành, giáo dục truyền thống ý nghĩa lịch sử các ngày kỷ niệm, các ngày lễ lớn trong năm của đất nước, đặc biệt chú ý triển khai những chính sách dân tộc, từ đó giáo dục tăng sinh niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng và chủ nghĩa xã hội.

Lãnh đạo Trung ương đến thăm và tặng quà cho Trường BTVH Pali Trung cấp Nam bộ. Ảnh: PHƯỚC LIÊU

Lãnh đạo Trung ương đến thăm và tặng quà cho Trường BTVH Pali Trung cấp Nam bộ. Ảnh: PHƯỚC LIÊU

Từ khi thành lập đến nay, trường đã đào tạo được 1.185 tăng sinh và đã ra trường được 23 khóa với 714 tăng sinh, trong đó tốt nghiệp THPT là 621 tăng sinh, tỷ lệ 87%. Trong số tăng sinh tốt nghiệp ra trường có khoảng 60 học viên đã theo học ngành sư phạm và đang tham gia giảng dạy từ cấp tiểu học, cấp THCS đến cấp THPT; khoảng 110 học viên tham gia công tác ở các cơ quan nhà nước như: y tế, báo chí, phát thanh - truyền hình, công an, du lịch, ban dân tộc, ban tôn giáo, ban dân vận. Có khoảng 20 học viên được Giáo hội Phật giáo Việt Nam cử đi du học ở nước ngoài; 30 học viên đang theo học ở Học viện Phật giáo Nam tông Khmer tại Cần Thơ và các trường cao đẳng, đại học trong nước.

Ngoài ra, trường còn thực hiện Đề án Đào tạo tiếng Khmer cho cán bộ, công chức, viên chức trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng của Ban Tổ chức Tỉnh ủy. Trường đã biên soạn giáo trình tiếng Khmer, gồm 3 chương trình: tiếng Khmer căn bản, tiếng Khmer nâng cao và chương trình biên - phiên dịch tiếng Khmer. Từ năm 2019 đến nay đã mở được 7 lớp, trong đó có 5 lớp tiếng Khmer căn bản, 2 lớp tiếng Khmer nâng cao; tổng số 353 học viên (trong đó, năm 2019 có 164 học viên và năm 2020 189 học viên).

Thầy Thạch Rích nhấn mạnh: “Trong suốt 27 năm qua, trường đã hoạt động liên tục và không ngừng phát triển, với những kết quả đạt được tuy còn rất khiêm tốn nhưng có một ý nghĩa rất quan trọng, vừa khẳng định được sự quan tâm đặc biệt, thiết thực, cụ thể của Đảng, Nhà nước ta đối với sư sãi Khmer, vừa khẳng định hướng đi đúng đắn trong việc đào tạo, bồi dưỡng cho các vị sư sãi Khmer trong thời kỳ đổi mới của đất nước, góp phần tích cực trong việc nâng cao trình độ văn hóa và đào tạo cán bộ trí thức người Khmer cho các cơ quan, ban ngành, đoàn thể được kịp thời, phục vụ công tác ở các địa phương, cũng như tạo nguồn nhân lực tham gia xây dựng và phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội trong khu vực Nam bộ”.

PHƯỚC LIÊU

Nguồn Sóc Trăng: http://baosoctrang.org.vn/giao-duc/khong-ngung-nang-cao-chat-luong-day-va-hoc-49386.html